Có tiếng khóc trong nhà nghi can sát hại 4 bà cháu

27/09/2016 14:37 GMT+7

Nhiều người đã khóc trong đám tang tiễn biệt 4 bà cháu vụ thảm án ở TP.Uông Bí, Quảng Ninh. Ít ai biết rằng nước mắt cũng đã rơi trong chính ngôi nhà của nghi can tước đoạt mạng sống các nạn nhân này.

Tối 26.9, nghi can Doãn Trung Dũng đã bị lực lượng điều tra bắt tại xã Tân Dương, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng sau 3 ngày xảy ra thảm án 4 bà cháu bị sát hại ở phường Phương Nam, TP.Uông Bí.
Tôi cùng nhiều đồng nghiệp thở phào nhẹ nhõm phần nào sau những ngày lăn lộn ở địa phương để cập nhật những thông tin nóng hổi phục vụ bạn đọc.
Theo thông tin ban đầu, đối tượng Dũng khai nhận chỉ một mình gây án. Khi vào căn nhà 2 tầng của chị Vũ Thị Thanh (33 tuổi, ở tổ 1, khu Hợp Thành, P.Phương Nam) để trộm cắp tài sản, Dũng đã bị lộ nên ra tay sát hại tất cả những người trong nhà chị Thanh gồm: mẹ đẻ tên Nguyễn Thị Hát (61 tuổi), con trai Phạm Đình Hưng (9 tuổi), con gái Phạm Thu Hà (8 tuổi) và cháu Vũ Khánh Huyền (3 tuổi, con của chị gái chị Thanh). Vụ việc được chị Thanh phát hiện vào 7 giờ ngày 24.9 khi đi làm ca đêm về. Chị Thanh đã ngất lịm, chưa thể gượng dậy.
Chiều 25.9, hàng nghìn người dân đến tiễn đưa 4 bà cháu xấu số về nơi yên nghỉ cuối cùng, trong số đó có nhiều người ở xa. Dòng người nối nhau đi phía sau những chiếc xe tang, nước mắt đã rơi khi chứng kiến cảnh tang thương này.
Sáng sớm ngày 26.9, chúng tôi tìm về nhà của nghi can Dũng ở tổ 7, khu 1, phường Trưng Vương, TP.Uông Bí. Đó là một căn nhà cấp 4 cũ kỹ, ẩm thấp khuất sau dãy nhà 3 tầng khang trang của hàng xóm. Không một bóng người nhưng có tiếng khóc rất khẽ trong gian buồng tối. Thấy chúng tôi đến, 2 người bạn của chị H. (vợ Dũng) ra hỏi chuyện và cho biết chị H. đã khóc suốt đêm tới mức không thể ngồi dậy nổi khi biết tin chồng mình bị Công an Quảng Ninh ra thông báo truy tìm.
Nghi can 45 tuổi này quê gốc ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, ở rể sau khi kết hôn với chị H. và có 2 người con trai. Dũng đã từng đi tù 7 năm về tội buôn bán ma túy, về nhà vào năm 2010 và làm nghề tự do như thợ xây, đóng than tổ ong…kiếm sống. Do tính Dũng hung hăng, côn đồ nên hàng xóm hạn chế tiếp xúc.
Với một lý lịch bất hảo như vậy, có lẽ đây không phải là lần đầu chị H. phải khóc cạn nước mắt vì chồng. Người đàn bà đang làm công nhân này từng phải một mình nuôi con trong thời gian chồng đi tù. Áp lực công việc, gánh nặng kinh tế và tủi hổ với dân làng đã khiến chị H. suy kiệt. Liệu chị có còn đủ sức để vượt qua cú sốc này không, nhất là khi bà Hát, một trong 4 nạn nhân, chính là dì ruột. Nỗi đau nhân lên gấp bội!.
Trong căn nhà ấy còn có mẹ đẻ Dũng già yếu, hay ốm đau và 2 đứa con trai nhỏ dại. Khi đến hiện trường vụ thảm án, tôi đã tự hỏi rằng liệu chị Thanh sẽ sống ra sao trong căn nhà 2 tầng rộng thênh thang kia mà không còn người thân của mình. Và câu hỏi tương tự cũng đã đặt ra khi tôi lắng nghe tiếng khóc rưng rức trong nhà nghi can Dũng. Họ sẽ sống mòn ở nơi ven sông Uông rậm rạp sú vẹt hay phải tha phương để tránh tiếng dữ của người đời?.
Đến đây tôi nhớ tới vụ án Lê Văn Luyện giết chết 3 người trong gia đình tiệm vàng Ngọc Bích ở huyện Lục Nam, Bắc Giang hồi tháng 8.2011. Gia đình của sát thủ này cũng đã tan nát khi bố vào tù, mẹ và em bỏ nhà ra đi. Một người gây tội lỗi đã làm cho bao người khổ đau. Khi đã làm điều ác thì ắt sẽ có bi kịch, cái mà người ta vẫn cho là định mệnh. Chỉ dám xin một chút bao dung cho người thân của những kẻ thủ ác. Họ vô tội!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.