Tôi là nhà giáo hạnh phúc: Giờ học đặc biệt từ 'bữa ăn trong bóng tối'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/11/2019 08:34 GMT+7

Giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc. Hạnh phúc của người thầy không phải chỉ là sự hài lòng về kết quả học tập của học sinh hay có thu nhập tốt, mà là khi họ luôn đổi mới bản thân, sáng tạo mỗi ngày chứ không dừng lại ở chỗ làm tròn vai, được nhìn thấy thành quả qua niềm vui của học trò.

Trong hành trình đi tìm những giáo viên (GV) hạnh phúc, chúng tôi bắt gặp nhiều câu chuyện, phương pháp giáo dục khác nhau. Nhưng có một điểm chung nhất, họ không ngồi than vãn về nghề nhà giáo cực khổ, nhiều áp lực; họ cũng muốn có đồng lương cao hơn nhưng không chờ các chế độ, chính sách mang đến hạnh phúc cho mình. Họ đi tìm hạnh phúc bằng nỗ lực sáng tạo, nhận phần khó về mình mỗi ngày để được nhìn thấy học sinh (HS) vui, hào hứng, thay vì chứng kiến những cái ngáp dài mệt mỏi và vẻ mặt căng thẳng của HS trong lớp học. Và khi ấy, họ nói: “Tôi là nhà giáo hạnh phúc”.
“Nhà giáo hạnh phúc” đầu tiên mà PV Thanh Niên muốn chia sẻ với bạn đọc là cô Đỗ Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), với sáng kiến cho HS trải nghiệm “bữa ăn trong bóng tối”.

Mỗi em được phát một chiếc bịt mắt chuyên dụng màu đen trước khi ăn

Trải nghiệm đặc biệt

Giờ ăn trưa của HS lớp 5A4 hôm đó thật đặc biệt. Mỗi em được phát một chiếc bịt mắt chuyên dụng màu đen trước khi đồ ăn được đưa ra để bắt đầu một… “bữa ăn trong bóng tối”.
Tất nhiên, trước một bữa ăn lạ lùng như vậy, GV đã phải mô tả cho HS, hỏi ý kiến phụ huynh và được sự đồng ý cũng như sự tự nguyện tham gia của HS. Thế nhưng, ngay khi bữa ăn bắt đầu cũng là lúc không ít HS la lên: “Cô ơi, đút cơm vào mũi rồi”; “Cô ơi, con muốn nhìn xem mình đang ăn gì”; “Cô ơi, hình như khay của con chỉ toàn cơm mà không có gì khác…”. Khi đi lấy thêm đồ ăn hoặc trả khay đựng đồ ăn về đúng vị trí, các em dò dẫm từng bước một. Không ít em hốt hoảng vì vấp ngã, ngay lập tức đã được cô giáo đứng đằng sau giúp đỡ.

Khi đi lấy thêm đồ ăn hoặc trả khay đựng đồ ăn về đúng vị trí, các em dò dẫm từng bước một

Cảm nhận chung sau bữa ăn trong bóng tối của HS đều là lời than “khó quá”; “sao các bạn khiếm thị giỏi thế!”... Em Đinh Phương Anh, lớp 5A4, nói: “Ăn trong bóng tối, con chỉ vừa ăn vừa nghĩ đến các bạn khiếm thị trong trường. Không chỉ ăn thức ăn có người mang đến tận tay như chúng con, mà các bạn ấy phải tự làm mọi việc thì thật giỏi. Con thấy mình thật may mắn khi có đôi mắt sáng và sẽ phải giữ gìn nó, không xem ti vi hoặc chơi iPad hay điện thoại nhiều”.
Còn Bùi Tuấn Diệu Linh, lớp 5A5, thì có cách chia sẻ của riêng mình. Cô bé chọn cách viết vào tờ giấy nhỏ và gửi tới cô Thủy, mô tả lại mình đã khó khăn như thế nào trong việc ăn mà không nhìn thấy gì, thậm chí phải bốc vì không xúc được thức ăn. “Sau 30 phút trải nghiệm, em đã hiểu được sự thiệt thòi của các bạn HS khiếm thị khi các bạn ấy mỗi ngày phải tắm, gội, giặt quần áo, soạn sách vở… trong bóng tối”, Linh viết.

Bức thư thể hiện cảm xúc của học sinh sau khi trải nghiệm

Cùng “học” để biết yêu thương đúng cách

Cô Đỗ Thị Thủy tâm sự: “Tôi đọc qua các phương tiện truyền thông thì biết ở nước ngoài và TP.HCM có nhà hàng tổ chức bữa ăn trong bóng tối để thực khách trải nghiệm cảm giác khác lạ. Nhiều năm công tác tại trường dành cho HS khiếm thị hòa nhập với HS bình thường, tôi nghĩ tại sao mình không cho HS sáng mắt trải nghiệm cảm giác một hoạt động tưởng như đơn giản nhất là ăn một bữa cơm nhưng trong bóng tối, để các em cảm nhận được những khó khăn và cả sự khó chịu mà các bạn khiếm thị phải chấp nhận và lạc quan vượt qua suốt cả cuộc đời”.
Khi ý tưởng về việc cho HS sáng mắt được trải nghiệm bữa ăn trong bóng tối được hội đồng giáo dục nhà trường đồng tình, cô Thủy đã xây dựng một kế hoạch cụ thể để thực hiện. Lúc đầu, việc thí điểm chỉ áp dụng với một nhóm HS, sau khi nhìn thấy hiệu ứng tích cực, phụ huynh và GV chủ nhiệm các lớp chủ động cho HS đăng ký tham gia. Bản thân cô Thủy và GV cũng bịt mắt để ăn cùng HS cũng như đã từng bịt mắt để tham gia rất nhiều hoạt động cùng với HS khiếm thị trong trường từ lâu nay.

Cảm nhận chung sau bữa ăn trong bóng tối của HS đều là lời than “khó quá

 
Theo cô Thủy, khi thực hiện “bữa ăn trong bóng tối”, mục tiêu của cô và nhà trường là hướng tới HS sáng mắt, chứ không phải HS khiếm thị. Lâu nay, nói đến giáo dục hòa nhập, người ta hay nghĩ đến việc trẻ khuyết tật sẽ phải cố gắng tham gia các hoạt động với trẻ bình thường để hòa nhập vào số đông. Thế nhưng, với kinh nghiệm hơn 30 năm làm nhiệm vụ giáo dục hòa nhập, cô Thủy hiểu rằng việc hòa nhập không thể có chiều sâu nếu những HS bình thường, lành lặn thờ ơ và không thấu hiểu các bạn khiếm khuyết của mình đang phải cố gắng thế nào để vượt lên số phận. “Ở bất cứ môi trường nào thì việc giáo dục lòng nhân ái, trách nhiệm, chia sẻ và hướng tới cộng đồng đều cần được coi trọng, nhưng ở môi trường đặc thù như Trường Nguyễn Đình Chiểu thì điều đó cần được đặt lên hàng đầu”, cô Thủy nói và cho rằng để thực hiện nhiệm vụ đó, cái đích cần hướng tới đối với HS sáng mắt là cần xâm nhập vào đời sống thực tế của trẻ khiếm thị, để từ đó hiểu, có trách nhiệm, chia sẻ và giúp đỡ các bạn khuyết tật. “Chia sẻ để gần gũi, giúp các bạn không mặc cảm, tự ti chứ chúng tôi không đặt mục tiêu là HS sáng mắt làm thay những việc mà HS khiếm thị vẫn nỗ lực tự làm được”, cô Thủy nói thêm.

Tiếng cười vẫn luôn vang lên trong bóng tối

Theo cô Thủy, HS khiếm thị dù sao vẫn không tránh khỏi tâm lý mặc cảm, co cụm. Đôi lúc, HS khiếm thị vẫn nói “vì các bạn sáng mà”. Các em khi ngồi với nhau rất vui vẻ nhưng đôi khi ngồi trong lớp học vẫn có tâm lý thu mình lại. Vì vậy, không chỉ học cùng lớp, việc cùng ăn một bữa cơm hay đón các bạn đến phòng ở nội trú của mình chơi cũng phần nào giúp HS khiếm thị vượt qua các rào cản trong xã hội và rào cản do chính các em dựng lên, đồng thời khẳng định người khiếm thị có thể bình đẳng tham gia các hoạt động với người bình thường khi có sự hỗ trợ. Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động để HS khuyết tật được bồi đắp lòng nhân ái. Các em đã biết chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh hơn tại Viện K trong chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện. Các em thấy mình dù tật nguyền nhưng còn may mắn hơn nhiều người khác.
Cô Thủy cho hay “bữa ăn trong bóng tối” chỉ là nỗ lực trong hành trình sáng tạo để có thêm một hoạt động trong chùm hoạt động hòa nhập đã được tổ chức tại trường như: nhảy dân vũ, tìm kiếm tài năng âm nhạc, giải bóng đá mini, thăm phòng ở nội trú… Cô Thủy cho biết không ai không thể không xúc động khi nhìn thấy các em tự tin nhảy dân vũ cùng các bạn sáng mắt, thi đấu trong cùng một trận bóng (HS sáng mắt bịt mắt thi bóng đá cùng bạn khiếm thị), thi nhạc cụ trong cùng một bảng đấu. Các em đã khẳng định được giá trị của bản thân, tự tin vào chính mình, tin vào những người xung quanh, tin vào bạn sáng mắt. HS sáng mắt được chứng kiến các em nhỏ khiếm thị tuy mới học lớp 1 đã sống xa bố mẹ, xa gia đình đến ở nội trú và tự lập trong nhiều sinh hoạt. Từ đó, các em HS sáng mắt chủ động giúp các bạn, chơi cùng bạn, học cùng bạn, gần gũi thân thương như anh em trong gia đình.
“Là nhà giáo, lại là người gắn bó với môi trường đặc biệt như vậy nên chỉ cần một bữa ăn trong bóng tối hay những trải nghiệm tràn ngập tiếng cười của cả HS khiếm thị và HS sáng mắt đã đủ khiến tôi hạnh phúc đến mất ngủ”, cô Thủy tâm sự.
Bộ GD-ĐT tôn vinh 183 nhà giáo của năm
Hôm qua (17.11), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bộ GD-ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh 183 “Nhà giáo của năm 2019”. Cùng với việc khen thưởng nhà giáo xuất sắc, năm nay cũng là năm đầu tiên tổ chức tôn vinh danh hiệu “Nhà giáo của năm”.
Trong số 183 nhà giáo được tôn vinh, có 128 cán bộ, giáo viên đến từ các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT; 55 thầy cô đến từ các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.