Bảo hộ quyền tác giả

21/02/2019 04:58 GMT+7

Việc họa sĩ Lê Linh mất 12 năm ròng rã kiện đòi tác quyền Thần đồng đất Việt cho thấy câu “được vạ thì má đã sưng” còn nguyên giá trị!

Khoản 1 điều 14 luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định,các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải kể đến như tác phẩm văn học, khoa học, giáo trình, tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác, tác phẩm báo chí, tác phẩm âm nhạc, điện ảnh...
Pháp luật cũng nêu rõ quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân đối với các tác phẩm nói chung và tác phẩm báo chí nói riêng bao gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm; Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả...
Quyền tài sản bao gồm: Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác...
Tuy nhiên tình trạng xâm phạm tác quyền, khai thác kinh doanh và thu lợi sản phẩm trí tuệ của người khác vẫn đang diễn ra hằng ngày tại nước ta. Phổ biến hiện nay là cá nhân, tổ chức sao chép nguyên bài báo nhưng không trích dẫn, không xin phép, không trả tiền nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu; cắt xén gây lệch lạc thông tin, hoặc các hành vi khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nguyên gốc của tác phẩm báo chí, xâm phạm đến quyền nhân thân của tác giả và quyền tài sản, cụ thể là khả năng khai thác thương mại của chính các tòa soạn, chủ sở hữu.
Luật quy định khi có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả, chủ thể bị xâm phạm có thể khởi kiện tại tòa án yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, buộc xin lỗi cải chính công khai, bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần. Tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí có thể bị xử phạt hành chính 70 triệu đồng, xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc gỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm...
Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa chủ động trong phát hiện và xử phạt nên việc xâm phạm tác quyền diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Người bị xâm phạm khi nộp hồ sơ khởi kiện thì từ khi tòa án thụ lý cho đến lúc giải quyết xong vụ việc thường thời gian kéo dài, người khởi kiện tốn kém chi phí, mệt mỏi chờ đợi, đặc biệt là sự cố tình không hợp tác của bên bị đơn, nên dù biết bị xâm hại quyền lợi nhưng rất ít cá nhân, tổ chức bị xâm phạm khởi kiện.
Để giải quyết vấn nạn này, ngoài việc cơ quan chức năng phải chủ động trong việc phát hiện và xử phạt các hành vi xâm phạm tác quyền thì các nhà làm luật phải sửa đổi trình tự thủ tục giải quyết đối với các vụ kiện về tác quyền tại tòa án theo hướng rút gọn, nhanh chóng và kịp thời. Cần thiết phải sửa luật theo hướng nâng mức xử phạt hành chính sao cho đủ sức răn đe người vi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.