Ai chịu trách nhiệm?

17/09/2019 04:40 GMT+7

Các dự án đội vốn, đầu tư thua lỗ, không hiệu quả, bằng cách này hay cách khác rồi vẫn được quyết toán mà không có một chế độ trách nhiệm pháp lý, hay trách nhiệm chính trị nào được áp đặt.

Đây là câu hỏi nhức nhối từ năm này qua năm khác, từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác về cặp đôi hoàn hảo “đội vốn - chậm tiến độ” ở các công trình sử dụng vốn ngân sách, hoặc có yếu tố ngân sách nhà nước như ODA, vay ưu đãi nước ngoài...
5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM chậm tiến độ, “đội vốn” khoảng 80.000 tỉ đồng, mới đây là 5 nhà máy điện đội vốn hàng chục ngàn tỉ đồng, đến một dự án (vốn ban đầu rất nhỏ) như dự án nạo vét kè sông ở Ninh Bình (72 tỉ đồng) cũng tăng gấp 36 lần, lên gần 2.600 tỉ.
Nguyên nhân của tình trạng đội vốn khủng này đã được chỉ ra qua nhiều phiên chất vấn tại địa phương cũng như diễn đàn Quốc hội. Thứ nhất là chủ quan, “chậm bàn giao mặt bằng” gây phát sinh chi phí. Mà theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tính trung bình, nếu dự án cứ chậm trễ 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính.
Thứ hai, đội vốn xuất phát từ chính “thói quen” của các chủ đầu tư, các bộ ngành, địa phương trong lập dự án. Để “lách luật”, các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thường tìm cách xây dựng dự án với vốn đầu tư ban đầu ước tính rất thấp để “xin cho được” dự án, sau đó mới đẩy số vốn đầu tư về đúng giá trị, thậm chí là trên giá trị thật với các con số ảo. Đã có không ít dự án, đội vốn ngay khi vừa được phê duyệt.
Nhưng vấn đề là, dù là nguyên nhân nào thì nó cũng không được gắn với trách nhiệm một cá nhân cụ thể. Các dự án đội vốn, đầu tư thua lỗ, không hiệu quả, bằng cách này hay cách khác rồi vẫn được quyết toán mà không có một chế độ trách nhiệm pháp lý, hay trách nhiệm chính trị nào được áp đặt.
Báo chí nhiều lần đặt câu hỏi, ai phải chịu trách nhiệm khi ngân sách phải đền cho nhà thầu xây dựng cầu Nhật Tân 200 tỉ đồng do chậm bàn giao mặt bằng và nguy cơ mất 81 triệu USD với lý do tương tự tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội? Lý do là chậm bàn giao mặt bằng thì rõ rồi, nhưng tại sao chậm, ai phải chịu trách nhiệm thì lại không bao giờ được nói tới. Câu trả lời thường là “chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm”.
Nhưng không có “chính quyền” chung chung, nó là một thiết chế mà ở đó mỗi công việc phải gắn với một cá nhân cụ thể. Chỉ không hiểu tại sao, mỗi khi “hữu sự”, dự án chậm tiến độ, đội vốn có khi tới vài chục lần, thì lại không có ai chịu trách nhiệm.
Nếu trách nhiệm “cha chung không ai khóc” thì vốn nhà nước còn mặc sức tiêu, thất thoát, lãng phí còn tiếp tục và khó lòng được giải quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.