‘Tôi thấy thương cho nghệ sĩ ballet Việt Nam’

12/10/2018 18:50 GMT+7

Đã 7 năm, nghệ sĩ ballet Việt thành danh trên sân khấu quốc tế Lê Ngọc Văn mới có dịp trở về Việt Nam trong chương trình Bolero và Suite en blanc diễn ra vào ngày 17 và 18.10, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội).

Lê Ngọc Văn là niềm tự hào của ballet Việt trên sân khấu quốc tế. Anh tốt nghiệp Trường múa Việt Nam và Viện Hàn lân Âm nhạc và múa Lyon (Pháp). Từ năm 1998 - 2003, anh là diễn viên múa chính thức của Ballet National de Marseille (Pháp). Kể từ năm 2003, anh là diễn viên múa chính thức và là nghệ sĩ solist số 1 của Nhà hát Ballet Quốc gia Anh (English National Ballet).

Sự trở về lần này của Lê Ngọc Văn đánh dấu việc đây là lần đầu tiên, anh thể hiện mình trong vai trò biên đạo múa cho một đêm ballet tại Việt Nam.

* Vắng bóng tại Việt Nam khá lâu, sự trở về lần này có ý nghĩa như thế nào đối với anh tại sân khấu ballet Việt Nam?

- Nghệ sĩ ballet Lê Ngọc Văn: Tôi nghĩ đó là cơ hội để mình thể hiện sự quan tâm đối với nền ballet Việt Nam. Tôi biên đạo hai tác phẩm Bolero Suite en blanc có điểm chung là được dàn dựng trên nền nhạc Pháp và thể hiện ngôn ngữ cơ thể mạnh mẽ, nhưng theo những hình thức trình diễn khác nhau.

Bolero lấy cảm hứng từ một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà soạn nhạc Maurice Ravel, còn Suite en blanc có âm nhạc của nhà soạn nhạc Leo Delibes.

Nếu Bolero thể hiện sự đơn giản nhưng mạnh mẽ từ đầu đến cuối của các nghệ sĩ thông qua những vũ điệu, thì Suite en Blanc là một bản trình diễn không có tình tiết của kịch bản, đơn giản chỉ là cái đẹp của nghệ thuật múa ballet.

* Cả hai vở diễn trên của anh đều đã từng được anh trình diễn tại Trung Quốc và Anh. Vậy đâu là điểm đặc biệt ở phiên bản tại Việt Nam?

- Sự khác biệt duy nhất trong tác phẩm Bolero do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trình diễn chỉ là số lượng diễn viên tham gia ít hơn so với phiên bản tôi đã dàn dựng cho Nhà hát Ballet Thượng Hải, vì sân khấu của Nhà hát Lớn (Hà Nội) có diện tích rất khiêm tốn so với các sân khấu múa khác trên thế giới.

Trong khi đó, Suite en Blanc tại Việt Nam sẽ được trình diễn với phiên bản đầy đủ, bao gồm các phần diễn solo, duo, trio. (Năm 2017, Nhà hát Ballet Quốc gia Anh mới chỉ thực hiện một trích đoạn của tác phẩm này).

* Việc xa nhà khá lâu có khiến anh gặp trở ngại khi quan tâm đến ballet ở Việt Nam không?

- Tất nhiên là không. Thực tế là sau khi về Việt Nam biểu diễn cùng đoàn Ballet Anh ở Hà Nội và TP.HCM, chính sự yêu mến, ngưỡng mộ của khán giả cũng như các anh chị em đồng nghiệp đã khiến tôi luôn mong muốn được theo dõi thường xuyên hơn hoạt động nghệ thuật múa ở nước nhà.

Chương trình lần này chính là bước đầu và tôi chắc chắn sẽ có những bước hai, bước ba trong tương lai gần... Và để có thể xây dựng, góp sức hơn cho môn nghệ thuật đỉnh cao này, tôi mong muốn Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, các bộ, ban, ngành sẽ quan tâm và tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các nghệ sĩ ballet Việt Nam, giúp họ có thể tập trung dành thời gian “toàn tâm toàn ý” hơn cho môn nghệ thuật đỉnh cao này.

* Năm 2011, khi về Việt Nam biểu diễn, anh từng bày tỏ hy vọng 10 năm nữa sẽ thấy ballet Việt Nam phát triển. Đã 7 năm trôi qua, sự trở lại lần này cho anh thấy điều gì?

- Như nhiều môn nghệ thuật đỉnh cao khác, để trở thành diễn viên múa ballet và sống được với nghề là cả một sự luyện tập lâu dài về sự dẻo dai, ý chí, tinh thần, sức lực.

Nói thật là nhiều khi tôi thấy thương cho nghệ sĩ ballet Việt Nam. Họ tập rất căng, nhưng chế độ các bạn đó được hưởng thực sự không trả đủ công sức lao động bỏ ra. Tôi rất tiếc cho những nghệ sĩ dù rất yêu ballet nhưng vẫn phải bỏ nghề đi làm việc khác.

Vì vậy, tôi vẫn mong nhà nước có nhiều ưu đãi và ưu tiên đặc biệt hơn cho các nghệ sĩ Việt Nam. Chỉ có vậy, tài năng mới có thể duy trì, phát triển và vươn lên.

* Xin cảm ơn anh!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.