Người khổng lồ, và đắng - ngọt thời toàn cầu hóa

21/01/2020 17:52 GMT+7

Cà phê phin chính là một nét văn hóa cà phê mà chúng ta có 'cốt truyện' đủ mạnh để viết nên câu chuyện cho thương hiệu cà phê quốc gia

Mới đây, để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 7 năm có mặt tại Việt Nam, Starbucks giới thiệu bộ sản phẩm có thiết kế mang văn hóa Việt bao gồm: bộ phin pha cà phê Việt Nam, bộ ly mang tên “Vietnam Been There”. Không những vậy, Starbucks còn sẽ cho ra mắt cà phê phin kiểu Việt Nam tại hệ thống cửa hàng của đơn vị này trên cả nước, thậm chí có thể cung cấp ở các nước khác.
Suốt nhiều năm qua, chúng ta vẫn đau đáu về việc làm thế nào để nâng cao giá trị cà phê Việt, bởi Việt Nam là quốc gia có sản lượng xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng lại không đạt giá trị cao. Bởi đơn giản chúng ta chưa có thương hiệu cà phê đủ mạnh và hầu hết bán thô với giá rẻ.
Trong khi đó, cà phê phin lại chính là một nét văn hóa cà phê mà chúng ta có “cốt truyện” đủ mạnh để viết nên câu chuyện cho thương hiệu (brand story) cà phê quốc gia. Không những vậy, thông qua hệ thống Lee’s Sandwiches do một Việt kiều tạo lập ở Mỹ, món cà phê sữa đá theo kiểu Việt Nam đã tự hào được người phương Tây gọi hẳn bằng tên Việt là “ca phe sua da” (cà phê sữa đá). Câu chuyện đã có, yếu tố hỗ trợ cũng đã có... Thế mà, suốt bao năm qua, chúng ta vẫn lẩn quẩn với việc xây dựng giá trị cho cà phê Việt. Để rồi giờ đây, Starbucks đến từ nước ngoài, và từng bị một đại gia của ngành cà phê của Việt Nam gọi là “nước đường hương cà phê”, lại bắt đầu khai thác giá trị Việt trên ngay chính tại thị trường Việt Nam.
Đây có lẽ là vị đắng mà chúng ta chẳng phải lần đầu trải qua do những nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia vẫn kém hiệu quả. Không chỉ riêng cà phê, mà còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam vẫn đang quanh quẩn trong bài toán tạo dựng giá trị trên thị trường toàn cầu.
Nhưng việc Starbucks khai thác sản phẩm cà phê phin cũng là một cơ hội để kết trái ngọt, như một nguyên tắc kinh doanh thường được đề cập: "đứng trên vai người khổng lồ". Với thương hiệu mạnh cùng hệ thống cửa hàng rộng khắp thế giới, Starbucks chính là kênh trung gian mà Việt Nam có thể tận dụng để quảng bá câu chuyện cà phê phin ra toàn cầu.
Thực tế, giữa kỷ nguyên toàn cầu hóa bùng nổ, bên cạnh việc hứng chịu áp lực từ các tập đoàn "xuyên quốc gia" đầy quyền lực, chúng ta vẫn có thể tận dụng từ chính những tập đoàn này để đưa sản phẩm bản địa ra thị trường thế giới. Trong bối cảnh đó, hứng vị đắng hay hưởng trái ngọt đều là do năng lực của chúng ta. Cà phê đang trở thành một thước đo cho năng lực đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.