Toan tính của Trung Quốc khi đầu tư vào Afghanistan

Khánh An
Khánh An
13/01/2022 07:50 GMT+7

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể muốn đầu tư vào Afghanistan nhằm giữ ổn định khu vực và đề phòng khủng bố hơn là lợi nhuận.

Kể từ khi kiểm soát Kabul vào tháng 8.2021 và củng cố quyền lực khắp Afghanistan, lực lượng Taliban luôn ráo riết đối thoại nhằm chấm dứt tình trạng bị cô lập về kinh tế, chính trị. Các lệnh cấm vận của phương Tây và hạn hán đã gây nguy cơ nạn đói tại nhiều nơi giữa mùa đông băng giá. Theo tờ Nikkei Asia, Taliban đặt hy vọng vào Pakistan, quốc gia ủng hộ lực lượng này từ thập niên 1990, và Trung Quốc với mối quan hệ khá mập mờ, mang tính trao đổi với bất cứ bên nào kiểm soát Kabul.

Một tay súng Taliban canh gác tại khu vực viện trợ của Chương trình lương thực thế giới ở Kabul

AFP

Chẳng đặng đừng ?

Trung Quốc chưa chính thức công nhận chính phủ mới của Afghanistan do Taliban kiểm soát. Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh đang thận trọng trước việc ủng hộ một lực lượng đã khiến khu vực mất cân bằng về thế lực, sau khi Mỹ rút quân. Theo đó, nếu Taliban tiếp tục nắm quyền và ngăn chặn được nội chiến, Trung Quốc có thể ủng hộ lực lượng này với vai trò là một quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khu vực, nhưng đó sẽ là phương kế sau cùng.

Trung Quốc có đủ nguồn lực để trở thành bên giúp đỡ lớn nhất của Taliban và việc đầu tư vào hạ tầng có thể giúp ổn định tình hình ở Afghanistan. Theo ông Raoof Hasan, trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan Imran Khan, đây là cách tiếp cận chung của Pakistan và Trung Quốc. Việc hỗ trợ chính phủ của Taliban thông qua phát triển là nỗ lực mà nhiều bên trong khu vực cho là cần thiết nhằm ngăn chặn nghèo khó, tuyệt vọng dẫn đến bất ổn. “Mối đe dọa chung là khủng bố, còn mục tiêu chung là kết nối kinh tế”, ông Hasan phân tích.

Một trong những lo ngại chính của Trung Quốc là việc các nhóm cực đoan ở Afghanistan có thể tuyển dụng thành viên người Duy Ngô Nhĩ từ khu tự trị Tân Cương. Theo GS Lâm Mẫn Vương tại Đại học Phục Đán (Trung Quốc), kinh nghiệm đối phó khủng bố của Trung Quốc là ổn định tình hình bằng phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một lý do khác có thể khiến Trung Quốc hợp tác với Pakistan về vấn đề Afghanistan là xây dựng khối kinh tế vững chắc trong khu vực nhằm đối phó ảnh hưởng của Mỹ và Ấn Độ.

Đặc vụ Taliban đổ 3.000 lít rượu xuống kênh

Thận trọng từng bước

Sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan vào tháng 8.2021, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay “sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với Afghanistan”. Một tháng sau đó, Trung Quốc cam kết viện trợ 31 triệu USD, trong đó có thực phẩm, thuốc men, vắc xin Covid-19 và đã phân phối khoảng phân nửa số đó.

“Đại sứ quán của họ vẫn mở ở Kabul và hoạt động bình thường. Có một kiểu công nhận âm thầm. Tương tác vẫn tiếp diễn và họ đang triển khai các dự án trong các lĩnh vực khác nhau để giúp Afghanistan”, theo phát ngôn viên Bộ Thông tin Afghanistan Bilal Karimi.

Lịch sử đầu tư của Trung Quốc vào Afghanistan cũng khiến Bắc Kinh thận trọng. Sau đợt đầu tư nhộn nhịp ban đầu kể từ khi chính phủ Afghanistan do phương Tây hậu thuẫn được thành lập vào năm 2001, phần lớn các dự án của Trung Quốc đã hoàn tất và ít có dự án mới. Trong 15 năm qua, Bắc Kinh chỉ đầu tư 3,4 tỉ USD vào Afghanistan. Một trong những dự án lớn của Trung Quốc ở Afghanistan là mỏ đồng Mes Anyak ở tỉnh Logar đã bế tắc nhiều năm sau khi ký hợp đồng vào năm 2008. Theo giới quan sát, cảm giác rằng chính phủ trước đó của Afghanistan có thể sụp đổ bất cứ lúc nào khiến Trung Quốc thiếu chắc chắn về các khoản đầu tư trong tương lai ở nước này.

Trả lương bằng lúa mì

Hãng Reuters ngày 12.1 đưa tin lực lượng Taliban cho biết sẽ áp dụng chương trình “làm việc đổi lấy lúa mì” trên cả nước, sử dụng lúa mì được viện trợ để trả lương cho hàng ngàn công chức thay tiền mặt, do khủng hoảng tài chính gia tăng. Lúa mì chủ yếu do Ấn Độ viện trợ trước khi Taliban nắm quyền, hiện được dùng để trả cho 40.000 công chức theo mức 10 kg cho mỗi ngày làm việc 5 giờ.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp Afghanistan Fazel Bari Fazli, chính quyền của Taliban đã nhận thêm 18 tấn lúa mì từ Pakistan, bên cạnh thêm 37 tấn nước này cam kết. Afghanistan còn đang đàm phán để nhận 55 tấn lúa mì từ Ấn Độ. Ngoài ra, theo CNN, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ vừa công bố viện trợ nhân đạo 308 triệu USD cho người dân Afghanistan, nâng tổng mức viện trợ nhân đạo cho nước này từ tháng 10.2021 lên 782 triệu USD.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.