Tòa truy vấn cựu Chủ tịch và Tổng giám đốc Cienco 1 về khoản nợ 185 tỉ

06/06/2023 17:37 GMT+7

Cựu Chủ tịch HĐTV và cựu Tổng giám đốc Cienco 1 bị cáo buộc có sai phạm trong việc xử lý khoản nợ gần 185 tỉ đồng không đúng quy định, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.

Chiều 6.6, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án thất thoát hàng trăm tỉ đồng trong quá trình cổ phần hóa diễn ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1).

Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu thẩm vấn đối với các bị cáo, tập trung làm rõ chuỗi hành vi xử lý nợ không đúng quy định của dàn cựu lãnh đạo Cienco 1, gây thiệt hại ngân sách gần 185 tỉ đồng.

Tòa truy vấn cựu Chủ tịch và Tổng giám đốc Cienco 1 về khoản nợ 185 tỉ - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Dũng, cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1

PHÚC BÌNH

Cựu Tổng giám đốc thừa nhận trách nhiệm

Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, để xác định giá trị doanh nghiệp trước khi thực hiện cổ phần hóa, tháng 6.2013, lãnh đạo Cienco 1 họp, rà soát khoản nợ phải thu của 50 công ty với tổng số tiền hơn 364 tỉ đồng.

Trên thực tế, các khoản nợ này đều không đủ điều kiện (công ty nợ bị giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động) nhưng Cienco 1 vẫn quyết định xếp vào dạng "nợ không có khả năng thu hồi" và sử dụng nguồn dự phòng để xử lý một phần, với tổng trị giá gần 185 tỉ đồng.

Sau cuộc họp, Tổng giám đốc Cienco 1 Cấn Hồng Lai ký tờ trình (không số) gửi hội đồng thành viên (HĐTV). Sau đó, Chủ tịch HĐTV Phạm Dũng ký phiếu xin ý kiến gửi các thành viên HĐTV, các thành viên HĐTV nhất trí phương án như đề nghị.

Xem nhanh 20h ngày 6.6: ‘Đột kích’ lò nấu dầu nhớt thải lậu | Mánh khóe 'thổi bay' trăm tỉ ở Cienco 1

Hậu quả, khoản nợ gần 185 tỉ đồng không được hạch toán vào giá trị của Cienco 1, không được Cienco 1 bàn giao cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam, cũng không bàn giao cho công ty cổ phần, không báo cáo với Bộ GTVT.

Trả lời trước tòa, bị cáo Cấn Hồng Lai thừa nhận một phần trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm. Bên cạnh việc đồng tình với phần lớn cáo buộc của viện kiểm sát, ông này cho rằng một số "chưa sát với diễn biến thực tế".

Theo lời cựu Tổng giám đốc Cienco 1, thời điểm ký tờ trình không số gửi HĐTV, ông vừa đi công tác về, kế toán trưởng trình ký kèm theo toàn bộ hồ sơ về xử lý nợ, "khi nhận hồ sơ đã đầy đủ hết rồi".

Ông Lai bị cáo buộc là người chủ trì cuộc họp của lãnh đạo Cienco 1 hồi tháng 6.2013. Tuy nhiên, bị cáo nói không nhớ có tham gia cuộc họp này hay không, do thời gian đã lâu. Thực tế, bị cáo ký tờ trình xuất phát từ sự thống nhất đã được quyết định trước đó.

Tòa truy vấn cựu Chủ tịch và Tổng giám đốc Cienco 1 về khoản nợ 185 tỉ - Ảnh 2.

HĐXX điều hành phiên xét xử vụ án xảy ra tại Cienco 1

PHÚC BÌNH

Nợ khó đòi và nợ không thể thu hồi có khác nhau?

Tiếp tục xét hỏi, chủ tọa đặt vấn đề với bị cáo Cấn Hồng Lai, rằng nợ khó đòi và nợ không thể thu hồi là khác nhau, vì sao bị cáo lại đồng ý ký tờ trình? Cựu Tổng giám đốc Cienco 1 trả lời khi ký không đọc kỹ, nghĩ rằng HĐTV tổng công ty sẽ phát hiện ra, đến nay thì thấy 2 khái niệm khác nhau.

"Thời điểm đó, trong số 50 doanh nghiệp đang nợ có doanh nghiệp nào giải thể, phá sản (để đủ điều kiện xếp vào dạng nợ không có khả năng thu hồi) hay không?", chủ tọa hỏi. Ông Lai khai không thấy ai báo cáo.

"Vậy nhưng bị cáo vẫn chấp nhận để ký văn bản gửi HĐTV, đến giờ nhận thức như nào?", HĐXX nhấn mạnh, đồng thời giải thích việc thẩm định trước khi ký văn bản là rất quan trọng, vì từ văn bản ấy có thể là căn cứ để đưa ra các quyết định quan trọng khác.

Cựu Tổng giám đốc Cienco 1 còn cho rằng bản thân "không hiểu lắm về tài chính, kế toán, chỉ ký vào tờ trình để HĐTV xem xét xử lý, còn sau xử lý thì không nắm rõ". Tuy nhiên, HĐXX nhận định với vai trò là Phó ban thường trực Ban chỉ đạo cổ phần hóa công ty, bị cáo nói không nắm rõ là rất khó hiểu, bởi hàng năm bị cáo đều tham gia họp, được báo cáo về công tác tài chính.

Sau ông Lai, HĐXX thẩm vấn đối với bị cáo Phạm Dũng, cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1, là người ký quyết định xử lý số nợ gần 185 tỉ đồng.

Giải thích lý do ký quyết định (sau này được xác định là vi phạm pháp luật), ông Dũng nói việc xử lý tài chính của tổng công ty đã có hội đồng xử lý nợ do tổng giám đốc làm chủ tịch, bị cáo không nằm trong cơ cấu.

Cũng giống ông Lai, chủ tọa hỏi ông Dũng có nghe hoặc được báo cáo về việc 50 doanh nghiệp bị phá sản hoặc giải thể (để đủ điều kiện xếp vào dạng nợ không có khả năng thu hồi) hay không. Ông Dũng khai chưa nắm được thông tin.

"Vậy nhưng vẫn chấp nhận ký?", chủ tọa truy vấn. Cựu Chủ tịch Cienco 1 cho rằng những doanh nghiệp này chưa phá sản, giải thể nhưng thực tế họ không có khả năng trả nợ trong nhiều năm.

"Nợ khó đòi và nợ không có khả năng trả là khác nhau, bị cáo có phân tích điều này trước khi ký?", HĐXX tiếp tục hỏi. Trả lời, ông Dũng nói thời điểm ấy nghĩ rằng 2 khái niệm này giống nhau, không phân biệt được…

Phiên tòa tiếp tục làm việc với phần xét hỏi của đại diện viện kiểm sát và luật sư.

Bàn giao đất giá rẻ, thiệt hại hơn 54,7 tỉ đồng

Ngoài sai phạm về xử lý số nợ gần 185 tỉ đồng, các bị cáo tại Cienco 1 còn bị cáo buộc gây thiệt hại trong việc xử lý 4 khu đất tại TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Gia Lai.

Tháng 6.2013, tại biên bản xác định giá trị doanh nghiệp, Cienco 1 và công ty kiểm toán xác định giá trị 4 khu đất là gần 12,7 tỉ đồng. Phía kiểm toán lưu ý đây chỉ là giá trị tạm tính, người đại diện vốn nhà nước tại công ty cần tiếp tục theo dõi, thu hồi phần giá trị chênh lệch.

Tuy nhiên, khi đề nghị phương án cổ phần hóa, các bị cáo tại Cienco 1 không xây dựng phương án sử dụng đất để xác định lại giá trị quyền sử dụng đất theo thị trường, mà chỉ làm thủ tục bàn giao nguyên trạng các khu đất cho công ty sau cổ phần.

Kết luận định giá cho thấy 4 khu đất tại thời điểm tháng 6.2013 có tổng giá trị gần 67,5 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa, thiệt hại gây ra là hơn 54,7 tỉ đồng.

Cộng với khoản nợ gần 185 tỉ đồng không được hạch toán vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, cơ quan tố tụng xác định tổng thiệt hại trong vụ án là gần 240 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.