Biết khách muốn gì...

15/07/2018 07:51 GMT+7

Ngành công nghiệp không khói đã đóng góp khoảng 7,5% vào GDP cả nước năm 2017 với tổng thu trực tiếp hơn 510.000 tỉ đồng.

Các chủ trương và quyết sách mạnh mẽ cùng việc tăng cường đầu tư, quảng bá, xúc tiến, tổ chức sự kiện du lịch đã góp phần đưa Việt Nam là một trong 10 nước có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm qua.
Nhiều cuộc hội thảo, tổng kết, góp ý cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết những “điểm nghẽn”, phát triển nguồn nhân lực tương xứng, khắc phục những yếu kém nội tại của du lịch Việt Nam đã được tổ chức. Không ít ý kiến tâm huyết nêu rõ phải làm sao để phát huy tiềm năng tài nguyên, tạo ra chuỗi giá trị liên kết, chuyên nghiệp hóa việc quảng bá xúc tiến, nâng cao và duy trì chất lượng dịch vụ... Làm sao để có dấu ấn độc đáo, thực sự đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách...
Nên có những khảo sát, các báo cáo, cơ sở dữ liệu hằng năm về việc khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế cần gì, muốn gì tại điểm đến, thay vì chỉ hoạch định chủ quan từ những nhà quản lý và nhà đầu tư rằng mình sẽ phục vụ cho họ những gì như lâu nay. Có thể tăng thành quả du lịch hơn khi người làm du lịch đặt mình vào nhu cầu, nguyện vọng cần đáp ứng của chính mình khi đi du lịch. Và, có các kế hoạch phù hợp.
Khách du lịch nào dù đến đâu cũng đều có chung nhu cầu, ngoài việc nghe nhìn và trải nghiệm. Ai cũng muốn thuận lợi visa; an toàn, thoải mái; ăn ngon, ăn sạch và vài lần thưởng thức hương vị của quê hương mình nơi xứ lạ; được thưởng thức hoạt động văn hóa bản địa thú vị hằng đêm; được phục vụ chu đáo và chuyên nghiệp với đặc sản nụ cười... Họ cũng cần có phần mềm ứng dụng để tải vào thiết bị di động về tất cả dịch vụ du lịch tại điểm đến, rồi kết nối trực tuyến. Họ đánh giá cao liên kết vùng hoặc liên kết sản phẩm giữa các đơn vị kinh doanh tại chỗ; ví dụ, tôi thích nghỉ ở khách sạn này, nhưng lại thích hội họp, ăn uống ở một khách sạn khác không cùng hệ thống... Đi cùng trẻ nhỏ, họ mong được đưa chúng đến khu tương tự như Disneyland hay Safari, chẳng hạn.
Lãnh đạo một công ty du lịch lớn trong nước từng trao đổi về sự độc đáo cần có của các sản phẩm du lịch, và cả slogan du lịch. Theo anh, thay vì dùng khái niệm chung chung, hoành tráng như “Việt Nam - Điểm đến của thiên niên kỷ mới”, hay “...Vẻ đẹp tiềm ẩn”, “...Vẻ đẹp bất tận” thì nên chăng thể hiện cách nào đó ý “Đến Việt Nam được ăn ngon”. Có vẻ hơi phàm phu nhưng dễ cảm nhận vì khách du lịch độ tuổi nào cũng thích ăn ngon và ẩm thực Việt thì cực kỳ phong phú, ít nơi nào khác có được; vừa là đặc sản vùng miền, vừa là sản phẩm giao thoa văn hóa ẩm thực với các nước.
Biết ta, biết khách, trăm việc ắt thuận lợi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.