Ngành học Trịnh Công Sơn, sao lại không?

30/04/2019 08:00 GMT+7

Với một nền giáo dục khai phóng, không có giới hạn cho bất cứ ngành học nào hay cần học những gì. Vấn đề chỉ là nên học và nghiên cứu như thế nào để đạt hiệu quả.

Mới đây, Trường ĐH Văn Lang đã thông tin về việc đang nghiên cứu để đưa Trịnh Công Sơn vào chương trình giảng dạy, xa hơn có thể mở ra ngành học về người nhạc sĩ tài ba này. Thông tin trên vấp phải không ít phản ứng vì cho rằng học về Trịnh Công Sơn là học cái gì, và học ra thì làm việc gì. Tuy nhiên, cần nhìn lại vấn đề ở nhiều khía cạnh.
Về đối tượng nghiên cứu, Trịnh Công Sơn đối với nhiều người thì nhạc sĩ này không chỉ là nhân tài mà còn là thiên tài. Số lượng trên 600 tác phẩm âm nhạc đồ sộ ông để lại được đánh giá không chỉ là những bài hát đơn thuần mà còn hàm chứa cả những giá trị về ca từ, về triết học, triết lý Phật giáo, văn thư, tác phẩm hội họa...
Đến nay, những gì Trịnh Công Sơn để lại cũng đã trở thành đề tài của nhiều nghiên cứu, luận văn đại học, thạc sĩ. Điển hình như trong nước thì có một số đề tài như: Ẩn dụ trong ca từ Trịnh Công Sơn dưới góc nhìn ngôn ngữ học tri nhận, Vai trò âm nhạc Trịnh Công Sơn trong đời sống tinh thần giới trẻ hiện nay… Và thực tế còn rất nhiều thứ để nghiên cứu về nhạc của ông. Đó có thể là ca từ. Đó có thể là triết lý Phật giáo, cách chiêm nghiệm về cuộc sống. Đó có thể là mở rộng ra đời sống âm nhạc của một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Đó có thể là vai trò của âm nhạc trong các phong trào xã hội như phong trào phản chiến…
Việc học là để trang bị và mở rộng kiến thức, không phải luôn gắn liền với việc nhận được một bằng cấp cụ thể để ứng tuyển vào một vị trí việc làm. Chính vì thế, từ thực tế trên, tuy chưa thể định lượng cụ thể số người mong muốn nghiên cứu, nhưng Trịnh Công Sơn hoàn toàn có thể trở thành đề tài nghiên cứu học thuật trong cả nghệ thuật, văn hóa lẫn xã hội để thu hút nhiều người tìm đến. Những người có bằng cấp về âm nhạc vẫn có thể nghiên cứu thêm về Trịnh Công Sơn. Giáo dục khai phóng thì không thể bị giới hạn.
Xa hơn, không chỉ tại Việt Nam, nhiều người nước ngoài cũng đã tìm hiểu về Trịnh Công Sơn và trên kho tư liệu nghiên cứu từ ĐH Cambridge (Anh) cũng đã có những tư liệu nghiên cứu về nhạc sĩ này. Nhạc Trịnh đã được dịch thành nhiều thứ tiếng. Cho nên, nếu có một kế hoạch khả thi thì chương trình học, nghiên cứu về Trịnh Công Sơn cũng có thể trở thành cầu nối liên kết giới nghiên cứu quốc tế đến với Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Văn Lang không thuộc nhóm đại học công lập nên về cơ chế tài chính là tự thu tự chi như doanh nghiệp. Việc mở thêm ngành học nhằm đa dạng hóa các ngành học và tạo điều kiện cho sinh viên và giới nghiên cứu. ĐH Văn Lang phải chịu kết quả hoạt động của mình, chứ đâu gây thiệt hại gì cho người ngoài.
Theo tinh thần của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (luật số: 34/2018/QH14) sẽ có hiệu lực vào ngày 1.7.2019, các trường ĐH được tự chủ toàn diện; từ học thuật, tài chính, mở ngành cho đến nhân sự. Tất nhiên, có thể vẫn còn một số quy định về tên ngành, tên môn học là rào cản đối với việc xin phép mở ngành học, môn học về Trịnh Công Sơn. Mặc dù vậy, luật pháp vốn dĩ phải luôn thay đổi để phù hợp thực tế cuộc sống, nên luật vẫn có thể được viện dẫn, thậm chí sửa đổi cho phù hợp.
Từ tất cả những khía cạnh trên, vấn đề đáng bàn chẳng phải học về Trịnh Công Sơn là học gì, học ra làm gì. Vấn đề cần bàn chính là làm sao để môn học, ngành học Trịnh Công Sơn phát huy được giá trị. Đó mới là tư duy khai phóng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.