Thư bạn đọc tuần qua

08/08/2005 16:46 GMT+7

Qua 3 tuần cải tiến tăng 4 trang (giá không đổi), mỗi ngày một chuyên đề đề cập đến những nội dung được đông đảo bạn đọc quan tâm: từ những vấn đề rất gần gũi, đời thường như chuyên đề dành cho bạn gái, đến những vấn đề nóng mang tính thời sự được quan tâm nhiều nhất qua từng thời điểm như vấn đề thi cử, chuyện học hành trong thời gian qua…, Báo Thanh Niên đã ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, tín nhiệm của bạn đọc. Sự ủng hộ này thể hiện ở việc bạn đọc mua báo Thanh Niên nhiều hơn; lượng thư từ phản hồi, phản ảnh, cộng tác ngày càng dày đặc, và rất nhiều thư cảm ơn, bày tỏ sự đồng tình…

Chúng tôi xin đăng nguyên văn một thư ủng hộ của bạn đọc tên Minh Nguyên dưới đây như một lời cảm ơn đến đông đảo bạn đọc nói chung và bạn Minh Nguyên nói riêng:

“Cám ơn Báo Thanh Niên

Gia đình tôi đặt báo tháng và tôi là độc giả mỗi ngày của Báo Thanh Niên. Tôi nhận thấy đợt cải tiến lần này của Báo Thanh Niên đã thật sự làm một cuộc "cánh mạng", trong bối cảnh mà giá cả thị trường đang có xu hướng nhích lên từng ngày thì việc tăng thêm 4 trang in màu mà không tăng giá bán khiến cho tôi rất cảm động. Nhưng hơn thế nữa, nội dung của những trang báo mới rất hay, rất thiết thực cho cuộc sống hiện đại ngày nay qua từng chuyên đề mỗi ngày. Tôi chân thành cám ơn Báo Thanh Niên và mong rằng quý Báo luôn là người bạn thân thiết của mỗi gia đình”.

Sau đây là rất nhiều nội dung liên quan đến những vấn đề báo chí đã đề cập và những phản ảnh của bạn đọc mà Thanh Niên nhận được trong tuần qua:

Trường hợp một du khách bị mất tích sau đó được phát hiện đã thiệt mạng trên núi Tàkouk (Bình Thuận) khi đang trong hành trình một tour du lịch, nhưng thân nhân của người này (cùng trong đoàn đi) đã bị cả lái xe của đoàn du lịch và công ty du lịch sở tại bỏ mặc đã gây bất bình ngay cả với những người trong ngành du lịch. Bạn Phan Khac Hung (35 lô G, Thanh Đa, TP.HCM) lên tiếng: “Chúng tôi là những người làm công tác du lịch, thật sự rất bất bình với hành động của đơn vị tổ chứa tour này. Tôi đề nghị Sở Du lịch xem xét lại tư cách pháp nhân của đơn vị này, vì đây là một hành động vô trách nhiệm, vô lương tâm đối với khách hàng. Không thể để một con sâu làm rầu nồi canh được. Chúng ta đang nỗ lực quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế để thu hút du khách trong và ngoài nước, vậy mà một đơn vị như thế sẽ làm cho du khách mất hết lòng tin đối với ngành du lịch. Tôi đề nghị phải phạt thật nặng những đơn vị làm ăn kiểu này, kể cả lái xe và người điều hành, hướng dẫn đoàn. Đây là ý kiến của tập thể đơn vị du lịch chúng tôi”.

Đồng tình ủng hộ chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nhiều bạn đọc đã góp thêm ý kiến xung quanh chiếc mũ bảo hiểm:

Bạn Nguyen Van Thanh có thư: Những việc cần làm trước khi bắt buộc đội mũ bảo hiểm

Hoan nghênh chỉ đạo của Phó thủ tướng về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường. Nhưng để chủ trương này đạt được mục đích là bảo vệ người tham gia giao thông khi có tai nạn xảy ra cần:

- Phải bảo đảm rằng trước ngày chỉ thị có hiệu lưc thi hành có đủ mũ bảo hiểm chất lượng tốt, phù hợp với khí hậu, có tính thẩm mỹ cao, giá cả hợp lý để tất cả những người tham gia giao thông đều có thể mua.

- Quy định các trường hợp miễn trừ hợp lý, ví dụ: đưa người đi cấp cứu, cô dâu đi làm tóc trở về v.v… và các trường hợp khẩn cấp khác.
 
- Có thời gian cảnh báo hợp lý trước khi chế tài...

- Ngăn ngừa các trườp hợp lợi dụng quy định này để trục lợi".

Cũng quan tâm đến vấn đề này, bạn Nguyễn Quỳnh cho rằng cần cải tiến mũ bảo hiểm cho phù hợp.  Theo bạn, “Mũ bảo hiểm trên thị trường ta hiện nay là loại sử dụng ở các nước ôn đới nên không phù hợp với xứ nhiệt đới ở Việt Nam. Nếu ai đó phải đội mũ trong thời gian lâu, đặc biệt là khoảng thời gian từ 11 giờ đến 14 giờ sẽ rất khó chịu vì nhiệt độ trong mũ có thể đạt tới hơn 50 độ C (độ bách phân) vì mũ rất kín, không thông thoáng.
 
Theo như nghiên cứu ở Mỹ, nhiệt độ ngoài trời là 28 độ C, cửa xe hơi đóng kín trong vòng 1 giờ thì nhiệt độ đạt tới 56 độ C và có thể làm chết trẻ em nếu bị hốt trong xe. Chiếc mũ bảo hiểm cũng trong tình trạng kín tương tự, nhiệt độ vùng đỉnh đầu rất cao. Khi đội muốn không khó chịu phải nhấc mũ lên cho thoáng.

Nên chăng cho phép đội mũ bảo hiểm dùng cho các công nhân xây dựng khi đi xe máy. Với loại mũ này tôi thấy thoải mái và có thể đội đi bất cứ đâu. Còn mũ bảo hiểm được bán ra không thể đội lâu được.

Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng quy định tiêu chuẩn sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết của Việt Nam và cũng để chấp hành quy định của Chính phủ”.

Về trường hợp xe buýt cán trọng thương người đứng “cản” trước đầu xe xảy ra trên địa bàn TP.HCM, rất nhiều bạn đọc đã lên tiếng lên án hành vi vô lương tâm này của chủ xe, đồng thời người dân cũng lên tiếng thể hiện sự bất bình với cách hành xử của “giới” xe buýt trong tham gia giao thông lâu nay.

Bạn Khuong cho rằng: “Nếu còn để tình trạng xe buýt lộng hành trên đường như hiện nay thì việc xe buýt cán làm trọng thương làm chết người và tài xế xe buýt bị tấn công hay ẩu đả giữa tài xế xe buýt và người đi đường… gây mất an ninh trật tự, mất an toàn cho người tham gia giao thông là chuyện khó tránh khỏi”.

Bạn Nguyễn Minh có ý kiến: “Hiện tượng tài xế có thái độ" lưu manh", coi thường sinh mạng người đi đường và vi phạm luật giao thông như lấn tuyến, vượt đèn đỏ,... là chuyện xảy ra thường xuyên, trên mọi tuyến. Đề nghị xử lý thật nghiêm theo luật pháp, chứ không thể chỉ xử lý nội bộ, cảnh cáo, buộc thôi việc”.

Bạn Dương Phúc Trung (ở Nguyễn Du, P.7, Gò Vấp, TP.HCM) cũng có đề nghị “phải xử lý bằng những biện pháp chế tài nghiêm minh đối với các trường hợp tài xế xe buýt vi phạm luật giao thông, coi thường tính mạng người khác, vì đây là một phương tiện vận chuyển công cộng hữu ích, được trà nước đầu tư và chắc chắn sẽ còn phát triển trong tương lai”.

Các bạn Hoang Khoa ở Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM; bạn N.L; bạn Huong ở số ĐT 2905034; bạn Minh Nhat ở Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM; bạn  Phan Tuan Huy ở Ba Tháng Hai, P.11, Q.10, TP.HCM; bạn Nguyễn Minh… cũng đưa ra những ý kiến tương tự quanh hiện tượng này.

Góp ý kiến chống tham nhũng

Chúng tôi đồng ý với ý kiến của bà Vân (An Giang), trước nguy cơ mất còn, Đảng phải trực tiếp lãnh đạo, tổ chức chỉ đạo cho nghiêm túc, hiện quả, đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi bộ máy nhà nước, đòan thể, trong hệ thống chính trị, Quốc hội cũng phải sắn tay áo lên mà tuyên chiến, thể hiện Quốc hội của dân, vì dân, do dân, kiên quyết chống và gạt bỏ những phần tử thóai hóa, cơ hội đang chiếm quyền chức, đục khoét của dân, thách thức chúng ta. Quốc hội phải đứng đầu, điều phối họat động chống tham nhũng. Không thể để tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi trong lĩnh vực quan trọng này được.

Bạn Đình Trung có thư phản ảnh FPT không tôn trọng khách hàng

"Nhà chúng tôi thuê đường truyền ADSL của FPT với thuê báo trọn gói 500.000 đồng và 10% VAT (dù rằng không thấy hóa đơn VAT). Tuy nhiên qua tháng 7 thì chúng tôi bị cắt đường truyền mà không nhận được bất cứ thông báo gì về điều này. Thời gian này tôi đi công tác nên ở nhà cũng ít sử dụng. Đầu tháng 8 tôi trở về và đề nghị FPT mở lại thì họ bắt chúng tôi phải đóng tiền tháng 6 (điều này đúng) và tháng 7 (sai hoàn toàn vì tháng này họ đã cắt đường truyền của chúng tôi) thì mới mở đường truyền lại. Họ lý giải là khi họ cắt tại sao chúng tôi không thông báo cho họ biết. Thật quá vô lý vì chính họ cắt mà không thông báo với tôi. Tôi vẫn không hiểu nổi họ làm ăn như thế nào nữa. Khi hòa mạng thì quảng cáo rùm beng nào xem phim miễn phí, nào tin tức kịp thời nóng hổi… Nhưng khi đã được khách hàng rồi thì không tôn trọng khách hàng. Bỏ thì chúng tôi bị thiệt hại vì đã đóng phí hòa mạng hết 1.320.000 đồng mới mấy tháng nay”.

Hiện hầu hết các trường đại học đã công bố điểm của thí sinh dự thi. Đây cũng đang là vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Không chỉ là việc đỗ - trượt như thế nào, nguyện vọng 2 – 3 ra sao, không đậu thì học gì, làm gì… mà nhiều người còn đưa ra những vấn đề, ý kiến, những điều cần rút kinh nghiệm… rất đáng để cơ quan chức năng và tòan xã hội quan tâm.

Thư bạn Nguyễn Minh: ”Tôi là một người ở trong nghành giáo dục, qua một số bài báo có ý kiến cho rằng đề thi ĐH 2005 quá dễ, điểm cao cũng rớt, tôi thấy cần có một số ý kiến :

+ Chủ trương của Bộ GD-ĐT ra đề theo chương trình phổ thông là hoàn toàn hợp lý, vì nếu không thì học sinh bị quá tải và vấn nạn "học thêm" sẽ rất trầm trọng.

+ Cả nước có bao nhiêu học sinh học trường chuyên, lớp chọn mà chúng tôi vẫn thường gọi là "gà nòi", chỉ có gần 100 thí sinh đạt điểm tối đa đâu gọi là cao, nếu tính kỹ còn có khi thấp nữa là khác.

+ Kỳ thi ĐH là kỳ thi mang tính chất "tuyển", nên khó hay dễ thì tác động cũng như nhau.

+ Theo tôi bộ GD-ĐT nên tiếp tục ra đề theo hướng này, cần có 1 câu khó để phân loại và nhiều câu nhỏ, liên quan tới nhiều vấn đề cơ bản để HS giải quyết vì cuộc sống bây giờ cần những con người biết giải quyết thuần thục và sáng tạo các công việc cơ bản của mình”.

Qua nội dung trả lời báo chí của ông Trần Vĩnh Lộc, - Giám đốc điều hành CLB Khatoco Khánh Hòa, bạn Trần Viết Phú cho rằng “Khánh Hoà đã gài bẫy Huda Huế”. Thư bạn viết: “Xem bài về bản tường trình của Hồ Minh Đồng tôi càng thêm tin rằng đội Khánh Hoà đã cố tình gài bẫy cho đội Huda Huế qua ông Trân, Giám đốc Sở TDTT TT-Huế. Như Đồng tường trình, có một điện thoại lạ bảo anh gọi vào máy ông Trân, anh Đồng không biết là ai gọi mà vẫn làm theo như vậy là vô lý. Nếu ông Trân cố bắt liên lạc với Đồng thì sao người ở số máy lạ đó không yêu cầu Đồng gọi vào số máy bí mật của ông Trân. Như vậy đây đúng là một cái bẫy giăng ra cho đội Huda Huế thông qua ông Trân, nhằm làm mất nhuệ khí cho đội Huda Huế trước trận đấu và nếu KH thua thì đó là con bài khác như một số bài báo đã nêu. Đây là một điều rất nguy hiểm, là một dạng của tội phạm có tổ chức và có cả lôi kéo ngành công an vào nữa.

Chúng tôi thấy nên đưa ra hướng sử lý như sau:

1. Chuyển đội KH xuống thi đấu vào giải hạng nhì trong năm tới vì có hành vi phi thể thao trong việc gài bẫy cho đội Huda Huế thông qua ông Trân.

2. Miễn nhiệm chức UVBCH LĐBĐVN của ông Trân, về chính quyền nên cách chức Giám đốc Sở TDTT TT-H. Ông Trân tuy là nạn nhân trong vụ này nhưng không báo cáo cấp trên khi có người móc nối.

3. Với đội Huda Huế, có thể giữ nguyên điểm vì không liên quan trực tiếp đến vụ việc này.

Mong ông Tổng thư ký mới của LĐBĐVN thẳng tay trong vụ này dù cha ông ấy là GĐ CLB Khánh Hoà Khatoco.

Rất mong ý kiến tôi được các cơ quan chức năng và công luận xem xét”.

Không đồng tình với một trong những biện pháp quản lý cầu thủ bóng đá, bạn Nguyen Cao Tang có ý kiến: “Gần đây khi các giải bóng đá các hạng đi vào giai đọan cuối, giai đọan sinh tử, lãnh đạo các đội bóng thường áp dụng việc thu giữ điện thọai di động của các cầu thủ, và họ cũng coi rằng đây là biện pháp hữu hiệu để chống tiêu cực. Tôi thấy thương và tội nghiệp các cầu thủ quá. Họ cũng là con người, họ cũng có gia đình, cha mẹ, vợ con để liên lạc. Chẳng lẽ sau một ngày tập luyện mệt nhọc họ không có quyền gọi về nhà để được nghe tiếng ê a của con trẻ, để được hỏi thăm sức khỏe cha mẹ già? Nghề nghiệp của họ cũng bình thường, không đặc biệt đến nỗi phải cách ly với thế giới bên ngòai như vậy. Chẳng lẽ các nhà quản lý thời nay bất lực đến độ không tìm được phương cách quản lý nào mang tính nhân bản hơn sao?”.

Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tại hội thảo chuyên trách thảo luận dự án Luật Nhà ở của Quốc hội được đón nhận như một ý kiến rất hợp lòng dân. Bạn Nguyễn An đã có thư:

“Hoan hô ông Chủ tịch Quốc hội

"Ăn cơm của dân, đi xe của dân mà gây phiền hà cho dân thế này là không chấp nhận được!". Hoan hô ông Chủ tịch quồc hội, nếu ông cán bộ nào cũng biết nghĩ như ông thì người dân đỡ khổ biết bao, và đất nước chúng ta mới có cơ may vươn lên được. Xin mạo muội mở rộng ý của ông Chủ tịch Quốc hội: "Đầy tớ ăn cơm của dân, đi xe của dân mà gây phiền hà cho dân thì thật là một đầy tớ phản phúc”. Một lần nữa hoan hô ông Chủ tịch Quốc hội đã có những ý kiến thật hợp lòng dân”.

Bạn Trần Văn Đạt ở thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái, Phú Ninh, Quảng Nam có thư phản ảnh:

"Chuyện ai cũng thấy, nhưng không ai làm

Tôi là một người dân trong xã. Vừa rồi, địa phương tôi xây dựng trường THCS Phan Tây Hồ, các học sinh đều phải đóng góp tiền để xây dựng trường. Đến nay, trường đã được xây xong, nhưng không thể đưa vào sử dụng đượo bị nứt vách quá nhiều. Thiết nghĩ, trách nhiệm trong việc này phải thuộc về ai đó, hay một bộ phận nào đó, nhưng đến giờ, không có một ai đứng ra chịu trách nhiệm về việc này. Trường xây xong, nhưng không thể học đượ, trong khi đó, các học sinh đang háo hức với ngôi trường vừa mới xây xong. Điều nay khiến tôi không thể đồng ý được. Chúng ta đang sống trong một xã hội đòi hỏi chống tham những, nhưng có những con sâu, con mọt đang đục khoét trong dân - trước mắt - ra đó nhưng không có một cấp, chính quyền nào đứng ra giải quyết. Bà con hiện nay hết sức bất bình”.

Bạn đọc tên Long có thư đề xuất một giải pháp trong việc hiện đại hóa công tác bán vé xe lửa. Đó là đặt vé qua mạng Internet. Bạn viết: “Trong khi số lượng điện thoại trực nghe máy quá ít mà nhu cầu mua vé tàu của mọi người dân thì rất nhiều và đa dạng, theo tôi thì nên lập một trang web đặt mua vé trên mạng giống như đặt mua vé máy báy vậy. Với cách này người dân có thể dễ dàng đặt mua vé bất cứ lúc nào mà không sợ bị trường hợp như trên là "máy bận", hơn nữa với cách thiết kế cách đặt vé một cách khoa học người dân có thể dễ dàng tìm và đặt được vé đúng với nhu cầu của mình. Tôi hiểu cách đặt vé qua Internet sẽ đòi hỏi người đặt vé phải có trình độ nhất định trong việc sử dụng Internet và đòi hỏi phải lên mạng Internet. Nhưng tôi nghĩ cái đó chưa phải là một vấn đề quá khó đối với người dân. Tôi nghĩ đây chính là điều kiện thuận lợi để phổ cập phát huy những tác dụng to lớn của Internet vào cuộc sống, khi thấy được tác dụng của nó người dân sẽ rất vui vẻ tiếp nhận”.

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.