Cải cách thực chất

08/08/2018 04:36 GMT+7

Ngày 15.8 là hạn cuối cùng các bộ ngành phải thực hiện cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng hôm qua thừa nhận rằng nhiều bộ “mới chỉ cắt giảm trên truyền hình, bằng tuyên bố”.
Cho đến nay các bộ mới cắt giảm đạt 15,2% kế hoạch. Đó là chưa kể, con số đề xuất cắt giảm hiện cũng thấp hơn nhiều so với dự kiến trước đó.
Lựa chọn cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh là ưu tiên chính xác của Chính phủ nhiệm kỳ này. Và thành công trong việc gỡ được điểm nghẽn thể chế lớn nhất: Giấy phép và điều kiện kinh doanh sẽ là động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế. Chính việc gỡ bỏ những gánh nặng và rào cản cho doanh nghiệp (bãi bỏ hơn 5.000/11.000 quy định kinh doanh; sửa đổi gần 2.500 quy định khác trong vòng 1 năm) đã giúp Hàn Quốc không chỉ vượt qua khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 mà còn duy trì được đà tăng trưởng vững chắc, bước chân vào nhóm nước phát triển như hiện nay.
Phải thừa nhận, điều kiện kinh doanh, mà hệ quả kèm theo là “giấy phép con” vốn là “nồi cơm” của nhiều cơ quan nhà nước. Nên việc bãi bỏ đương nhiên không hề dễ dàng. Ngoài sức ép hành chính (Nghị quyết 19 của Chính phủ), còn cần những cải cách thể chế thực sự về hệ thống quy định hành chính. Bởi nếu không thì với tư duy níu kéo quyền lực hiện nay, chúng ta không chỉ khó cắt bỏ điều kiện kinh doanh, mà thậm chí cắt được 1, giấp phép mới sẽ mọc ra 10.
Trong một diễn biến có liên quan, theo số liệu được báo cáo ngày 25.7.2018 của Bộ Tư pháp, thì kết quả rà soát của bộ này năm 2017 phát hiện 5.639 văn bản ban hành trái pháp luật. Hậu quả của nó là: làm phát sinh chi phí về hồ sơ, giấy tờ, thời gian thực hiện, phát sinh thủ tục phiền hà, phức tạp cho cá nhân, tổ chức; một số văn bản trái pháp luật đưa vào thực thi đã “gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp”.
Do vậy, cải cách hệ thống quy định hành chính là rất quan trọng. Để không một cơ quan, tổ chức nào có thể tùy tiện ban hành văn bản trái luật, đẻ ra các điều kiện kinh doanh, làm tăng chi phí cho nền kinh tế, tạo thói quen nhũng nhiễu cho tầng lớp cán bộ, công chức.
Tổ chức bộ máy với bộ ngành xây dựng và thực thi điều kiện kinh doanh hiện hành cần phải được thay đổi. Còn duy trì như hiện nay: cơ quan ban hành quy định đồng thời là cơ quan cấp phép thì tình trạng tham nhũng chính sách không thể nào chấm dứt được. Có thể thiết kế các cơ quan xây dựng chính sách và ban hành các quy định ở T.Ư, các văn phòng cấp phép đặt ở địa phương, mới có thể tránh xung đột lợi ích và giải quyết triệt để tình trạng “đẻ số” giấy phép con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.