Cấm bán, cấm sửa máy tính, các con học online bằng gì?

06/09/2021 18:08 GMT+7

Tiếng trống khai giảng online năm học mới đã vang lên, nhưng rất nhiều phụ huynh không thể mua, sửa máy tính cho con mình bởi quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 . Chưa năm nào mà họ cảm thấy bế tắc, bất lực như vậy...

Vào dịp này những năm trước, tôi và vợ thường dẫn 2 đứa con của mình đi mua đồ dùng học tập để chuẩn bị cho năm học mới. Thế nhưng, năm nay là 1 năm khó khăn đặc biệt khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội và một số tỉnh trên cả nước. Chính vì vậy, các con tôi phải khai giảng online và học online tại nhà.
Như gia đình tôi, bắt đầu phương thức học kiểu 4.0 này là nhờ nhà trường mua giúp sách giáo khoa cho cả hai anh em. Con trai tôi gặp được shipper nhanh nhẹn nên kịp nhận sách trước giờ khai giảng, nhưng con gái tôi thì không may mắn như vậy. Đến tận ngày hôm nay, cháu vẫn chưa thể nhận được sách dù nhà trường thông báo đã gửi đi từ 15 ngày trước.
Sau sách vở, việc mua đồ dùng học tập cho các con cũng vô cùng khó khăn. Các hiệu sách gần nhà đều đóng cửa vì giãn cách, đi xa thì vợ chồng tôi không có giấy đi đường. Chúng tôi đành khuyên các con cố gắng khắc phục bằng cách tìm lại com pa, thước kẻ, giấy vẽ, bút màu đã cũ để dùng tạm.
Song khó khăn lớn nhất cho việc học online là chiếc máy tính. Sách vở, dụng cụ học tập có thể xoay sở được, còn máy tính mà không có chẳng khác gì “đi cày không trâu”. Gần đến ngày khai giảng, máy tính của cậu con trai bị hỏng, tôi vội vàng gọi cho V., chủ cửa hàng chuyên sửa máy tính khu vực Q.Cầu Giấy. V. trả lời: “Anh ơi, em đang ở quê tận H.Hoài Đức cơ, em không có giấy đi đường nên không giúp anh được”.
Tôi cố gắng năn nỉ, V. tiếp tục đáp lại: “Em cũng không hiểu vì sao bắt các em học online mà máy tính lại không cho bán, dịch vụ sửa cũng bị cấm? Mấy ngày hôm nay, các phụ huynh học sinh gọi em cháy máy để nhờ sửa chữa điện thoại, máy tính mà em không đi được. Hơn nữa, bọn em vẫn chưa được tiêm vắc xin, lỡ mắc Covid mà lây nhiễm cho khách thì khổ lắm anh ạ!”.
Tôi đành cắn răng, lần mò vào mấy trang web tìm mua máy tính online. Một cậu nhân viên của cửa hàng Thế giới di động cho biết qua điện thoại: “Anh ơi, máy tính khoảng 15 triệu đồng đổ lại chúng em hết rồi, bây giờ cấm đường, cấm đi lại nên công ty không có hàng”. Gọi thêm một vài số trên mạng nữa, tôi càng thất vọng hơn khi đều nhận được câu trả lời tương tự. Tôi thử vận may tìm đến cửa hàng FPT đầu đường Trần Quốc Hoàn, Q.Cầu Giấy, thì một nhân viên bảo vệ ở đây cho biết, cửa hàng đóng cả tháng nay do quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Giãn cách đảm bảo an toàn điều đó rất đúng, nhưng với hàng triệu các em học sinh trên cả nước đang phải học online, trong khi các cửa hàng bán, sửa chữa máy tính; siêu thị sách đóng cửa… thì lại vô cùng bất cập. Hàng hóa thiết yếu là những thứ quan trọng, cần thiết cho cuộc sống, công việc. Vậy sách vở, đồ dùng học tập, máy tính phục vụ cho việc học có thiết yếu hay không?
Các quận không có ca mắc Covid-19 như Cầu Giấy có nên xếp vào vùng đỏ như các quận có nguy cơ rất cao. Trộn lẫn như vậy rất dễ khiến “quận đang an toàn” bị lây nhiễm, mất kiểm soát. Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm và tử vong tăng nhanh, các phụ huynh như chúng tôi đều hiểu rõ được sự nguy hiểm của nó và rất chia sẻ với chính quyền. Nhưng nếu chúng ta cứ sợ hãi, khóa cứng, khóa chặt liên tiếp nhiều ngày, nhiều tháng thì các cháu sẽ học online như thế nào? Các quốc gia trên thế giới đã thay đổi chiến lược chống dịch, chuyển từ mục tiêu khóa cứng, xóa sạch Covid-19 sang kiểm soát an toàn, chữa trị ca nặng, sống chung với dịch, mở cửa kinh tế.
Chưa năm nào mà vợ chồng tôi và có lẽ rất nhiều bậc phụ huynh khác cảm thấy bế tắc, bất lực như năm nay. Tiếng trống trường khai giảng vừa mới vang lên, nhưng nhiều cháu không có máy tính, không đủ dụng cụ để học tập, ngồi nhìn ba mẹ mà nước mắt lưng tròng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.