Chẳng chính ngôi

08/06/2016 04:49 GMT+7

Dân gian có câu: Người trên ở chẳng chính ngôi/Khiến cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn . Câu ca dao ấy thực là ở xã hội nào cũng ‘tỏa sáng’ được.

Phải thừa nhận với nhau một điều, quan lại trước kia hay cán bộ bây giờ là dạng “tinh hoa” của xã hội, đạt được ngôi thứ nhất định trong đời sống sau cuộc sàng lọc khắt khe về học vấn, kiến thức, tài năng, nhân cách, đường lối quan điểm… Thời quân chủ, đó là những kỳ thi, tuyển người tài cao học rộng đỗ đạt cao ra làm quan. Thời nay, ngoài những yếu tố trên, công tác tổ chức cán bộ còn xem xét, lựa chọn kỹ lưỡng nhiều khía cạnh khác liên quan đến đương sự, làm sao đảm bảo có được những người “vừa hồng vừa chuyên”.
Nguyên tắc thì như vậy, nhưng thực tế lâu lâu lại bùng nổ những trường hợp ít ai ngờ, tuy nhiên đó là kết quả không tránh khỏi trong quy trình còn nhiều chắp vá, lỗ hổng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác tổ chức, bồi dưỡng cán bộ. Bác gọi đó là điều kiện tiên quyết, là yếu tố quyết định quan trọng nhất đối với chất lượng bộ máy nhà nước. Muốn cống hiến phục vụ thật nhiều cho đất nước thì cán bộ phải có tài, nhưng để dân tin yêu nể phục thì cán bộ phải có đức. Bác dạy: “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2002). Thật vậy, người bình thường cũng cần có đức (đạo đức, nhân cách) huống chi người lãnh đạo.
Làm quan là một nghề, nhưng không phải vị quan nào cũng biết làm quan. Ngôi không chính thì dưới mắt dân chỉ biến thành thứ tội nợ, tai ách cho dân, cho nước. Lời dạy “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” của của cụ Hồ phải ngấm vào máu các vị công bộc thì họ mới có thể trở thành tấm gương cho dân soi được.
Làm quan, hay làm cán bộ, phải gương mẫu, đặt tư cách lên hàng đầu bởi luôn có sự săm soi của mọi người, “quan trên nhắm xuống người ta trông vào”. Phải coi đó là sự hy sinh cần thiết để đánh đổi lấy quyền lực, địa vị, uy phong, đẳng cấp xã hội. Nếu không chấp nhận luật bất thành văn ấy thì đừng làm quan, làm cán bộ. Dân chúng đóng thuế, bỏ tiền ra nuôi bộ máy điều hành gồm những con người như thế thì họ có quyền đòi hỏi cán bộ phải gương mẫu, tận tụy, quên mình, hy sinh. Địa vị chức vụ càng cao, sự đòi hỏi của dân với cán bộ càng nhiều, sự hy sinh của cán bộ càng lớn. Công bộc của dân là vậy, không thể nào khác được.
Người xưa có những bài học quý giá cho đời sau. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi nối ngôi cha (1293), vua Trần Anh Tông tuổi còn trẻ vẫn có lúc ham rượu chè, bỏ bê chính sự. Một lần Thượng hoàng Trần Nhân Tông bắt gặp, liền xuống chiếu đòi về trị tội, dù kẻ sai phạm đang làm vua. Dẫu Anh Tông đã rập đầu quỳ lạy tạ tội nhưng Thượng hoàng vẫn cảnh báo: “Trẫm tha cho ngươi lần này, nhưng ngươi phải biết trẫm còn có con khác cũng nối được ngôi, trẫm còn sống mà ngươi dám như thế, huống chi sau này”.
Không tự soi mình, răn mình, nghiêm khắc với mình, vua cũng có thể phải thay, huống chi quan lại, cán bộ cấp dưới.
Chuyện ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang với chiếc siêu xe đắt tiền vừa qua đã gây bức bối dư luận, không phải vì người ta ghen tị với độ giàu sang của ông mà vì những mờ ám, quanh co, lẩn tránh, không rõ ràng, vi phạm pháp luật quanh chiếc xe ấy. Rồi ông Phó chánh văn phòng Bộ Y tế, những hành vi thiếu gương mẫu trước dân, say rượu, hung hăng, nói năng hành vi vô văn hóa, hoàn toàn trái tư cách của người cán bộ, chỉ làm ô nhiễm môi trường cán bộ, không chỉ ở Bộ Y tế.
Làm quan là một nghề, nhưng không phải vị quan nào cũng biết làm quan. Ngôi không chính thì dưới mắt dân chỉ biến thành thứ tội nợ, tai ách cho dân, cho nước. Lời dạy “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” của của cụ Hồ phải ngấm vào máu các vị công bộc thì họ mới có thể trở thành tấm gương cho dân soi được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.