'Nếu có ai bảo tôi thế mạng để con có giấy tờ, tôi cũng sẵn sàng!'

Như Lịch
Như Lịch
19/08/2018 09:02 GMT+7

Giữa tháng 7 này, chúng tôi tiễn biệt bà Phùng Thị Hợi, tạm trú tại TP.HCM về nơi an nghỉ cuối cùng.

Bà Hợi là nhân vật trong bài viết của tôi: Ước… “đổi mạng” cho con có giấy tờ (đăng trên Báo Thanh Niên số ra ngày 26.12.2017).
Những ngày cuối đời, bà Hợi nhập viện cấp cứu trong tình trạng không có giấy tờ tùy thân, không bảo hiểm y tế, không tiền bạc chữa chạy (sau đó, Báo Thanh Niên vận động quyên góp cho bà hơn 85 triệu đồng; Hội quán các bà mẹ, hàng xóm… giúp đỡ khoảng 10 triệu đồng).
Anh Nguyễn Thanh Trọng, con bà Hợi tâm sự trước khi mẹ anh mất, bà vẫn đau đáu nỗi lo về chuyện giấy tờ tùy thân của hai đứa con mồ côi. Bà chảy nước mắt, luôn miệng than thở: “Buồn! Buồn quá!”.
Trong bài viết Ước… “đổi mạng” cho con có giấy tờ, bà Phùng Thị Hợi từng xót xa: “Bệnh tật (bà bị suy tim giai đoạn cuối-PV) có thể khiến tôi chết ngay bây giờ cũng không sợ bằng cảnh con tôi mãi là người vô thừa nhận. Nếu có ai bảo tôi thế mạng để con có giấy tờ, tôi cũng sẵn sàng!”.
Trái tim ngừng đập vẫn còn thổn thức!1
Trước đây, bà Phùng Thị Hợi và con trai Nguyễn Thanh Trọng từng “gõ cửa” nhiều nơi xin làm giấy tờ tùy thân, nhưng không có kết quả Ảnh: Như Lịch
Nay thì bà đã “đổi mạng” với bệnh tật, nhưng chuyện giấy tờ tùy thân của con bà vẫn còn dang dở!
Bà Phùng Thị Hợi quê ở xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Thời trẻ, bà đi thanh niên xung phong rồi ở lại miền Nam. Từ năm 1996, mẹ con bà thuê trọ tại P.9, Q.3, TP.HCM. Thời điểm ấy, bà bị thất lạc giấy tờ tùy thân (trừ giấy khai sinh của hai đứa con) nhưng không có điều kiện về quê làm lại. Suốt hơn 20 năm, người mẹ đơn thân này lăn lộn mưu sinh bằng nghề bơm vá, sửa xe trên vỉa hè Sài Gòn để nuôi con ăn học.
Do không có giấy tờ nên mẹ con bà Hợi gặp rất vô số khó khăn. Sống nhờ thuốc, đi bệnh viện thường xuyên nhưng bà Hợi không thể nào mua được thẻ bảo hiểm y tế. Thủy, con gái bà (sinh viên một trường cao đẳng tại TP.HCM) cũng gặp nhiều trắc trở trong việc học.
Đặc biệt, cũng vì không có chứng minh nhân dân bổ túc hồ sơ việc làm, anh Nguyễn Thanh Trọng-người con trai trụ cột trong gia đình, đành từ giã nghề đầu bếp mà anh đam mê và được đào tạo bài bản, có thu nhập cao ở những nhà hàng, khách sạn. Thay vào đó, anh phải “dạt” ra ngoài làm thuê làm mướn, tiền công eo hẹp khiến mẹ con anh sống hết sức khổ sở, thiếu thốn.
Thấm thía cảnh “công dân hạng hai” nên từ năm 2011, mẹ con bà Hợi quyết dốc sức làm giấy tờ. Chị ruột của bà Hợi thường trú tại một phường ở Q.12 đồng ý bảo lãnh cho Trọng nhập hộ khẩu. Đến tháng 5.2012, anh Trọng đã được cấp sổ KT3 tại phường này.
Tuy nhiên, theo anh Trọng, sau một thời gian dài chạy chứng nhiều nơi để bổ túc các loại giấy tờ, anh vẫn không được nhập hộ khẩu vào gia đình dì ruột, do vướng một số thủ tục, quy định.
Bế tắc, cộng với việc bà Hợi phát bệnh suy tim nặng nên từ năm 2016, anh Trọng trở về sống tại nơi tạm trú trước đây (P.9, Q.3) để có điều kiện chăm sóc mẹ.
Cách đây mấy tháng, một người hàng xóm tốt bụng ở khu nhà trọ của bà Hợi đã bảo lãnh cho mẹ con bà có điều kiện được làm KT3, sau đó có thể tiến tới nhập hộ khẩu.
Bà Hợi rất cảm kích trước nghĩa cử của người hàng xóm. Tuy vậy, bà cũng thắc thỏm: “Thằng Trọng cũng từng có sổ KT3 ở Q.12 nhưng rồi không nhập được hộ khẩu. Nên tôi lo lắm, không biết bao giờ con tôi mới có được chứng minh nhân dân”.
Có thời gian “tháp tùng” mẹ con bà Hợi đi chứng giấy tờ hồ sơ, bản thân tôi rất đồng tình với ý kiến của luật sư Trần Quang Thắng (Giám đốc Công ty Luật quốc tế và cộng sự) khi ông cho rằng quy định pháp luật liên quan đến vấn đề nhập hộ khẩu hay cấp giấy chứng minh nhân dân đối với những người không có giấy tờ tùy thân cần được cải tiến hơn nữa. Bởi hiện nay, vẫn còn một số quy định cứng nhắc, không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau, không phù hợp với tình hình thực tế khiến người dân không thể đáp ứng.
Theo luật sư Thắng, nếu như trước đây, những cán bộ tiếp nhận hồ sơ xin nhập hộ khẩu của anh Trọng linh hoạt và tận tình hướng dẫn thêm một chút, thì có lẽ bây giờ Trọng đã có giấy tờ tùy thân. Từ đó, anh có việc làm ổn định, cuộc sống mẹ con anh đỡ chật vật hơn.
Nếu được như vậy, biết đâu bà Hợi có thể kéo dài thêm tuổi thọ.
Và cho dù không vượt qua được bệnh tật, có lẽ bà sẽ ra đi thanh thản hơn, chứ không phải cho đến giây phút cuối của cuộc đời, bà vẫn còn nặng lòng chuyện giấy tờ tùy thân của hai đứa con nơi dương thế.
Nhưng, tất cả cũng chỉ là… nếu như thôi!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.