‘Tội phạm chỉ cần lấy chứng nhận tâm thần là nhởn nhơ ngoài xã hội’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/08/2019 21:31 GMT+7

Tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác giám định tư pháp với các cơ quan T.Ư ngày 7.8, nhiều đại biểu lo ngại tình trạng làm giả bệnh án tâm thần để trốn tội .

Loại tội phạm mới

Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp Quốc hội về công tác giám định tư pháp trong tố tụng hình sự trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng vừa qua, tại một số địa phương có tình trạng các đối tượng giang hồ lợi dụng hồ sơ tâm thần giả để phạm tội và trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Báo cáo dẫn việc ngày 19.4, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án làm giả hồ sơ tâm thần tại Bệnh viên Tâm thần T.Ư 1 (Bộ Y tế) và tuyên phạt bị cáo Thân Thái Phong, Phó trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1), 10 năm tù về tội nhận hối lộ; 2 bị cáo khác bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội môi giới hối lộ và đưa hối lộ.
Ông Pha cũng dẫn chứng, ngay các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao nêu 2 vụ trong đó có 1 vụ Tòa án nhân dân tối cao khẳng định kết luận giám định tâm thần không đúng. Còn báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng nêu số vụ làm giả hồ sơ tâm thần tại một số bệnh viện tâm thần như vụ Lò Văn Dân phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được ông Nguyễn Xuân Lợi, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2) tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai) cấp giấy chứng nhận xác nhận đối tượng này có 2 đợt điều trị ngoại trú tại bệnh viện, dù bị cáo chưa từng tới khám và điều trị tại bệnh viện...
Bên cạnh đó, ông Pha cũng cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đang yêu cầu xác định 13 vụ án có dấu hiệu làm giả hồ sơ tâm thần.
“Mặc dù đa số các vụ làm giả hồ sơ tâm thần xảy ra ở các bệnh viện tâm thần (không phải xảy ra tại các trung tâm giám định pháp y tâm thần) nhưng các Trung tâm Giám định pháp y tâm thần trên cả nước vẫn cần lưu ý, tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các giám định viên để phòng chống loại tội phạm mới này trong thời gian tới”, ông Pha nêu.

Nếu có hồ sơ tâm thần thì phải vào viện tâm thần

Nêu vấn đề chất vấn sau đó, bà Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đề nghị Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết quá trình xác minh 13 vụ việc có dấu hiệu làm giả hồ sơ tâm thần mà Hà Nội đã báo cáo.
“Trước tình trạng hồ sơ tâm thần giả xảy ra ngày càng nhiều như hiện nay, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có chỉ đạo gì trong ngành về công tác phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội để phòng tránh việc này trong tương lai”, bà Hoa đặt vấn đề.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) cho rằng, công tác giám định tư pháp liên quan rất nhiều tới số phận một con người. “Chúng tôi làm luật sư nên biết chuyện này khủng khiếp thế nào. Có nhiều bị can, bị cáo rất “to”, rất “cao” cho đến những người dân lao động bình thường ở xóm, làng bị ức hiếp, đánh đập xong ra giám định 10% không khởi tố hình sự được, để rồi thủ phạm cứ nhơn nhơn như thế”, ông Nghĩa nêu.

Ông Trần Công Phàn, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, phát biểu tại buổi làm việc

Ảnh Lê Hiệp

Liên quan tới vấn đề làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần, ông Nghĩa cho rằng, thực tế thời gian qua là cực kỳ nguy hiểm khi tội phạm chỉ cần lấy được giấy chứng nhận tâm thần là nhởn nhơ trước pháp luật.
“Điều này cho thấy những chuẩn mực, quy chuẩn trong giám định tư pháp là cực kỳ quan trọng. Thế nào là tâm thần để khỏi phải chịu trách nhiệm hình sự? Bên cạnh đó, khỏi phải chịu trách nhiệm hình sự do có hồ sơ tâm thần thì anh phải đi bệnh viện tâm thần, đằng này lại cứ đi nhơ nhởn ngoài xã hội”, ông Nghĩa nêu và cho biết điều này tạo nên sự phẫn nộ đối với nạn nhân và dư luận xã hội.

Đề nghị giám định tất cả các vụ có hồ sơ tâm thần

Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thừa nhận, vừa qua có chuyện làm giả hồ sơ tâm thần để chạy án, tránh án mà điển hình là vụ việc Công an TP.Hà Nội đã khởi tố tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1.
“Vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an khi bắt một chuyên án lớn đã phát hiện đối tượng gây án đã từng phạm tội về ma túy nhưng do có hồ sơ bệnh án tâm thần, được để bên ngoài rồi lại đi gây án”, ông Vương nói  và cho biết, Bộ Công an sẽ sớm có tổng hợp và báo cáo cụ thể về vấn đề này trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho hay, từ thực tế này, vừa qua, Bộ Công an đã có chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp phối hợp với viện kiểm sát các cấp xem xét hết sức thận trọng các vụ án có liên quan tới bệnh án tâm thần để tránh bỏ lọt tội phạm.
Xác nhận ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an, ông Trần Công Phàn, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho hay 13 vụ việc mà Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội nêu đang được các cơ quan hữu quan phối hợp rà soát.
Ông Phàn cũng đề nghị, sắp tới các cơ quan liên quan sẽ tiến hành rút kinh nghiệm, tổng hợp tình trạng này; đồng thời, đề nghị với những vụ án có hồ sơ tâm thần thì đều phải trưng cầu giám định để đảm bảo khách quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.