Tôi nhớ ngày 27.1.1973 ấy

27/01/2023 00:01 GMT+7

Ngày 27.1.1973 đến với chúng tôi ở vùng ven lộ Bốn, Cai Lậy, Mỹ Tho một cách hết sức bình thường.

Lúc ấy tôi đang ở đội công tác tiền phương của Ban Binh vận Trung ương Cục, lang thang khắp vùng Nam lộ Bốn, công việc thì lúc rõ lúc không, nhưng chuyện thay đổi địa hình, chuyện tránh giặc càn thì thường xuyên. Tôi đã quen với cuộc sống “lang thang cơ nhỡ” này từ ngày xuống chiến trường Nam lộ Bốn Cai Lậy, nên với tôi, ngày 27.1.1973 cũng bình thường như mọi ngày khác thôi. Sắp Tết Quý Sửu rồi, gió chướng đã thổi lao rao mát lạnh trên những rặng trâm bầu, và chúng tôi vẫn đeo bòng, tôi thì khoác thêm khẩu carbin M2, đi dọc các bờ mương, lội qua các con rạch, và nhiều khi lội nước băng đồng. Nghe đài Giải phóng và đài Tiếng nói Việt Nam, biết tận Paris đang Hội đàm bốn bên bàn về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, nhưng với chúng tôi, thì chiến tranh vẫn chưa có dấu hiệu nào chấm dứt, và chúng tôi tuy không trực tiếp chiến đấu, nhưng ở đội công tác tiền phương nên thường xuyên áp sát chiến trường, áp sát các trận đánh.

Bấy giờ, không ai biết tôi làm thơ, không ai gọi tôi là nhà thơ cả, mà chỉ gọi là “anh cán bộ binh vận”, vậy thôi. Nhưng tôi rất khoái hoàn cảnh mình đang sống, vì tuy có nguy hiểm, nhưng nó giúp tôi trải nghiệm cuộc sống ngay trong chiến tranh, để… làm thơ. Nghe hơi kỳ, nhưng thực tế là như vậy. Tôi đã mất bao công sức để xin được đi chiến trường Nam Bộ, bây giờ thỏa nguyện rồi, thì mục đích của mình đi chiến trường để vừa viết báo vừa làm thơ phải do chính mình thực hiện.

Ở chiến trường ven lộ Bốn gần nửa năm, nhưng tôi mới chỉ viết được vài bài báo để báo vụ gửi teletip về cho Đài Giải phóng, viết được vài bài báo dạng phóng sự ký sự cho báo Ấp Bắc. Chỉ vậy thôi. Thời gian còn lại thì làm thơ cũng chẳng nhiều, nhưng làm các việc mà anh lính ở đội công tác chiến trường phải làm thì nhiều hơn. Kể cả chuyện đến với các nhà dân, vào vùng giáp ranh có dân ở, vào ấp chiến lược có dân đang bị dồn vào đó, vượt sông Tiền giang ra cù lao Ngũ Hiệp sống một đêm cùng du kích trên cồn đất có 6000 dân… Rồi uống rượu với bà con, với du kích, với những người chạy càn, với đồng đội của mình trong đội công tác… Tất cả những hoạt động ấy đều được tính vào “lịch công tác” của chúng tôi. Cũng bận rộn tíu tít ấy chứ. Cứ ngày đi, đêm cũng đi, nhiều bữa về tới địa hình để ngả lưng thì đã quá canh ba.

Ngày 27.1.1973 đến với tôi không phải ngày hòa bình đầu tiên, mà là ngày chiến tranh chưa kết thúc. Nhưng chỉ sau đó mấy ngày lại diễn ra cuộc “giành đất cắm cờ” vào ngày giáp Tết. Cả hai phía thù địch không bắn nhau, mà “giành đất” để cắm cờ. Cũng không hẳn để giành chủ quyền, mà dường như cốt để biểu dương lực lượng, chứng tỏ sự hiện diện của mình trên suốt vùng đất đang tranh chấp, gọi là “vùng xôi đậu”. Đội công tác chúng tôi không thuộc lực lượng đi cắm cờ, cũng không thuộc “biên chế” đi nhổ cờ đối phương, nên khá nhàn rỗi. Chúng tôi lại đến các nhà dân, nói với bà con về Hiệp định Paris vừa được ký kết, về khả năng vùng quê mình sẽ có hòa bình. Bà con nghe chúng tôi nói, nhưng nhìn ra cảnh tình thực tế, thì không ai dám tin là chiến tranh đã thực sự chấm dứt.

Tết Quý Sửu đến trong tình trạng mập mờ giữa chiến tranh và đình chiến, lính hai bên đã có lúc nhậu chơi rất gần nhau, chỉ cách vài trăm thước, mà không xảy ra đụng độ. Chúng tôi cũng có thể áp sát lộ Bốn, nhưng chưa thể thực hiện được mơ ước của tôi trong bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình” viết ở chiến khu sau đó mấy tháng:

“chừng nào thật hòa bình

ra lộ Bốn trải ni-lông nằm một đêm cho thỏa thích”

Chưa thể thực hiện được mơ ước giản dị ấy, vì Tết Quý Sửu năm 1973 vẫn chưa thực sự có hòa bình.

Sau Tết, chưa có những trận đánh lớn, nhưng nhiều vụ đụng độ đã xảy ra, và đội công tác chúng tôi vẫn làm việc và sống trong tình trạng chưa có hòa bình.

Bây giờ, đọc những bài báo, bài phỏng vấn những người đã trực tiếp tham gia Hòa đàm Paris, mới biết, đã từng có sự giẳng co quyết liệt giữa hai phía trong 4 bên tham gia Hòa đàm về hai từ “Thống nhất”. Bên phía Mỹ và Sài Gòn không muốn đưa hai từ này vào Hiệp nghị Hòa bình được ký ngày 27.1.1973, còn bên phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thì kiên quyết đòi phải có hai từ “Thống nhất” trong văn bản sẽ được ký thì Hòa đàm mới kết thúc.

Với cuộc chiến tranh ở Việt Nam do Mỹ và chế độ Sài Gòn chủ động gây ra, mà nếu không có Thống nhất thì làm sao có được Hòa bình thật sự? Chúng ta chiến đấu là để có được một nước Việt Nam thống nhất trong hòa bình, như mơ ước của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và mấy chục triệu người Việt Nam khắp ba miền Nam Trung Bắc cơ mà.

Và đúng là phải sau hai cái Tết nữa, Tết Giáp Dần và Tết Ất Mão (1974 và 1975), cho tới ngày 30.4.1975, Hòa bình và Thống nhất mới thực sự đến với toàn cõi Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.