Cần cộng thêm điểm ưu tiên cho một số trường hợp

18/08/2015 10:20 GMT+7

Bài viết “Nên bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học” của tác giả Chung Nguyên có nhiều cái xa rời thực tế. Theo tôi, cần tăng thêm ưu tiên cho sự khác biệt về khu vực địa lý.

Bài viết “Nên bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học” của tác giả Chung Nguyên có nhiều cái xa rời thực tế. Tôi đồng ý với bạn là nên xóa bỏ chế độ cộng điểm cho diện gia đình chính sách, gia đình có công… và thay bằng hỗ trợ vật chất. Nhưng tôi lại ủng hộ cộng điểm ưu tiên theo khu vực địa lý. Thậm chí tôi muốn tăng thêm ưu tiên cho sự khác biệt về khu vực địa lý.

Học sinh nông thôn ngoài giờ đi học phải lao động thêm phụ giúp cha mẹ, lại không được ôn luyện bài bản nên khi thi đại học điểm của các em thường thấp hơn học sinh thành phố  - Ảnh minh họa: Hiển Cừ Học sinh nông thôn ngoài giờ đi học phải lao động thêm phụ giúp cha mẹ, lại không được ôn luyện bài bản nên khi thi đại học điểm của các em thường thấp hơn học sinh thành phố
- Ảnh minh họa: Hiển Cừ 
Thật ra, khu vực nông thôn và khu vực thành thị có sự cách biệt về điều kiện học rất lớn. Do đó một học sinh trí tuệ trung bình khá ở thành thị có thể đạt điểm thi cao hơn một thí sinh có trí tuệ thuộc loại xuất sắc ở nông thôn. Tôi từng là học sinh nông thôn nên tôi hiểu điều này. Trong khi học sinh thành thị tiếp cận với thầy cô giáo giỏi, với các lớp học thêm, trung tâm luyện thi, với tài liệu luyện thi nâng cao, với điều kiện học tập đầy đủ… thì học sinh nông thôn hoàn toàn không được tiếp cận hoặc tiếp cận rất ít với những thứ đó. Đến kỳ thi, học sinh nông thôn với chút ít kiến thức học ở nhà trường phải đối chọi với học sinh thành phố được trang bị kiến thức đầy mình. Rõ là một cuộc chơi không công bằng.
Thời phổ thông của tôi, có nhiều bạn học của tôi cực thông minh nhưng thi hoài không đậu đại học, là vì mấy bạn ấy không có điều kiện ôn luyện. Mà chỉ tiêu tuyển sinh thì có hạn, hầu như học sinh thành phố chiếm gần hết chỗ ngồi trong giảng đường đại học. Bản thân tôi, là người đoạt giải vật lý toàn tỉnh lúc ấy, cũng phải áp dụng một chế độ tự ôn luyện ngặt nghèo để thi vào khối A mà vẫn suýt rớt. Sau này, khi vào đại học, tôi chứng kiến nhiều bạn học đại học với tôi xuất thân từ thành phố có năng lực thấp hơn nhiều so với những người bạn ở quê thi rớt đại học của tôi.
Ở đoạn đầu bài viết của tác giả Chung Nguyên có đặt vấn đề “Khi bạn bắt gặp những con đường nhựa gập ghềnh sống trâu hay những cây cầu dặt dẹo, thì có khả năng kiến trúc sư thiết kế hoặc kỹ sư chỉ đạo thi công nó đã từng được vinh dự vào đại học với dăm điểm cộng ưu tiên đánh bật những đồng môn phố thị không may mắn sinh ra trong gia đình 'không hoàn cảnh"”. Tôi thì nghĩ ngược lại, không chừng nó là của những người có năng lực tầm trung bình khá nhưng có điều kiện đào luyện trong những lò luyện thi thành ra kết quả thi đại học cao vút lên đó bạn Chung Nguyên à.
Cho nên theo tôi, sự ưu tiên cộng điểm cho học sinh vùng sâu vùng xa như thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn ưu tiên cộng điểm ngay cho học sinh nông thôn bình thường để các em có thể tranh đua với học sinh thành phố vốn được hưởng quá nhiều điều kiện học tập. Vì mục đích tuyển sinh đại học là tìm kiếm học sinh có năng lực chứ không phải là tìm kiếm học sinh có kết quả thi cao vút do họ được luyện quá nhiều trong các lò luyện thi ở thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.