Thư bạn đọc tuần qua (27/6-2/7)

03/07/2006 10:15 GMT+7

Do chưa nộp lệ phí thi (15.000 đồng) mà 6 em học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (Đại Lộc, Quảng Nam) đã không được tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 10, đồng nghĩa với việc con đường học tập bị gián đoạn sau 9 năm, ở tuổi thiếu niên. Thất vọng, hoang mang và xấu hổ là tâm trạng chung của các em; còn phụ huynh - quá ngậm ngùi. Sơ suất, tất nhiên là của các em rồi. Nhưng, xét về khía cạnh trách nhiệm và lương tâm, đáng trách lại là những người lớn liên quan. Người đọc hết sức bất bình trước sự việc này, nhất là sau phát biểu của người lãnh đạo nhà trường: "các em đi thi thì chưa chắc đã đậu!".

Vo Tran Hong Thai (hthaiship@yahoo.com): "Thật đau lòng khi tương lai của những người thuộc thế hệ trẻ VN bị cản trở chỉ vì có 15 ngàn đồng! Tôi đề nghị nên cách chức Hiệu trưởng trường và các giáo viên liên quan".

Trần Văn Hòa (hoa4296@yahoo.com, Đà Nẵng): "Thật đau xót! Tôi dùng từ đau xót đây không chỉ là nói đến nỗi đau cho các em đã bị dở dang đường học mà còn đau xót hơn cho nền giáo dục nước nhà".

Vo Ngoc Tu (tuthtu@yahoo.co.nz - Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM): "Thật không thể tưởng tượng có những nhà giáo như thế: "ai biểu không nộp tiền nên họ không cho thi" (giáo viên chủ nhiệm), "đi thi thì chưa chắc đã đậu" (hiệu trưởng) - Những suy nghĩ ấu trĩ, thiếu trách nhiệm, thiếu cái nhân, cái tâm của nhà giáo! Làm sao có thể để những người với "cái tâm" như thế đứng lớp dạy dỗ các em được? Chúng tôi đang chờ đợi câu trả lời từ những người có trách nhiệm và thẩm quyền".

Phan Xuân Tâm (tamso_72@yahoo.com): "Đọc bài viết, tôi thấy rất thương tâm cho các em học sinh này. Nhà nước nên xây dựng chế độ bao cấp trong việc cung cấp hồ sơ, lệ phí cho các các em học sinh trong các kỳ thi tuyển kiểu như lớp 9 lên lớp 10... Một trong các quyền của trẻ em là được đến trường, như vậy không thể để sự việc tương tự diễn ra tiếp được nữa".

Lê Phát Quới (quoilp@hcm.vnn.vn): "Tôi chỉ có một điều tự hỏi rằng: trách nhiệm của nhà trường (Ban giám hiệu, hội đồng thi), các thầy cô giáo ở đâu ? Trường nghèo đến nỗi không ứng ra chỉ ngần ấy tiền để đóng dùm (hay có thể giúp các em - nếu các em nghèo) cho các học trò của mình hay sao ? Thiên tai ở nơi nào đó làm thiệt hại đến tài sản và sinh mạng con người, cả nước cùng nhau giúp đỡ để khắc phục khó khăn - thể hiện tấm lòng lá lành đùm lá rách. Thế mà các thầy, cô lại bỏ rơi học trò của mình! Thật sự đau lòng cho các em, và cũng thật sự đau lòng cho nền giáo dục chúng ta!".

Nguyễn Hải Anh (carrothappy25@yahoo.com.vn): "Sự vô trách nhiệm của những người làm thầy đã góp phần đẩy các em chỗ tối của cuộc sống. Hy vọng qua sự việc này, ngành GD của tỉnh Quảng Nam nói riêng và các địa phương khác cũng như cả nước sẽ rút được một bài học về cách quản lý".

Le Thanh Hai (thanhhai2002@.yahoo.com - P.Sơn Phong, Hội An, Quảng Nam): "Đọc bài báo, tôi đã bị "sốc", bị sững sờ trước cách trả lời vô trách nhiệm của ông hiệu trưởng. Việc khuyến khích học tập, nâng cao dân trí là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn dân, toàn Đảng, nhất là giai đoạn hội nhập WTO hiện nay của đất nước ta; ngành giáo dục đang không ngừng cải cách để bắt kịp các nước khác trên thế giới, vậy mà còn có những người làm giáo dục như một số thầy cô chủ nhiệm của các em không được thi và ông hiệu trưởng trường THCS Võ Thị Sáu thì thử hỏi sao nước ta không nhỏ được".

Nhiệt tình hưởng ứng quyết định mở rộng việc thu phí tạm dừng đối xe ô tô trên nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bạn Nguyễn Văn Dũng (nguyenvandzung2000@yahoo.com, Hà Nội) có thư: "Tôi cho rằng, với việc làm này, TP Hồ Chí Minh lại một lần nữa xứng đáng là người đi trước người tiên phong trong việc xây dựng một xã hội văn minh lịch sự. Tôi có thêm một vài ý kiến sau: Thứ nhất nên quy định thời gian đỗ xe căn cứ vào mật độ xe và tình trạng ùn tắc giao thông (nếu có). Theo đó, tuyến đường nào quá đông thì chỉ cho đỗ theo giờ quy định (ví dụ từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều) và chỉ được phép đỗ tối đa là 30 phút hay 1 giờ; tuyến đường không gây tình trạng tắc đường thì cho đỗ thời gian dài hơn và rộng hơn ví dụ 9 giờ sáng tới 4 giờ chiều hoặc 24/24 và thời gian đỗ là 2 giờ. Mức phí cũng nên được thu bằng máy tự động để tránh tình trạng tham nhũng và tận thu được ngân sách cho thành phố. Tiền thu được phải sử dụng đúng mục đích như cải tạo đường xá, tu bổ các vị trí đỗ xe, sơn lại các biển báo, các chỉ dẫn rõ ràng, hiện đại hóa các phương tiện như máy thu tiền tự động, huy động các lực lượng thanh tra kiểm tra các thời gian đỗ xe. Việc làm này nên nhân rộng không những ở quận 1 mà còn ở tất cả các quận khác trong thành phố rồi nên nhân rộng cho tất cả các thành phố khác trên cả nước".

Do khai man lý lịch, phần học vấn - bằng cấp, các ông Trần Văn Hồng (nguyên Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Lê Chân, TP Hải Phòng) và Phạm Văn Hận (nguyên Phó chủ tịch UBND quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đã phải nhận hình thức kỷ luật cách chức, cảnh cáo, miễn nhiệm. Tuy nhiên, theo bạn Nguyễn Anh Hùng (wiganclub2006@yahoo.com) thì đây là một hình thức kỷ luật quá nhẹ đối với hành vi không trung thực này. Bạn Hùng viết: "Theo ý kiến riêng tôi, đa số những người khai man, nói không đúng sự thật, mà đặc biệt là những người có chức có quyền thì không những cách chức mà phải cho nghỉ việc. Vì những người này sẽ làm cho người dân và chính tôi không tin vào những người làm luật nữa. Cần phải xử lý triệt để vấn đề này". 

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.