Cẩn trọng với những lời khai quá chấn động trước tòa

10/01/2014 13:30 GMT+7

Trong hoàn cảnh công cuộc chống tham nhũng dường như chưa đem lại mấy kết quả, thì những lời khai như của Dương Chí Dũng trước tòa về thượng tướng Phạm Quý Ngọ vừa qua khiến công chúng thỏa mãn, báo chí tha hồ khai thác thông tin.

Trong hoàn cảnh công cuộc chống tham nhũng dường như không đem lại mấy kết quả, thì những lời khai như của Dương Chí Dũng trước tòa về thượng tướng Phạm Quý Ngọ vừa qua khiến công chúng thỏa mãn, báo chí tha hồ khai thác thông tin.

 
Tại phiên tòa xét xử vụ án tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, trong tư cách nhân chứng, Dương Chí Dũng đã có những lời khai gây chấn động dư luận - Trong ảnh là bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa xử vụ án tham nhũng xảy ra tại Vinalines

Tuy nhiên đấy chỉ là lời khai một phía của một tử tội lúc không còn gì để mất. Chúng ta trong niềm khoan khoái được nghe những lời khai chấn động, tưởng như tội phạm đang sờ sờ trước mắt chúng ta. Tuy nhiên không phải lời khai nào cũng là sự thật. Chúng ta từng chứng kiến một vụ oan khiên đối với trung tướng Cao Ngọc Oánh trong một vụ án tương tự. Ông bị nghi ngờ dính vào đường dây chạy án vụ PMU 18 ngay trước thềm Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam, buộc phải xin rút lui khỏi danh sách đại biểu dự đại hội và về sau chịu rất nhiều thiệt thòi khác.

Tôi cho rằng với những lời khai kiểu này, việc công khai trước tòa là điều không nên. Trong trường hợp này, tòa phải lấy lời khai kín, phòng khi lời khai không có cơ sở thì không thiệt hại đến danh dự công dân, danh dự cán bộ cao cấp. Thượng tướng Phạm Quý Ngọ tuy là đối tượng bị tố cáo, nhưng là một cán bộ cao cấp, ông đáng được hưởng quyền khai trong phòng kín. Ngay cả không phải là một vị tướng mà là một công dân bình thường, cũng cần có cơ chế tố cáo trong phòng kín để bảo đảm công dân không bị mang tiếng. Cải cách tư pháp chính là những việc như thế này. Bất kỳ ai khi chưa có căn cứ xác định là đã phạm tội một cách chắc chắn, thì cần được bảo vệ danh dự một cách tốt nhất có thể. 

Việc tòa án khởi tố vụ án cũng là điều cần bàn. Tuy rằng tòa có quyền này nhưng cũng cần cân nhắc. Tôi không biết tòa án nắm trong tay những dấu hiệu tội phạm đến đâu để ra quyết định khởi tố vụ án. Nếu có dấu hiệu rõ ràng thì quá tốt, bởi đây là một hành động quyết liệt chống tham nhũng, nhưng nếu chỉ đơn thuần dựa vào lời khai của Dương Chí Dũng mà đã khởi tố vụ án là hơi vội. Cẩn trọng nhất vẫn là yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ tiếp những dấu hiệu tội phạm rồi tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình, các cơ quan hữu quan sẽ khởi tố vụ án cũng chưa muộn.

Chúng ta chống tham nhũng nhưng chúng ta cũng cần đối xử bình đẳng trước pháp luật với bất kỳ ai. Không vì “lên dây cót phong trào” mà làm vội vàng, khiến công lý bị mang tiếng. 

Trần Đình Thu (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một luật gia, nhà báo sống tại Việt Nam

>> Lời khai chấn động của Dương Chí Dũng: Chưa có tiền lệ khởi tố vụ án tại tòa?
>> Trung tướng Hoàng Kông Tư: Chưa đủ căn cứ kết luận về lời khai của Dương Chí Dũng
>> Kết thúc phiên tòa xét xử đường dây đưa Dương Chí Dũng chạy trốn: Khởi tố vụ án làm lộ thông tin tuyệt mật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.