Thư bạn đọc tuần qua (17-23/10)

23/10/2006 14:56 GMT+7

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, trong tuần qua, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có chỉ đạo yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra tài chính và công tác xuất bản SGK của NXB Giáo dục. Hy vọng rằng sau cuộc rà soát này, công tác biên soạn, xuất bản và phát hành SGK sẽ có nhiều đổi mới theo hướng ổn định về chất lượng cũng như giảm thiểu sự lãng phí về kinh tế.

Những ý kiến dưới đây của bạn đọc Thanh Niên xung quanh vấn đề SGK cũng là nhằm góp phần đổi mới công tác biên soạn, xuất bản và phát hành SGK:

Nguyễn Vũ (ĐHQG Hà Nội): "Theo tôi, để khắc phục tình trạng độc quyền trong xuất bản SGK, có mấy bước cần thực hiện như sau:

1) Tách hoàn toàn công việc xây dựng, hiệu chỉnh chương trình, biên soạn và sửa chữa SGK khỏi việc xuất bản và phát hành SGK. Toàn bộ các việc thứ nhất giao cho Hội đồng quốc gia về chương trình và SGK thực hiện; toàn bộ các việc thứ hai giao cho tất cả các NXB thông qua hình thức đấu thầu.

2) Cụ thể, Hội đồng Quốc gia về chương trình và SGK (hoặc Ban Tu thư) có trách nhiệm xây dựng 1 hệ thống chương trình thống nhất, ổn định dài hạn, trên cơ sở đó tổ chức biên soạn 1 bộ SGK để sử dụng (thông qua việc đặt hàng hay đấu thầu giữa các nhóm tác giả để lựa chọn), và quyết định số lượng SGK cần xuất bản hay tái bản hằng năm (căn cứ vào số học sinh). Như vậy, Hội đồng Quốc gia và các tác giả phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước nhà nước về chương trình, nội dung, chất lượng và số lượng của SGK mới hay SGK tái bản (chứ không phải là các NXB hay biên tập viên của các NXB, trừ khi đấy là các lỗi chế bản hay in ấn).

3) Sau khi nghiệm thu và có kế họach xuất bản (xác định số lượng xuất bản), Hội đồng Quốc gia tổ chức đấu thầu giữa các NXB. NXB nào có khả năng in ấn với chất lượng cao, giá thành rẻ, biên tập tốt (chủ yếu biên tập kỹ thuật) sẽ được Hội đồng lựa chọn ký hợp đồng. Lúc này giữa các NXB chủ yếu cạnh tranh với nhau về chi phí, kỹ thuật biên tập và in ấn, chuyện biên tập về nội dung chuyên môn không còn quan trong nữa (vì đó là thuộc phạm vi trách nhiệm của tác giả và Hội đồng thẩm định). Nếu được lựa chọn, các NXB sẽ chịu sự giám sát của Hội đồng Quốc gia và của toàn xã hội.

Tôi cho rằng có làm như trên mới hy vọng có được một hệ thống chương trình và một bộ SGK ổn đinh, mới xóa bỏ được độc quyền vô lý hiện nay của NXB Giáo dục, mới tạo điều kiện cho các NXB được cạnh tranh bình đẳng trong việc xuất bản SGK mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng SGK, không tạo nên sự hỗn loạn cho người sử dụng SGK và cho cả thị trường (vì có nhiều bộ SGK, vì các NXB bản in mới vượt quá yêu cầu hoặc các NXB tự ý sữa chữa để tái bản v.v...)".

Nguyễn Duy Thành (63A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM): "Đọc bài viết "Trăm dâu đổ đầu... học trò" tôi thấy rất hay. Đây cũng là bức xúc từ rất lâu của tôi và nhiều người bạn của tôi về việc thay SGK. Tôi năm nay đã 32 tuổi. Thời tôi đi học, "trợ giảng" cho bài học về về tính tiết kiệm có nhiều chương trình như kế hoạch nhỏ, tặng sách cũ cho thư viện để các bạn học sinh nghèo và gia đình đông con có cơ hội được sử dụng SGK cũ trong những năm sau... Với việc thay SGK như thay áo, các cháu nhà tôi muốn tặng SGK cũ cho các học sinh nghèo cũng không có ý nghĩ gì hết. SGK thì thay đổi liên tục sẽ có ích lợi gì trong cải cách giáo dục (một số trường còn yêu cầu năm học mới thì phải sử dụng SGK mới, không được dùng sách cũ) hay chỉ là cơ hội làm giàu cho một bộ phận nào đó, tạo ra tiêu cực , lãng phí... ? Thế hệ học sinh hôm nay là tương lai của đất nước sau này có được giáo dục tốt về tư tưởng và đạo đức hay không là tùy thuộc vào cách chúng ta giải quyết việc "cải cách giáo dục" như thế nào!".

Trang Nguyên (1 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội): "Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thực hành tiết kiệm và chống lãng phí từ việc biên soạn và phát hành SGK. Cứ vài ba năm lại biên soạn lại SGK một lần như thế tốn kém cho Nhà nước và cho dân quá, chỉ có lợi cho các công ty sản xuất giấy thôi vì họ có nguồn nguyên liệu dồi dào từ SGK "hết đát". Theo tôi, trong một nền giáo dục của một nhà nước chỉ nên thống nhất một loại sách giáo dục chính thống. Chúng ta chỉ cần nghiên cứu xem phương pháp giảng dạy và truyền đạt thế nào để việc học của học sinh được nhẹ nhàng hơn và tiếp thu được nhiều kiến thức hơn. Trong chương trình cải cách giáo dục hiện nay (con tôi đang học lớp 3) tôi thấy hầu hết thời gian trên lớp các cháu học môn Toán, tiếng Việt là chính, các môn phụ gần như không còn thời gian để học. Cô giáo cháu nói chương trình quá dài nếu không làm thế thì không chạy kịp giáo án. Chúng ta đã có Viện Khoa học giáo dục, có các chuyên viên chuyên nghiên cứu về các cấp học. Hằng năm chúng ta đều có kinh phí để các vị chuyên viên này đi ra nước ngoài nghiên cứu, tìm hiểu về giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới, vậy mà sao chúng ta vẫn loay hoay mãi về cải cách SGK thế?".

Một trong những thông tin đăng tải trên Thanh Niên Online được bạn đọc phản hồi nhiều nhất là vụ việc một học sinh của Trường THCS Bình Ngọc, TP Tuy Hòa (Phú Yên) bị công an xã Bình Ngọc hù dọa, đánh đập, xét hỏi trong suốt 21 giờ do bị nghi ăn cắp điện thoại di động. Vô cùng bất bình trước hành vi xâm phạm thân thể và nhân phẩm của trẻ em này, rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ với Thanh Niên Online, gồm: Dương Phước Quang Minh (97 Tôn Thất Đạm, Q.1, TP.HCM), Tan Lo (lotrinhvn@yahoo.com - Bình Thuận), Lê Duy Đông (ld_dong308@yahoo.com - Astralia), Hung Hung (vanhungdn@gmail.com), Phạm Thanh Hậu (Gò Vấp, TP.HCM), Lê Thanh Bình (Hà Nội), Thai Hoa (Sóc Trăng - 0983890007); Lê Văn Chương (levanchuong70@yahoo.com - Long An); Q.Tính (quytinhex@yahoo.com); Nguyễn Quốc (P.7, TX Bến Tre, Bến Tre); Ngọc Lân (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên); Nguyễn Hải Tân (Hà Nội - 0904664624); Tran Phong (tranhuuluongphong@yahoo.com.vn); Trương Văn Bình (K366/29 Hùng vương -Đà Nẵng) v.v…

Vấn đề hộ khẩu một lần nữa lại được đặt ra trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI. Trong phiên thảo luận dự Luật Cư trú, ĐB Lê Quốc Trung (Bình Thuận) đề nghị phải quy định mạnh mẽ trong luật rằng "cấm sử dụng hộ khẩu ngoài lý do quản lý cư trú". Rất nhiều đại biểu đã có những ý kiến tương tự, đồng tình với ý kiến trên. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ thực hiện như thế nào?  Người dân, qua Thanh Niên Online, đã có những đề xuất rất đáng được quan tâm:

Trương Quốc Hùng ( hungquoctruong@gmail.com): "Bây giờ chỉ cần quy định rõ ràng chi tiết việc nào cần có hộ khẩu tại địa phương, việc nào cấm lạm dụng hộ khẩu là xong ngay".

Bạn Huynh Tan Tam <NAMVN9@YAHOO.COM> đề nghị mỗi địa phương cấp phường có một địa chỉ để đăng ký hộ khẩu dành cho những người vì lý do nào đó không có nơi nào để đăng ký hộ khẩu. Những chi phí phát sinh cho việc thực hiện các thủ tục hành chính và quản lý  địa chỉ này sẽ do những người đăng ký đóng góp.

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.