Bỏ phố lên rừng

03/12/2013 22:00 GMT+7

Bỏ lại cuộc sống sôi động ở thành phố, các kiến trúc sư trẻ trong CLB Tình nguyện trẻ đã lên với vùng cao La Hủ để xây dựng những căn nhà cho học sinh vùng sâu, vùng xa.

Nhóm kiến trúc sư trẻ xây nhà nội trú cho trẻ em ở La Hủ 1
Các tình nguyện viên và các em nhỏ La Hủ

La Hủ

Câu lạc bộ (CLB) Tình nguyện trẻ tổ chức chương trình “thắp sáng bản em” ở Mai Châu khi thấy đời sống của người dân La Hủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Người La Hủ sống chủ yếu dựa vào rừng, săn bắn hái lượm nhiều do diện tích đất canh tác ít và phương thức sản xuất quá thô sơ, lạc hậu.

Chịu nhiều thiệt thòi nhất là các em nhỏ, phải sống trong điều kiện thiếu thốn, nhiều em trong số đó phải bỏ dở ước mơ tới trường. Những em học sinh còn lại phải đến các điểm trường xa xôi ở trong những nhà nội trú tạm bợ  lợp bằng phên nứa, quây bạt; mùa đông thì lạnh, mùa mưa lũ bị dột, có thể bị gió lốc cuốn đi bất cứ lúc nào.

Kiến trúc sư Lê Thu Huyền, Trưởng dự án cho biết, ngày 30.3.2013, nhóm kiến trúc sư trẻ được thành lập để triển khai dự án. Thành viên chính trong dự án gồm 5 người ( kỹ sư và kiến trúc sư), ngoài ra còn có các tình nguyện viên khác trong và ngoài nước.

Khi thực hiện dự án, nhóm đặt ra mục tiêu làm sao cho dự án nhà nội trú thân thiện với môi trường, chi phí thấp, chất lượng tốt.

Tháng 6.2013, nhóm kiến trúc sư trẻ lên nghiên cứu, khảo sát về vật liệu, địa hình, khả năng  lao động, cách tiếp cận trẻ và người dân, phong tục tập quán của người dân La Hủ để vẽ bản thiết kế, dự trù thực hiện.

Nhóm nhận thấy, người dân bản La Hủ hiện đang sinh sống trong những ngôi nhà truyền thống xẻ gỗ, lắp ráp; nhà phên tre, mái lợp bằng lá, tôn... Những ngôi nhà này thường thấp, dễ bị gió lùa, tốc mái và nhanh hư hỏng. Nếu áp dụng phương pháp xây dựng bằng gạch đất nung thì sẽ tốn nhiều công vận chuyển, chi phí xây dựng cao; làm nhà bằng bao tải thì độ bền sẽ không được lâu.

Trải qua những tháng ngày gắn bó với thôn bản để khảo sát địa bàn, nhóm đã chọn phương pháp xây dựng mới kết hợp giữa truyền thống với hiện đại chủ yếu sử dụng vật liệu sẵn có tại địa phương phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế nơi đây. Nhóm quyết định xây bằng gạch đất không nung, trộn đất, cát và xi măng để tạo nên sự kết dính trong đất. Cách xây dựng mới này sẽ giảm được nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn cả là dễ xây dựng, kinh phí thấp.

Khó khăn đầu tiên là kinh phí để thực hiện dự án. Các thành viên trong nhóm phải góp tiền của cá nhân và vận động mọi người quyên góp qua các diễn đàn, trang web, facebook...  Có được kinh phí, nhóm bắt tay vào thực hiện dự án và đến nay đã hoàn thành 2/3.

Vượt khó

Các thành viên trong đoàn là người từ miền xuôi lên nên khi lên vùng núi cao, do thời tiết thay đổi, nên đều bị ốm. Huyền tâm sự: “Thời gian ban đầu lên La Hủ, các thành viên nữ trong đoàn ai cũng bị một lần sốt. Ở đây còn có ruồi vàng, nếu nạn nhân bị đốt, vết thương sẽ mưng mủ…”.

Nhóm kiến trúc sư trẻ xây nhà nội trú cho trẻ em ở La Hủ 2
Pia Lynn Jazen - sinh viên người Đức đang dạy các em gái tết tóc

Nhóm kiến trúc sư trẻ xây nhà nội trú cho trẻ em ở La Hủ 3
Các tình nguyện viên đang tổ chức trò chơi cho các em nhỏ

Nhóm kiến trúc sư trẻ xây nhà nội trú cho trẻ em ở La Hủ 4
Các anh chị tình nguyện viên cùng các em nhỏ trang trí phòng học

Ở vùng cao La Hủ, giao thông đi lại khó khăn. Thực phẩm ở đây giá cao hơn dưới xuôi do chi phí vận chuyển. Thuốc men và y tế ở đây cũng rất hạn chế, các thành viên phải chuẩn bị thuốc men, trang bị cho mình những kiến thức về y tế để bảo vệ bản thân. Trong nhóm Hà và Huyền là kiến trúc sư, nhưng giờ mọi người trong bản cứ coi như bác sĩ, con ốm lại đem tới nhờ chữa bệnh.

Các thành viên trong đoàn phải thích nghi với môi trường sống phong tục tập quán, văn hóa của người La Hủ. Cản trở lớn nhất là ngôn ngữ vì người dân ở đây nói tiếng phổ thông rất kém, họ thường nói tiếng bản địa.

Hà, thành viên của đoàn chia sẻ: “Động lực để cả nhóm cố gắng sớm hoàn thành dự án là các em nhỏ học sinh nơi đây. Các em nhà nghèo, sống trong thiếu thốn nhưng rất ngoan và chịu khó, nghe lời…”.

Cô giáo Tống Thị Yến, giáo viên điểm trường Cờ Lò 2 cho biết, từ khi dự án nhà nội trú cho trẻ em của nhóm kiến trúc sư trẻ thực hiện, cả cô trò, nhà trường đều rất vui mừng...

Bài, ảnh: Phan Quang

>> Tuyển tình nguyện viên SSEAYP
>> Tình nguyện viên du lịch
>> Tình nguyện viên Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam
>> Liên hoan kiến trúc sư trẻ Việt Nam lần 5
 >> Trại kiến trúc sư trẻ toàn quốc
>> Hội trại kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần 2-2007

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.