Thư bạn đọc tuần qua

26/09/2005 22:07 GMT+7

Làng" viễn thông di động lại một lần nữa "dậy sóng" vì đợt khuyến mãi "lớn chưa từng thấy" của Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel. Xung quanh sự kiện này, dư luận xã hội đang tồn tại nhiều cách nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng nguyên ý những thư bạn đọc đã tiếp nhận trong tuần qua, về vấn đề này:

Đỗ Thanh Nguyên ở 81/3 Đồng Nai, Nha Trang (Khánh Hòa): “Theo thông tin mà Viettel Mobile đưa ra: "Dung lượng phần vô tuyến của mạng 098 hiện nay đã là 3 triệu thuê bao và cuối năm sẽ là 4,5 triệu thuê bao. Hiện nay số thuê bao của Viettel Mobile chỉ mới hơn 1 triệu thuê bao, mạng Viettel đủ lớn để đáp ứng mọi nhu cầu cuộc gọi nội mạng và khó có khả năng xảy ra sự cố nghẽn mạng". Theo tôi, điều này đang xảy ra đối với tôi và một số bạn bè đang sử dụng 098 ở Nha Trang. Khi chúng tôi gọi với nhau (giữa 098) thì một lúc mới có tín hiệu đổ chuông, còn khi đàm thoại thì lại nghe rột rẹt, lúc nghe được, lúc không, điều này trước đây chưa xảy ra với chúng tôi. Đặc biệt là khi gọi với 091 hoặc 090 thì càng tệ hơn. Không biết cuộc điều đình giữa 098 với 091 VNPT như thế nào, nhưng theo tôi, cuộc chiến giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động trên chưa kết thúc. Ai cũng muốn giành thị phần, khách hàng thì trước mắt được hưởng lợi, nhưng về lâu dài thì sao? Liệu tuyên bố của ông Nguyễn Mạnh Hùng có đúng với sự thật hay chỉ là để lôi kéo khách hàng về phía mình?”.

Thư bạn MinhTrung: “Chương trình của Viettel mới nghe thật hấp dẫn. Nhưng hãy tính xem: 55.000.000 cuộc x 3 phút (trung bình mỗi cuộc gọi không tính tiền) x 1.290 đồng/phút = 212.850.000.000 đồng. Thuế phải nộp (10%) = 21.285.000.000 đồng. Vậy Viettel có nộp khoản thuế bị “sử dụng chùa” này hay không? Nhà nước có bị thất thu thuế không? Tiền tỉ chứ chơi đâu. Trong khi xăng dầu tăng giá chóng mặt, là gánh nặng cho Nhà nuớc, thì Viettel lại áp dụng biện pháp cạnh tranh này làm Nhà nước thất thu một khoản thuế đáng kể. Thiệt hại đổ đi đâu?”.

Bạn Nam ở Bình Phước có đề nghị: “Tôi nghĩ đây là một chuơng trình khuyến mại lớn, nhằm khuyếch trương thanh thế và uy tín của Viettel và lôi kéo khách hàng. Nhưng khuyến mại mà cho phép gọi cuộc gọi đầu tiên trong ngày không tính tiền thì thật là lãng phí. Tôi đề nghị hai cách khuyến mại sau: Thứ nhất: Giới hạn thời gian gọi (10 phút chẳng hạn), như thế khách hàng cũng đã cảm thấy thoải mái lắm rồi. Thứ hai: Giảm giá cước của cuộc gọi đầu tiên trong ngày như có thể tính bằng 1/2 hay 1/3 bình thường. Như vậy khách hàng vẫn được lợi mà cũng không quá lãng phí, tiền của dù của cá nhân, doanh nghiệp hay Nhà nước cũng đều cần được sử dụng tiết kiệm cả”.

Bạn Trương Tiểu Long ở số điện thoại 0983 998683 có thư: “Theo thông tin của báo Thanh Niên ngày 20/9 vừa qua về "món quà đặc biệt của Viettel", chúng tôi - những người sử dụng mạng điện thoại di động Viettel vô cùng vui mừng. Đúng vậy, đây là món quà mà chưa bao giờ người sử dụng điện thoại từng thấy. Thế nhưng báo Thanh Niên đã nghi ngờ về khả năng mạng Sever của Viettel liệu có bị quá tải không khi mà hàng tỉ block 6 giây được mọi người sử dụng ồ ạt dùng? Đúng vậy, điều lo ngại đó đã trở thành sự thật, tôi đã gọi điện cho bạn bè tôi mà phải gọi tới 12 lần mạng mới thông. Tôi không chắc chắn mình sẽ được gọi "chùa" nên phải gọi 198 để hỏi xem số tiền trong tài khoản có tăng không, đúng là không tăng nhưng khổ một nỗi là gọi 198 phải gọi tới hơn 20 lần liên tiếp mà máy vẫn báo là Net Work Busy (Mạng bận). Người tiêu dùng chúng tôi chỉ mong sao mạng thông tin Việt Nam ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng một cách thực sự chứ không chỉ ở những “chiêu” khuyến mại hoành tráng. Tuy nhiên dù sao chúng tôi, những khách hàng Viettel cũng chân thành cảm ơn nhà cung cấp về món quà này”.

Bạn Nhat Long phản ảnh: “Tôi mới đăng ký dịch vụ Viettel được 7 ngày. Được thông tin Viettel miễn phí 100% cuộc gọi đầu tiên trong ngày, tôi phấn khởi gọi cho bạn ở xa. Đang nói chuyện đột nhiên mất liên lạc. Kiểm tra lại, trong tài khoản đã hết tiền. Gọi ngay cho số 2930000 để được hướng dẫn thì máy treo, tiếp đó nhấn số 2930002 thì nhận được câu trả lời là không thuộc phận sự, hãy gọi cho 198. Liên lạc với 198 thì luôn luôn kẹt máy, chẳng có người trả lời. Thất vọng cực kỳ, mong Viettel quản lý và thực hiện khâu chăm sóc khách hàng cho tốt”.

Trước vấn đề đặt ra: Viettel có vi phạm "luật chơi"?, bạn Trần Công Bảo có ý kiến: “Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh trong kinh doanh điều tất yếu. Tôi không phải là khách hàng của Viettel nhưng tôi rất đồng tình với chương trình khuyến mại của công ty này. Vì sao ư? Đơn giản: người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, đồng thời cũng sẽ tạo nên thế cạnh tranh trên mặt trận dịch vụ thông tin di động. Việc làm này của Viettel mobile có vi phạm pháp luật hay không thì tôi không dám lạm bàn đến vì đã có cơ quan chức năng xem xét. Tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh khác, đó là đối với Viettel mobile việc khuyến mãi giảm giá này có làm cho tình hình kinh doanh của công ty bị thua lỗ hay không. Tôi nghĩ chắc là không vì chẳng ai dại gì lại chịu lỗ trong kinh doanh như thế. Như vậy thực chất giá thành sản phẩm của Viettel quả là thấp, phù hợp với sức mua của người tiêu dùng. Có thể hiểu Viettel đã chấp nhận chia sẻ lợi nhuận với khách hàng. Như vậy, có nên chăng cần phải xem lại chính sách giá của 2 đại gia của VNPT. Thiết nghĩ nhà nước cũng nên can thiệp để những người tiêu dùng như chúng tôi không bị móc túi một cách hợp pháp nữa. Trước đây, chúng ta thường kêu gọi chống độc quyền bằng mọi hình thức, phù hợp Luật pháp nhưng Viettel Mobile vừa mới tham gia phá thế độc quyền thì lại có nhiều ý kiến tiêu cực hòng dập tắt kế hoạch cực hay của Viettel”.

Bạn Hoàng Việt Cường ở số điện thoại 8424939 tham gia: “Hiện nay tôi là một khách hàng sử dụng dịch vụ của VNPT, tôi thấy phương thức kinh doanh của VNPT vẫn còn dựa vào sự bảo hộ của nhà nước về nhiều mặt. Hiện nay nhà nước mở cửa cho phép tự do cạnh tranh, ngành viễn thông đã có vài đối thủ cạnh tranh với VNPT, tuy thị trường của những công ty này chưa thật lớn nhưng với chiến lược kinh doanh của họ, chắc chắn VNPT không thể không dám coi thường. Đó là tín hiệu đáng mừng, người dân không còn phải sử dụng sản phẩm của "ông" độc quyền nữa. Việc Viettel có vi phạm luật Cạnh tranh, luật Thương mại hay không thì bản thân các chuyên gia kinh tế còn có những ý kiến trái ngược nhau. Dưới góc độ quan sát của một người dân như chúng tôi, cạnh tranh đã mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Khách hàng của Viettel sẽ giảm được một phần chi phí trong cuộc sống hàng ngày. Tôi xin nhiệt liệt ủng hộ Viettel mặc dù tôi vẫn đang sử dụng dịch vụ của VNPT. Hy vọng trong tương lai gần, VNPT cũng sẽ có một chiến lược kinh doanh khôn ngoan để duy trì khách hàng bằng nội lực thật sự của mình”.

Vũ Hoàng Sơn ở số điện thoại 0908114692 đồng tình: “Nếu hiểu giá cước của Mobifone và Vinafone mà khách hàng đang phải gánh chịu là giá trên trời thì sẽ thấy chuyện của Viettel chả có gì phải ầm ĩ. Nhưng hãy cảm ơn họ vì đã trả thị trường về đúng với bản chất của nó, đó là cạnh tranh lành mạnh và đúng nghĩa”.

Một sự kiện văn hóa cũng đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong tuần qua là việc kịch bản Thái Tổ Lý Công Uẩn (đoạt giải nhì cuộc thi kịch bản 1.000 năm Thăng Long) sẽ được dựng thành phim với kinh phí có thể lên đến vài chục, thậm chí vài trăm tỉ đồng. Xung quanh chuyện này cũng có nhiều ý kiến khác nhau: 

Bạn Le Khac Cuong ở 263 Phan Chu Trinh, Đà Nẵng có ý kiến: “Hãy cân nhắc thật kỹ việc làm phim về vua Lê Thái Tổ. Làm được một bộ phim về các nhân vật lịch sử  như Lý Thái Tổ hoặc Trần Hưng Đạo… là rất tốt. Vì nếu phim đạt chất lượng thì người xem không chỉ hiểu biết về nhân vật đó mà còn hiểu rõ hơn về lịch sử nước nhà một cách nhẹ nhàng và ấn tượng. Song trên thực tế những bộ phim lịch sử của ta như Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Điện Biên Phủ hay ngay những bộ phim gần đây như Hà Nội - Điện Biên Phủ hoặc Giải phóng Sài Gòn, mặc dù được nhà nước đầu tư không tiếc tiền, nhưng phim làm quá cẩu thả nên khi xem khán giả bị cảm giác “tiếc tiền” của của Nhà nước. Nên chăng ta áp dụng biện pháp đặt hàng với các yêu cầu về chất lượng, hiệu quả cụ thể đối với những bộ phim lịch sử. Khi phim hoàn thành, đạt yêu cầu (được người xem chấp nhận), kinh phí sẽ được thanh toán gấp đôi”.

Bạn Nguyễn Phước (TP.HCM) cũng băn khoăn: “Rất tiếc là kịch bản phim này không được phổ biến rộng rãi, một việc đáng ra rất nên làm vì đây là phim lịch sử về một nhân vật lịch sử rất lớn, chứ không phải là phim vui về các ông bà vua chúa. Trước hết, loại phim này phải chính xác về nhân vật lịch sử, nếu không thì chỉ nên dùng nhân vật hư cấu trong sự tôn trọng thời gian. Việc này dễ dàng thẩm định nếu trân trọng tham khảo các nhà sử học. Thứ hai, không việc gì phải biến một vị vua thành một võ sĩ nếu không có những bằng chứng rõ ràng. Thứ ba, thà chưa có còn hơn có mà không đúng lịch sử”.

Bạn Nguyễn Thiện thiết tha hơn: “Xin đừng làm phim này! Đề nghị Nhà nước nên dành số tiền đó để làm một điều gì đó hữu ích hơn. Ví dụ thành lập làng Lý Công Uẩn, đắp con đê, làm một công trình thủy lợi hoặc xây một bệnh viện, một trường học mang tên Lý Công Uẩn ngay tại nơi ông sinh thành... Làm phim về Vua Lý Công Uẩn cũng không làm tăng thêm ý nghĩa gì, và cũng không lý giải gì thêm về lịch sử. Người dân Việt Nam từ bấy lâu nay vẫn yêu kính, tôn thờ vị vua có công dời đô này. Việc thành phố Hà Nội đã bỏ công sức, tiền của để tổ chức lễ hội 1.000 năm Thăng Long đã mang một ý nghĩa văn hoá rất lớn. Đề nghị Chính phủ và UBND TP Hà Nội có thể xem xét để nâng tầm vóc lễ hội này thành một sự kiện văn hóa tổ chức hàng năm, hoặc Festival Thăng Long 10 năm một lần. Phim chưa thực hiện, chúng ta chưa thể có bình luận gì về phim được. Nhưng hãy nhìn vào thực tế là phim làm ra có ý nghĩa, mục đích gi? Đây chỉ đơn giản là bộ phim chiếu trong dịp lễ hội hay minh họa cho sự kiện? Phim này chỉ đơn thuần có ý nghĩa với ngành điện ảnh là có sản phẩm nghệ thuật "góp phần" phong phú trong hàng loạt những loại hình nghệ thuật khác. Mặc khác, bộ phim chỉ mang ý nghĩa "tư liệu" minh họa về quá khứ, không thể khẳng định là phim này làm ra thì sẽ nâng tầm nhận thức của người dân Việt Nam về vị vua anh minh này. Như vậy, cho dù minh họa lịch sử hay làm đẹp cho sự kiện cũng không nên làm phim này. Mặt khác, nếu ngành điện ảnh hoặc các nhà làm phim, các nhà sản xuất thấy đề tài này thú vị cần khai thác để phục vụ người hâm mộ thì có thể khai thác khía cạnh lịch sử nào đó của vị vua này để làm phim. Qua đó khẳng định tay nghề khả năng làm phim lịch sử, đồng thời chinh phục được khán giả để thu lợi nhuận. Người dân cần một lễ hội được tổ chức để kỷ niệm, xin đừng bỏ tiền của để làm thêm một lễ hội để "lưu niệm".

Bạn Lê Bảo ở 150/26 Nguyễn Trãi, P.Bến Thành, Q.1 (TP.HCM) thì lại có ý kiến ngược lại: “Theo tôi cho dù kinh phí làm bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn có lên đến hàng tỉ đồng thì bộ phim vẫn có giá trị không chỉ hôm nay mà còn sau này. Tuy nhiên, nếu các đạo diễn và ê kíp làm phim cùng bắt tay nghiên cứu kỹ kịch bản - phân cảnh - chỉ đạo diễn xuất một cách cẩn trọng và nhập tâm thì bộ phim chắc chắn sẽ thành công về mặt lịch sử cũng như sẽ được sự đón nhận của dư luận. Tóm lại, tôi rất ủng hộ cho việc tái hiện hình ảnh Lý Công Uẩn cũng như toàn cảnh lịch sử xưa qua việc dựng thành phim”.

Những nội dung khác qua phản ánh của bạn đọc:

Lại chuyện tiền trường đầu năm, bạn Thanh Ng. ở đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM có thư phản ảnh: “Vào đầu năm học, các gia đình có con em trong độ tuổi đến trường đều lo lắng đến khoản tiền "tự nguyện" do các trường vẽ ra dựa trên sự năng nổ thái quá của một số phụ huynh trong màu áo "Ban chấp hành hội cha mẹ". Tôi xin lỗi vì có câu chữ nào gay gắt nhưng thực sự cứ đến đầu năm học là câu chuyện thiên niên kỷ này lại làm đau lòng các bố mẹ học trò. Tôi có một đứa cháu ruột học ở trường chuyên Lê Hồng Phong TP Hồ chí Minh. Tôi rất không hài lòng với việc thu chi của hội phụ huynh trường. Hình như cứ thu được đồng nào là họ tận chi thì phải. Việc dự thu và chi của trường cơ bản như sau: Số học sinh 2956 em x 160.000 = 472.960.000đ; trong đó xác xuất miễn giảm khoảng 2% là 9.960.000đ; thực thu là 463.000.000đ. Số tiền này sẽ được chi nhiều khoản trong đó chi: Hỗ trợ đời sống GV-CBCNV = 135.000.000đ; lễ, Tết nguyên đán cho GV-CBCNV = 40.000.000đ; lễ Nhà giáo = 20.000.000đ. Tổng cộng chi: 195.000.000đ. Tiền photo tài liệu Hội cha mẹ học sinh toàn trường dự chi là 10 triệu liệu có quá nhiều không? Và còn mục "Chi phí khác 10 triệu" nữa là những chi phí gì ? Trong khi đó việc chi cho học sinh tổng cộng chỉ là: 205.000.000đ. Tiền Hỗ trợ xây dựng lại sân khấu ngoài trời là 23.000.000đ, thực sự có không? Sau đó vào lớp chúng tôi lại "bị" tự nguyện thêm 200.000đ nữa (do một vị hội trưởng đầy tâm huyết hô hào). Ai cũng sợ con bị trù ghét nên cắn răng làm theo. Tức mà không làm gì được vì "tự nguyện" mà. Tôi mong sao phóng viên báo đến điều tra cái vụ này cho chúng tôi đỡ tức. MÌnh bị ép buộc mà cứ bảo mình “tự nguyện” mới oan chứ. Thế rồi họ chi cho đã và cuối năm thiếu lại vận động phụ huynh hỗ trợ nữa. Khổ lắm!”. 

Liên quan đến việc giải quyết chế độ tiền lương cho cán bộ, viên chức, một bạn đọc có thư: “Là cán bộ công nhân viên của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ tháng 10/2004 chúng tôi được hưởng lương theo thang lương mới, nhưng thật ra cho đến tháng 9/2005 chúng tôi vẫn lãnh theo thang lương cũ. Chúng tôi chẳng biết đến khi nào sẽ được lãnh theo thang lương mới, và không biết sự chậm trễ này là thuộc trách nhiệm của bộ phận nào? (Vì một số cơ quan cùng trong Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lãnh theo thang lương mới). Liệu đến bao giớ chúng tôi mới được lãnh theo lương cơ bản 350.000đ (tháng 10/2005) trong khi đợt tăng trước từ cách đây 1 năm rồi vẫn chưa được thực hiện?”.

Không đồng tình với những giải pháp "hâm nóng" thị trường bất động sản của Bộ Tài nguyên - Môi trường, bạn Thanh Tam ở số điện thoại 8227343 có thư: “Theo tôi, ba đề xuất của Bộ TNMT đưa ra để hâm nóng thị trường nhà đất có lẽ chỉ được các nhà kinh doanh đất đai ủng hộ. Những giải pháp này sẽ giúp hâm nóng giá đất đã và đang duy trì ở một mức quá cao như hiện nay và giúp cho những nhà đầu cơ tiếp tục thu những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc đầu cơ kinh doanh nhà đất. Một thực tế là nhu cầu nhà đất ở các đô thị là rất lớn, nhiều người dân chưa có chỗ ở, nhiều gia đình đang ở trong những căn nhà chật hep. Tuy nhiên để mua được các căn hộ hay các lô đất trong các khu đô thị là một điều không tưởng đối với các gia đình có mức thu nhập trung bình, và thậm chí vô cùng khó khăn đối với các gia đình có mức thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân của vấn đề nêu trên là do giá nhà đất ở các đô thị hiện nay bị thổi phồng lên quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân. Thu nhập trung bình của ta ở mức thấp so với các nước trên thế giới, trong khi đó giá đất thì vào loại các đô thị đắt đỏ ở các nước phát triển. Lý do chính của việc thổi phồng giá nhà đất là do việc kinh doanh trong lĩnh vực này không theo đúng với cơ chế thị trường, những nhà đầu cơ lợi dụng cơ chế để đẩy giá lên. Gần đây, việc đấu giá đất được thực hiện ngày một công khai hơn thì giá đất có xu hướng giảm xuống, người có nhu cầu thật sự có điều kiện mua đất một cách trực tiếp mà không phải vòng vèo qua nhiều nấc trung gian. Chúng tôi thấy một điều vô lý là khi người dân không thể chấp nhận với giá nhà đất quá cao, thị trường nguội lạnh, kinh doanh của các nhà đầu cơ bị ảnh hưởng thì Bộ TNMT lại đưa ra những đề xuất chỉ có lợi cho nhà đầu cơ. Nếu những đề xuất này được chấp thuận chắc chắn giá nhà đất sẽ không giảm”.

Nhân ý kiến của học giả Trần Bạch Đằng “Trao đổi rộng trong xã hội chủ trương của Bộ Chính trị về chọn lựa nhân sự BCH trung ương”, bạn Nguyễn Xuân Tuấn Anh ở đường Vũ Thạnh, P.Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa (Hà Nội) có thư bày tỏ: “Theo tôi tình trạng tham nhũng phát triển lan tràn hiện nay mà không thể xử lý được, như một căn bệnh ung thư đang dần dần di căn, một nguyên nhân cực kỳ quan trọng là do cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi trong mọi cơ quan của Đảng, chính quyền, nhà nước quá trầm trong. Tôi nói ví dụ: Một ông vừa là Bộ trưởng, vừa là Ủy viên Trung ương Đảng, vừa là đại biểu Quốc hội, mối quan hệ nhằng nhịt; một ông vừa là phó chủ tịch tỉnh, thành phố vừa là phó bí thư thành ủy, vừa là đại biểu HDND… Với cơ chế này, việc giám sát gần như tê liệt, không thể xử lý trách nhiệm mạnh tay khi có sai phạm được. Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh rất rõ. Theo tôi, để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng mà vẫn đảm bảo tính độc lập trong giám sát, cơ cấu toàn bộ các ủy viên Trung ương Đảng là đại biểu Quốc hội nhưng không có chân trong chính quyền. Tất nhiên là trừ các vị trí: Thủ tướng, Chủ tịch nước, Bộ trưởng Công an, Quốc phòng, Phó thủ tướng. Nếu không thay đổi cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi hiện nay thì e rằng không bao giờ có thể chống được tham nhũng dù có dùng mọi phương cách”.

Bức xúc trước tội ác của những kẻ dùng axit tấn công người khác, bạn Nguyễn Duy có thư: “Chúng ta ai cũng thấy sự man rợ của kẻ dùng axít để hủy hoại thân thể người khác. Đây là hành vi mất hết nhân tính và gây hậu quả thảm khốc cho nạn nhân, không những chỉ đau đớn về thể xác mà còn bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý đồng thời để lại di chứng trong suốt cuộc đời còn lại. Tuy nhiên, khung hình phạt dành cho loại tội phạm này còn quá nhẹ. Có phải chính điều này đã làm cho hành vi man rợ này cứ tái diễn trong cuộc sống văn minh mà chúng ta đang cố gắng xây dựng? Những kẻ man rợ này cần phải bị loại bỏ vĩnh viễn khỏi xã hội. Những kẻ bán axít cho kẻ phạm tội cũng phải chịu hình phạt thích đáng. Có làm như thế thì mới mong chặn đứng được hành vi tội ác này và tình trạng buôn bán axít tràn lan, mua axít mà dễ như mua mớ rau ngoài chợ như hiện nay”. 

Bạn Nghia cũng đồng tình: “Tôi đề nghị quý báo đấu tranh để làm sao sửa khung hình phạt của những kẻ trả thù bằng a xít từ khung hình phạt cố ý gây thương tích sang khung hình phạt cố ý giết người. Chúng ta đều biết axít là một hóa chất vô cùng nguy hiểm và rất dễ mua, nên nếu để khung hình phạt cố ý gây thương tích cho những kẻ dùng axít để giải quyết mâu thuẫn là quá nhẹ so với những gì chúng gây ra cho nạn nhân. Việc quản lý axít theo tôi là rất khó vì axít được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp. Vì vậy theo tôi là nên đưa những kẻ giải quyết mâu thuẫn bằng axít vào khung hình phạt tội phạm cố ý giết người, vì trước khi gây án kẻ thủ ác đã có thời gian suy nghĩ những gì sẽ gây ra”.

Lê Bá Thiện ở Khánh Hòa thì đề nghị: “Hậu quả của bọn côn đồ thật nghiêm trọng. Tôi nghĩ cần phải xử mức cao nhất là chung thân. Tạt axit gây chết người thì phải tử hình. Cần quảng bá bản án đến tất cả mọi người để răn đe, ngăn chặn tình trạng tạt axit tàn nhẫn hay phổ biến như hiện nay”.

Qua vụ tranh chấp giữa Techcombank và khách hàng liên quan đến việc sử dụng thẻ ATM, bạn Thanh Tâm ở Korea có đề xuất: “Qua vụ việc này, tôi thấy các ngân hàng nên trang bị thêm camera cho máy ATM, việc này các nước trên thế giới đã làm. Qua đó, nếu có khiếu nại của khách hàng như trường hợp này, ngân hàng sẽ dễ dàng phát hiện, số thẻ, thời gian rút và trên máy ATM nào. Đây sẽ là bằng chứng tương đối xác thực để giải quyết các trường hợp tranh chấp nếu có. Máy móc cũng có thể có những trục trặc, nhưng với cách này sẽ giảm đi những nhầm lẫn và phòng ngừa nạn trộm cắp thời kỹ thuật số”.

Trong tâm trạng xúc động mạnh, bạn Thi Hoa ở 58 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM chia sẻ trường hợp đau lòng của gia đình chị Bích Thảo: “Trước hết cho tôi xin chia buồn cùng chồng, các con và gia đình chị Bích Thảo. Tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc cũng như đang viết những dòng tâm sự này vì trường hợp của chị Thảo cũng giống như trường hợp của mẹ tôi. Cũng vì bác sĩ thiếu tay nghề chuyên môn mà mẹ và em tôi đã phải chết oan uổng để bảy anh em tôi mồ côi khi tôi mới chỉ được 3 tuổi. Rồi đến khi em gái tôi sinh, cũng gần chết vì sự tắc trách của một bác sĩ trẻ tuổi trực ngày hôm đó. Em tôi bị hậu sản, mắt không nhìn được, nhập viện từ sáng đến 10 giờ tối chủ nhật cũng không được một viên thuốc, đến khi được chuyển sang Viện Mắt thì được phát hiện em tôi đã bị mù do huyết áp lên quá cao. Tôi kể ra những chuyện đau lòng của mình chỉ mong Bộ Y tế cần quan tâm đến trình độ chuyên môn cũng như trách nhiệm của các bác sĩ nhiều hơn để khỏi có những chuyện đau lòng tương tự”.

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.