Cần bịt 'lỗ hổng' phòng chống dịch trong khu phong tỏa

23/07/2021 08:47 GMT+7

Sau gần 15 ngày áp dụng chỉ thị 16, TPHCM đã từng bước khoanh vùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 . Tuy vậy, số lượng F0 vẫn tăng cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Điểm đáng chú ý trong gần 2 tuần vừa qua là số ca dương tính tại các khu phong tỏa lại rất cao. Tính từ ngày 9 - 22.7, tổng số trường hợp F0 trong khu phong tỏa được Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận là 23.002 trường hợp, chiếm 62,5% trường hợp F0 tại TPHCM. Tại các khu phong tỏa, số ca nhiễm bệnh trong thời gian 2 tuần vừa qua gấp hơn 5 lần số ca trong cộng đồng và gấp gần 2,5 lần số ca tại các khu cách ly.
Các khu phong tỏa tại TP.HCM hiện nay rất đa dạng, bao gồm: chung cư (bình dân, lẫn cao cấp), doanh nghiệp, tòa nhà văn phòng, khu nhà trọ, xóm lao động nghèo, khu dân cư với các tầng lớp thị dân khác nhau. Một số khu phong tỏa có diện tích lớn, dân số đông. Đơn cử TP.Thủ Đức có khu Tăng Nhơn Phú B đang phong tỏa với 38.962 nhân khẩu trên 2,23 km2, tức hơn 17.000 người/km2. Trong khi đó, mật độ dân số trung bình của TP là 7159 người/km2. Số lượng F0 có chiều hướng tăng nhanh và mạnh tại các khu nhà trọ, xóm lao động nghèo, khu dân cư lao động, nơi mật độ dân số đông và khó quản lý.
Từ đặc điểm địa lý và nhân khẩu khách quan đó dẫn đến hiện tượng “ngoài chặt trong lỏng”. Đội ngũ quản lý tại các khu phong tỏa hiện tại có thể ngăn chặn F0 ra ngoài, qua đó ngăn chặn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, họ khó có thể ngăn chặn giao lưu giữa các cá thể trong các khu phong tỏa với nhau, dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo. Số ca trong khu phong tỏa tăng lên trong môi trường “khép kín”, trong khi nếu phát hiện có ca nhiễm TP.HCM cũng chưa có phương án tối ưu để giãn dân sang khu vực khác, nhất là với một số lượng nhân khẩu từ vài ngàn đến vài chục ngàn.
Đối với các khu vực phong tỏa rộng lớn với quy mô dân số đông, chính quyền các quận, huyện đang chia nhỏ ra thành từng phân khu theo mức độ của nguy cơ dịch bệnh. Cách tiếp cận này đúng hướng, nhưng cần bổ sung thêm việc phân kỳ thời gian. Khi đã xác định đây là khu phong tỏa thì người dân sẽ hoàn toàn không được ra khỏi nơi ở, trừ hai lý do: một là cấp cứu y tế, và hai là mua thực phẩm thiết yếu tối đa 2 lần/tuần (sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị). Tuyệt đối không được phép tiếp xúc trực tiếp với hàng xóm dù với bất kỳ lý do gì. Lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được cung cấp tận cửa nhà cho những gia đình có ca F0/F1 đang cách ly tại nhà vì vậy tất cả các thành viên trong gia đình có ca F0/F1 đang cách ly tại nhà chỉ được phép ra khỏi nhà trong trường hợp cấp cứu y tế.
Thực tiễn thời gian vừa qua - tuy vậy - sự nghiêm chỉnh đó không được chấp hành. Vì thế, trong 15 ngày tới, cần “thiết quân luật” tại các khu phong tỏa ít nhất 7 ngày đầu tiên. Theo đó, TP cần tăng cường lực lượng công an chính quy và sinh viên các trường cảnh sát thực hiện nhiệm vụ giám sát trong khu phong tỏa. Số ca được đề xuất là 3 ca/ngày với điều kiện đối tượng này đã được chích vắc xin; và đảm bảo điều kiện ăn ở, bảo hộ cho lực lượng công an cắm chốt tại các khu phong tỏa (cấp phường, cấp khu phố và cấp xóm lao động, căn hộ chung cư). Lực lượng này có nhiệm vụ đảm bảo công tác cách ly của người dân và hỗ trợ người dân về nhu cầu thực phẩm, thuốc men và các dịch vụ thiết yếu khác.
Trong khoảng thời gian đầu, ưu tiên những khu có nguy cơ lây nhiễm cao nhất để xét nghiệm tầm soát và tách F0 ra khỏi cộng đồng. Kinh nghiệm của TP.HCM vừa qua đã cho thấy phần nào sự hiệu quả trong việc xét nghiệm PCR đơn cho nhóm nguy cơ cao, PCR gộp cho sàng lọc cộng đồng và xét nghiệm kháng nguyên cho những người có triệu chứng hô hấp. Một số quận, huyện đang gặp khó khăn vì thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm. Đây là vấn đề phải được giải quyết triệt để nếu TP.HCM vẫn muốn theo đuổi chiến lược “phong tỏa - xét nghiệm - cách ly” để tách F0. Năng lực xét nghiệm của quận, huyện bắt buộc phải được tăng cường qua hỗ trợ của TP hoặc từ các đơn vị ngoài nhà nước khác.
Sau khi quá trình tách hết F0 ra khỏi khu dân cư được hoàn thành, “thiết quân luật” sẽ được “nới lỏng” trong 7 ngày tiếp, nhưng vẫn yêu cầu 5K và không tiếp xúc. Lực lượng “giám sát” quân phục có thể được rút bớt khỏi địa bàn, thay vào đó là các phương thức mềm mỏng hơn như tuyên truyền, vận động, quản lý bằng công nghệ. Kỷ luật và khuôn phép không chỉ đối với những người dân trong khu phỏng tỏa, mà cả với công tác lãnh đạo. TP cần công khai đình chỉ công tác lãnh đạo quận, huyện, phường, xã nếu để xảy ra tình trạng không đảm bảo giãn cách xã hội trong khu phong tỏa hay không đảm bảo những mục tiêu của xét nghiệm.
“Bàn tay nhung bọc sắt” hơn bao giờ hết cần phải được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, đạt lý, thấu tình!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.