Tôi bị quấy rối tình dục: Quấy rối... đủ nơi đủ chỗ

28/02/2022 07:04 GMT+7

Vấn nạn quấy rối tình dục là thực trạng tồn tại một cách âm ỉ và dai dẳng, gây bức xúc trong dư luận.

Nhan nhản khắp nơi

H.V.G (27 tuổi, nữ nhân viên một công ty tại Q.3, TP.HCM) cho biết từng bị nữ đồng nghiệp quấy rối tình dục. Dù là “chị chị em em” thân tình, nhưng lợi dụng những lúc G. thay đồng phục để bắt đầu làm việc, nữ đồng nghiệp đã tìm đến phòng vệ sinh kế bên để lén ghi hình...

T.H.Tr (30 tuổi), làm việc ở một hệ thống bán thiết bị di động tại TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương, cho biết đã không dưới vài chục lần bị quấy rối tình dục. “Chủ yếu là qua tin nhắn điện thoại và tin nhắn trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram”, Tr. kể.

Theo Tr., bản thân hay đăng ảnh cá nhân để thu hút sự tương tác nhằm quảng bá việc bán hàng, nhưng thi thoảng bị một bộ phận người dùng “thả” những bình luận khiếm nhã, kích dâm. Chưa hết, nhiều khi còn nhận về những tin nhắn có nội dung là hình ảnh khiêu dâm, những câu từ tục tĩu, lời rủ rê vô văn hóa mà như lời Tr. nói là “quá đỗi dung tục, không thể chấp nhận được”.

Trần H.Nh (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Văn Lang) kể lại việc từng bị một tài xế xe ôm công nghệ quấy rối tình dục. “Trong quá trình di chuyển, tài xế liên tục hỏi về những chuyện thầm kín, chuyện nhạy cảm. Đôi lúc lại có những lời nói bóng gió liên quan tình dục. Thỉnh thoảng lại “vô tình một cách cố ý” để tay trượt về phía sau đụng chạm đùi, bụng của tôi. Chưa hết, những ngày sau, người này còn nhắn tin qua số điện thoại để buông lời tán tỉnh, rủ rê đậm tính dung tục”, Nh. nhớ lại.

N.T.H (26 tuổi, công nhân ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết cảm thấy rất phiền khi trong một lần cung cấp thông tin cá nhân cho chủ nhà đã bị lộ số điện thoại trong nhóm Zalo của khu trọ. Kể từ đó, Zalo của H. thường nhận được tin nhắn có nội dung là những video clip khiêu dâm, hình ảnh 18+, tin nhắn... bậy bạ, chưa kể có cả tin nhắn rủ rê “đi làm chuyện người lớn” để nhận lại một khoản tiền...

Lo sợ, hoảng loạn...

H. kể thêm vì cảm thấy phiền phức và tức tối không chịu nổi, H. đã chặn chức năng nhận tin nhắn từ người lạ, không cho kiếm tài khoản từ số điện thoại. Tưởng như cuộc sống sẽ yên bình, không bị quấy phá, nào ngờ nhiều lần H. tá hỏa khi phát hiện bao cao su trước cửa phòng, hay những “lá thư tay sặc mùi... khiêu dâm” được đẩy qua khe cửa... Chán nản và lo sợ, H. quyết định thay đổi số điện thoại, đồng thời chuyển trọ. Mặc dù vậy, những lần bị quấy rối tình dục khiến H. bị ám ảnh, khủng hoảng và rơi vào tình trạng stress, sang chấn tâm lý.

N.H.T (nữ sinh 19 tuổi, ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: “Tôi là nạn nhân của việc quấy rối tình dục bằng lời nói. Tôi từng bị một bạn nam soi mói cơ thể và tình dục hóa lên. Người đó từng nói một cách sỗ sàng với tôi về những vị trí nhạy cảm trên cơ thể. Khi tôi phản ứng lại, người đó cười và nói: “Đùa thôi làm gì căng? Sao mày cứ phải làm quá lên thế?”. Tôi ấm ức tới phát khóc luôn, rồi sau đó tôi cảm thấy sợ hãi, chỉ muốn thu mình vào một góc nào đó. Tôi bị ám ảnh bởi những lời nói quấy rối, xem như là lưỡi dao cứa vào tinh thần tôi. Đôi lúc tôi cảm thấy tự ti, chán ghét bản thân mình. Tôi cũng không còn cảm nhận được cảm giác an toàn trong cuộc sống này”.

T. chia sẻ chính những lần bị quấy rối tình dục như thế khiến bản thân buồn rất nhiều. “Từ đó tôi cố gắng cân nhắc trong giao tiếp, cẩn thận hơn trong những mối quan hệ. Tôi cũng thể hiện quan điểm rõ ràng và khi thấy người khác có vấn đề, bản thân tôi có thể bị quấy rối tình dục, dù ở dạng nào, trực tiếp hay gián tiếp qua câu từ thì tôi nhanh chóng thể hiện việc không chấp nhận, yêu cầu dừng lại”.

T. cũng khuyên: “Với những nạn nhân bị quấy rối tình dục, nhất là ở mức độ nghiêm trọng, bắt buộc cần lên tiếng, tố cáo”.

H.K.V (nữ sinh 20 tuổi, ở TP.Biên Hòa) cho rằng vấn nạn quấy rối tình dục còn cơ hội tồn tại là do nhiều người vẫn thiếu nhận thức về mức độ quan trọng của vấn đề. Điển hình là khi sự việc được đưa ra ánh sáng, nhiều người tìm cách đổ lỗi cho phía nạn nhân, nhưng lại biện hộ cho thủ phạm. Bên cạnh đó, thủ phạm nếu có nhiều mối quan hệ và quyền lực thì càng bất lợi cho nạn nhân hơn. Chưa kể nhiều sự việc xảy ra trong môi trường học đường nhưng nhà trường vì “bảo vệ danh tiếng” mà chọn cách bưng bít sự việc, khiến nạn nhân cảm thấy thiếu sự an toàn, cô đơn. (còn tiếp)

Mạnh dạn tố cáo

Trao đổi về thực trạng này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp T.Ư) cũng nhìn nhận đa số nạn nhân bị quấy rối tình dục thường có tâm lý sợ tố cáo sẽ không ai tin, sợ sự việc không được xử lý đến nơi đến chốn, sẽ bị tổn thương đến danh dự, nhân phẩm... nên rất e ngại đứng ra tố cáo. Mặc dù vậy, theo bà Nữ: “Cần mạnh dạn đứng ra tố cáo, đừng im lặng. Nạn nhân nên đề nghị trích xuất camera để thu thập thêm chứng cứ (nếu ở môi trường làm việc), lập vi bằng bằng chứng (nếu bị quấy rối qua tin nhắn)... để tố cáo”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.