Vịnh Xuân Đài bị xâm hại

08/04/2011 23:40 GMT+7

Vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu, Phú Yên) được công nhận là di tích thắng cảnh quốc gia, thế nhưng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nạn khai thác san hô, nghêu sò bừa bãi.

Tàn phá rạn san hô

Thú chơi non bộ bằng san hô ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung đã khiến người dân ở TX Sông Cầu đổ xô xuống vịnh Xuân Đài khai thác. Ông Nguyễn Hải Hà (xã Xuân Phương), một người chuyên khai thác san hô, cho biết: “Giá 1m3 san hô từ 300.000 - 500.000 đồng tùy theo đẹp hay xấu và kích cỡ. Mỗi ngày, một công lao động có thể khai thác hơn 2m3 san hô... Với mức thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày như vậy nên người dân đã đổ xô đi khai thác”.


Phương tiện khai thác nghêu, sò phá nát tầng đáy vịnh Xuân Đài - Ảnh: Ngọc Như

Không chỉ khai thác rạn san hô ven bờ, nhiều người còn khai thác những rạn san hô đẹp nằm sâu dưới vịnh. Việc khai thác bừa bãi đã khiến các rạn san hô bị suy thoái và có nguy cơ biến mất do tốc độ khai thác quá nhanh, kéo theo sự suy giảm đa dạng sinh học cũng như nguồn lợi hải sản, do nhiều loài cá không còn nơi để sinh sản. Hậu quả rõ nhất là nhiều loài hải sản quý hiếm bị cạn kiệt, cuộc sống của ngư dân địa phương bị ảnh hưởng.

Hủy diệt nghêu sò

Ngày 7.4, ông Đặng Phú Nguyên - Trạm trưởng trạm khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản Sông Cầu cho biết, hiện vẫn còn 21 hộ ở xã Xuân Phương, TX Sông Cầu lén lút khai thác san hô ở vịnh Xuân Đài. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt 3 vụ về hành vi mua bán, vận chuyển san hô trái phép với số tiền 27,5 triệu đồng. Trong khi đó, tình trạng cào nghêu, dùng lưới giã cào đánh bắt hủy hoại đáy vịnh Xuân Đài vẫn còn, nhưng chuyển sang hoạt động lén lút vào ban đêm.
Hiện trên vịnh Xuân Đài xuất hiện hàng chục tàu chuyên khai thác nghêu, sò với quy mô lớn theo kiểu đánh bắt tận diệt. Theo quan sát của chúng tôi, riêng tại khu vực Lỗ Sâu, có gần 30 thuyền máy, mỗi thuyền có khoảng 4 người làm việc luôn tay. Có thuyền không có biển số, có thuyền biển số bị che khuất bởi chủ cố tình dùng bùn trét vào.

Để đánh bắt nhanh, giảm sức lao động, những người khai thác sò, nghêu sử dụng một lưỡi cào bằng sắt, dài hơn 2m, có đường kính khoảng 30 cm như một lồng sắt, xung quanh được rào bằng những thanh sắt chỉ đủ lọt ngón tay, dọc thân có hàng răng cưa nhọn. Khi thả dụng cụ này xuống nước, “hàm răng” của lưỡi cào sẽ cắm sâu xuống đáy, công cụ này được nối với hệ thống ròng rọc đặt trên thuyền để thuận tiện cho việc thu hoạch. Những người đánh bắt chỉ việc cho tàu chạy ngang dọc trong vịnh để “hốt” sò lông, nghêu và cả những sinh vật khác nơi chúng đi qua. Việc tận thu bằng phương pháp cày xới tầng đáy này khiến nguồn nước bị khuấy đục, môi trường sống của các loài thủy sinh trong vịnh bị ô nhiễm.

Theo Trạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TX Sông Cầu, các đối tượng khai thác sò rất liều lĩnh. Trong đợt truy quét cuối năm 2010, lực lượng của trạm đuổi bắt một thuyền máy đang khai thác sò thì bị một thuyền khai thác khác có công suất lớn đâm thẳng vào thuyền của trạm để giải vây cho “đồng bọn”, nhưng đến giờ vẫn không xác minh được tung tích vì lúc đó bọn chúng trét bùn để che biển số đăng ký của tàu.

Đức Huy - Ngọc Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.