Thủ tục hành... dân: "Méo mặt" vì các cơ quan công quyền chưa hiểu nhau

16/11/2004 23:43 GMT+7

Báo Thanh Niên ra ngày 26/9/2004 có bài viết Lẽ nào tôi lại bị mất luôn chiếc xe?, phản ảnh về trường hợp anh Trần Tấn Linh, 32 tuổi, tạm trú dài hạn (KT3) tại P.5, Q.8 (TP Hồ Chí Minh) bị Cảnh sát giao thông (CSGT) Q.Bình Tân lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời giam giữ xe 20 ngày vì lỗi điều khiển xe mô tô (biển số 52L8-0122) lưu thông ngược chiều trên đường Kinh Dương Vương.

Theo yêu cầu của CSGT, muốn lấy xe về, anh Linh (và nhiều người khác) bắt buộc phải làm bản kiểm điểm trình bày lại toàn bộ sự việc, cam kết không bao giờ vi phạm nữa, sau đó đem bản kiểm điểm ra cảnh sát khu vực, rồi đến công an phường nơi thường trú hoặc tạm trú ký xác nhận. Sau 20 ngày, đương sự phải mang tất cả giấy tờ liên quan, trong đó không thể thiếu bản kiểm điểm đến trụ sở Công an Q.Bình Tân để làm các thủ tục lấy lại xe. Tuy nhiên, sau năm lần bảy lượt tới lui chầu chực, anh Linh vẫn không lấy được chiếc xe với lý do Công an P.5, Q.8 không... ký vào bản kiểm điểm, trong khi Công an Q.Bình Tân thì một mực bảo: phải có bản kiểm điểm kèm chữ ký xác nhận mới có cơ sở trả xe. Ngày 26/10, trung tá Ngô Minh Châu - Trưởng công an Q.8 có công văn cho biết Công an P.5 không xác nhận vào bản kiểm điểm của anh Linh là hoàn toàn đúng. Vì sao lại có sự "lệch pha" này? Phóng viên Thanh Niên đã ghi nhận ý kiến khác nhau của những cán bộ có trách nhiệm.

- Thượng tá Châu Tấn Tại - Phó công an Q.8: Công an quận, huyện không có quyền ra quy định về xử lý hành chính, như bắt buộc người dân làm kiểm điểm, mà phải thực hiện theo quy định của công an cấp thành phố, tỉnh trở lên. Chúng tôi làm đúng theo Kế hoạch 24/KH-CATP (PV11) do Giám đốc Công an TP.HCM ban hành ngày 28.1.2003 về thực hiện các giải pháp lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự lề đường-kiềm chế và kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông năm 2003. Theo đó, nếu vi phạm các lỗi: "Xe không giấy tờ, phóng nhanh, lạng lách đuổi nhau trên đường, không chấp hành lệnh dừng xe của CSGT, lưu thông dàn hàng ngang, nhỏng đầu xe chạy 1 bánh biểu diễn, xoáy nòng xi-lanh tăng phân khối, dùng pô tăng tốc, còi không đúng quy định...” thì đều phải giữ xe 60 ngày để xác minh nguồn gốc. Đồng thời yêu cầu người vi phạm kiểm điểm có công an phường nơi cư trú xác nhận, đưa ra tổ dân phố kiểm điểm, giáo dục thì mới có cơ sở để xử lý. Còn trường hợp anh Linh không nằm trong Kế hoạch 24 thì Công an P.5, Q.8 không thể ký.

- Thế nhưng CSGT Q.Bình Tân cho rằng họ làm theo khoản 1 điều 3 Quyết định 106/2003/QĐ-UB của UBND TP.HCM ban hành ngày 27/6/2003?

- Thượng tá Châu Tấn Tại: Điều 1 khoản 3 của Quyết định 106/2003/QĐ-UB có quy định người điều khiển xe mô tô, ô tô... đi vào đường cấm, ngược chiều, vượt đèn đỏ, chở quá quy định, không đèn... thì bị phạt hành chính và tạm giữ xe 20 ngày, nhưng tôi không thấy yêu cầu làm bản kiểm điểm. Tôi không dám nói Q.Bình Tân làm sai nhưng ở Q.8 thì không có quy định như vậy. Trong khi chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính thì không nên đặt ra những thủ tục gây phiền hà cho dân. Nếu làm như thế thì bãi xe chúng tôi hết chỗ để.

- Thiếu tá Lại Văn Ba - Đội trưởng Đội CSGT Công an Q.Bình Tân: Kế hoạch 24/KH-CATP quy định với những trường hợp lạng lách đánh võng, nhỏng đầu xe... thì ngoài bị xử phạt giam xe còn làm kiểm điểm tại địa phương. Nhưng riêng với địa bàn H.Bình Chánh, nay là Q.Bình Tân, tình hình tai nạn giao thông tăng đến mức báo động, tập trung trên tuyến đường Kinh Dương Vương, dải phân cách có nhiều đoạn đứt quãng. Lỗi phổ biến nhất dẫn đến tai nạn là do người điều khiển xe 2 bánh băng qua đường rồi lưu thông ngược chiều. Việc xử lý hành chính và giam xe vẫn chưa đủ sức răn đe vì đặc điểm của địa bàn này là tập trung rất nhiều khu công nghiệp với trên 70 nghìn công nhân, mà hầu hết là dân nhập cư, đi xe 2 bánh và thường đi ngược chiều, xử lý tình huống kém. Vì thế Ban chỉ huy công an quận có chỉ đạo, với những lỗi chở ba, không đèn, ngược chiều... phải giam xe và làm bản kiểm điểm có địa phương xác nhận. Chỉ có Q.8 không xác nhận chứ hầu hết các địa phương khác đều xác nhận.

- Thượng tá Phạm Văn Thịnh - Trưởng phòng CSGT đường bộ - Công an TP.HCM trả lời trên Báo Thanh Niên số ra ngày 19/9/2004: Có những hành vi chưa tới mức nghiêm trọng vẫn bị giữ xe như: đi vào đường cấm, chở ba, ngược chiều... Đương sự vi phạm, thân nhân hoặc chủ phương tiện làm đơn xin giảm nhẹ thì bất kỳ đơn gì gửi đến cơ quan thẩm quyền đương nhiên phải có chứng thực của địa phương. Lúc đó, chúng tôi mới có căn cứ để giải quyết, đó là nguyên tắc bắt buộc.

Mỗi cơ quan trả lời theo lý riêng, chỉ có người dân là gánh chịu hậu quả!

Nguyên Đình Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.