Biết mình dở mà đi học là còn hy vọng!

28/11/2016 11:51 GMT+7

Lâu nay, Campuchia được xem là xứ sở nghèo nàn, lạc hậu. Họ nghèo nhưng có nhiều thứ từ họ đáng phải học hỏi.

Đọc đi đọc lại mấy lần thông tin “Đoàn cán bộ và chuyên gia VN qua Campuchia học tập kinh nghiệm về xuất khẩu gạo. Trong đoàn có anh hùng lao động, GS - TS Võ Tòng Xuân, nhà nông học hàng đầu VN…”. Tôi phải dụi mắt mình mấy lượt, bởi cứ tưởng là mình qua dạy họ. Ngẫm nghĩ lại, vừa buồn vừa vui. Buồn vì sự lạc hậu của đất nước tự hào là cái nôi nền văn minh lúa nước, thuộc top dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Vui và tự an ủi rằng “Dù sao, biết mình dở mà đi học thì còn hy vọng”.
Năm 2016, thị trường xuất khẩu gạo các nước đều giảm, trừ Campuchia vẫn tăng 10,3%. Ngoài Trung Quốc, Campuchia còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính châu Âu như Pháp, Ba Lan…điều mà VN chưa làm được. Đó là sự đầu tư tập trung của Chính phủ Campuchia và hỗ trợ quốc tế với những bước đi rất bài bản. Đầu tiên, Viện Nghiên cứu nông nghiệp Campuchia tổ chức bình tuyển và chọn ra giống lúa Phka Roumdoul (hoa thị, quốc hoa của Campuchia) vào năm 2009. Đưa sản phẩm gạo Phka Roumduol dự thi đấu xảo quốc tế 3 năm liền (2012 - 2014) đều đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”. Tiếp tục thanh lọc và mở rộng diện tích gieo trồng lên đến 40%.
Ngoài giống lúa thơm ngon “số 1 thế giới”, Campuchia mở rộng mô hình sản xuất gạo hữu cơ cho khoảng 100.000 hộ nông dân với quy mô lên đến 50.000 ha. Sản phẩm được Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức BCS Oko - Garantie của Đức chứng nhận. Gạo xuất khẩu Campuchia được in logo “Gạo ngon nhất thế giới” vào các thị trường cao cấp, được rất nhiều nước phát triển đặt mua, đặc biệt là châu Âu; có giá trị vượt 65% giá bình quân của thị trường: 1.475 USD/tấn so với khoảng 890 USD tấn. Nếu tính cả xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc, gạo VN chỉ đạt 450 USD/tấn. 9 tháng đầu năm 2016, VN xuất khẩu 3.760.000 tấn gạo, thu 1.690.000.000 USD. Nếu bán với giá gạo Campuchia, VN sẽ thu 5.546.000.000 USD. Campuchia đã thành công với thương hiệu gạo của mình; còn VN vẫn trầy trật.
Nguyên nhân là VN chưa xác định được mục tiêu chiến lược, an ninh lương thực hay xuất khẩu và xuất khẩu thì bán cho ai? Campuchia thành công vì mục tiêu sản xuất rất rõ ràng là nhắm đến các thị trường cao cấp. VN thì dàn trải, cứ mạnh ai nấy làm, dựa vào các thị trường dễ tính mà đấy bất trắc, nhất là Trung Quốc. Xuất khẩu gạo VN đang chạy theo số lượng để hoàn thành chỉ tiêu là chủ yếu.
Campuchia có nhiều thứ nên học, ngoài trồng lúa
Ngoài bứt phá ngoạn mục về xuất khẩu gạo, Campuchia còn rất nhiều thứ đáng để học hỏi. Đơn cử, trong khi VN đang loay hoay tranh cãi tổ chức cá độ bóng đá và làm sòng bài thì Campuchia đã thực hiện từ lâu. Nguồn thu này không nhỏ, chủ yếu đến từ khách quốc tế vì người dân Campuchia không được phép vào đánh bài tại các sòng bài trong nước. Ước tính mỗi ngày, người VN “gửi” vào các sòng bài dọc biên giới Campuchia không dưới 1 triệu USD. Nếu tính cả các sòng bài trong nội địa, con số này phải gấp rưỡi trở lên. Dĩ nhiên, khi cấp phép, phải làm thí điểm, tính kỹ các hệ lụy để có biện pháp phòng chống. Hoạt động nào cũng có mặt phải, trái cả. Nếu sợ, thì chẳng dám làm gì.
Với tốc độ phát triển sân golf chóng mặt, nhưng có thể nói, hệ thống sân golf của Việt Nam vẫn phải học hỏi Campuchia về cung cách quản lý. Hiện Campuchia được xem là điểm đến tiềm năng của golf châu Á và quốc tế. Angkor Golf Resort ở Siem Reap xếp thứ 3 trong danh sách các sân golf tốt nhất ở châu Á - Thái Bình Dương. Dù chưa có những sân golf đẹp như Vân Trì hay Hồ Tràm, nhưng cung cách quản lý của các sân golf Campuchia mang lại cho người chơi sự thoải mái để thể hiện phong cách bản thân. Golf Campuchia còn kết hợp chặt chẽ với các công ty lữ hành, gắn với kỳ quan thế giới Angkor và nhiều danh thắng Campuchia khác.
Lâu nay, cứ tưởng chỉ xuất khẩu lao động sang các nước giàu hơn, chứ chưa nghe nói ngược lại. Nhưng VN đang xuất khẩu lao động qua Campuchia và Lào. Số lượng lao động VN tại 2 quốc gia này chiếm hơn 10% tổng số lao động xuất khẩu. Không biết nên vui hay buồn?
Du lịch Campuchia càng có nhiều điều để học. Năm 2015, cứ 3 người dân Campuchia đón được 1 khách nước ngoài (VN là 13/1). Các di sản thế giới của Campuchia đều miễn phí cho người Khmer khắp năm châu (chỉ cần sinh tại Campuchia). Vé tham quan gần 30 năm nay chưa hề thay đổi. Campuchia bán vé tham quan theo cụm, quần thể và tỉnh chứ không lắt nhắt cò con như VN. Chương trình “Smile of Angkor” ở Siem Reap kết hợp ánh sáng, vũ điệu và âm nhạc, tái hiện lịch sử Angkor mỗi đêm thu hút hàng ngàn khán giả. Thật ra chương trình chẳng có gì ghê gớm, VN thừa sức làm nhưng lâu nay vì nhiều lý do vẫn chưa làm được.
Ngoài các di tích cổ xưa, Campuchia không có các chùa chiền, nhà thờ, dinh thự, công sở… mới hoành tráng như VN. Họ cũng không chạy theo các kỷ lục không giống ai để tự sướng.
“Học thầy không tầy học bạn”. Học các nước phát triển hơn là quá tốt nhưng cũng tốt không kém khi biết học các nước ngang bằng ta, thậm chí kém hơn ta về thu nhập. Ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Xã hội nào cũng vậy. Học lẫn nhau, kể cả học cái tốt của người kém hơn ta là tinh thần cầu thị, rất đáng hoan nghênh.
Biết mình dở và dám đi học là còn hy vọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.