Tiếng chổi đêm

18/01/2020 08:51 GMT+7

Những ngày cuối năm, hàng nghìn công nhân vệ sinh vẫn miệt mài quét rác làm đẹp đường phố.

Mỗi ngày, hơn 13 triệu dân TP.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn rác sinh hoạt thì 40% được thu dọn bởi công nhân ở các công ty dịch vụ công ích quận, huyện.
Thời điểm giáp tết, các gia đình dọn dẹp lại nhà cửa chuẩn bị đón năm mới thì lượng rác tăng lên càng nhiều, đồng nghĩa với áp lực công việc đè lên đôi tay công nhân quét rác. Nguy hiểm luôn rình rập với công nhân vệ sinh khi làm việc vào ban đêm. Nhiều nữ lao công mất mạng vì tai nạn giao thông, bỏ lại con thơ. Ngoài bộ đồ phản quang mặc trên người thì họ không có gì để đối phó với “hung thần” ngoài kinh nghiệm nhìn trước ngó sau. Dù vậy, những vụ tai nạn vẫn đến với họ như cơm bữa, nhẹ thì trầy xước, nặng thì gãy tay gãy chân, thậm chí mất mạng. Nghề quét rác là vậy nhưng cũng có gia đình mẹ truyền con nối đến đời thứ 3. Cũng có cặp vợ chồng trẻ nên duyên khi cùng làm nghề quét rác, vệ sinh đường phố.
Có lẽ sự thấu hiểu, đồng cảm trong công việc giúp mọi người dễ chia sẻ chuyện đi sớm về khuya, thậm chí vắng mặt đêm giao thừa. Bất kể nắng mưa, họ cần mẫn quét sạch những thứ dơ bẩn trên đường, đôi khi đến từ sự chủ quan, vô ý thức của người đi đường.
Trò chuyện với những người lao công, họ kể lại không ít lần đón ngay ly nước quăng phía sau chỗ họ vừa quét rác. Ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung là câu chuyện mà thành phố vẫn chưa có lời giải sau cả chục năm với biết bao cuộc vận động, kêu gọi. Hệ quả, lao công là những người phải giải quyết hậu quả của sự “vô tư” đó.
Công việc quét rác vất vả, hiểm nguy giúp người lao công rèn tính nhẫn nại và chịu đựng. Dù vậy, họ cũng rất cần sự chia sẻ của cộng đồng để những nhát chổi nhẹ nhàng hơn, những xe thùng không còn nặng trĩu khi đêm xuống.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.