Thư bạn đọc tuần qua (12 – 18.6)

18/06/2007 18:40 GMT+7

Đầu tuần qua, các tỉnh, thành đã lần lượt công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cả nước có 320.000 thí sinh trượt tốt nghiệp. Tỷ lệ đỗ nhìn chung rất thấp, có trường con số này là 0%. Đó là những con số đáng buồn. Tuy nhiên, dư luận nhìn chung lại thấy phấn khởi khi lần đầu tiên kết quả phản ánh đúng thực chất sau một kỳ thi hoàn toàn đổi mới.

Thành công bước đầu. Kết quả thi tốt nghiệp PTTH năm học 2006-2007 vừa qua đã phản ánh một cách toàn diện, rõ nét về nghành giáo dục của Việt Nam trong những năm gần đây. Có thể nói kỳ thi này đã mang lại "thành công bước đầu" trong công cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" mà Bộ Giáo dục đã vạch ra. Cần tiếp tục vận động và đẩy cao hơn nữa công tác phòng chống tiêu cực trong thi cử và thành tích trong giáo dục để nước nhà có một nền giáo dục chất lượng,có đội ngũ nhân tài thật sự trong tương lai. Tuy nhiên, có một việc nữa cũng rất cần quan tâm là hiện tại tâm trạng những học sinh không đỗ đang rất hoang mang. Cần phải cổ vũ tinh thần, động viên cho các em tập trung kiến thức đầy đủ để tham dự kỳ thi tốt nghiệp PTTH lần 2 vào tháng 8 tới.  (truongthanhtam -truongvanthanhtam@yahoo.com.vn)

Một kết quả phản ánh đúng thực trạng. Đã từ lâu rồi, ngành giáo dục đã làm cho gia đình, xã hội nhầm tưởng về khả năng học tập của con em mình. Chính vì thế, một kết quả thực sự của một kỳ thi "thật" làm cho không ít người bất ngờ, bàng hoàng. Sẽ có nhiều lời phê phán về cách dạy, học của nhà trường. Tôi cho rằng, một kết quả thi tốt nghiệp như vậy là hoàn toàn phù hợp xét tương quan về hoàn cảnh kinh tế cũng như những gì ngành giáo dục đã được đầu tư, so với các nước. Chúng ta không nên phê phán ngành giáo dục khi nhìn thấy kết quả này, mà nên xem như đây là tấm gương để cho các ngành khác -những nơi mà người dân ít được tiếp cận thông tin hơn - cũng phải nhìn vào thực chất của mình như ngành giáo dục.  (Thành Đạt -riquelmebk@gmail.com)

Xin bình tĩnh nhìn nhận để vươn lên. Đó là những con số gần với tình trạng thực tế của nền giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây. Theo tôi, với những gì mà chúng ta đã nhận biết được từ vài năm vừa rồi, thì cái kết quả được gọi là đáng buồn trong kỳ thi TNPTTH vừa qua nên mừng mới phải. Mừng vì từ hàng chục năm được "ru" trong hào quang, nay chất lượng thực của việc dạy và học đã được phơi bày. Không lẽ chúng ta vui khi những học trò lớp 5 mà chưa biết đọc? Chỉ buồn vì các em học sinh không có lỗi lại phải nhận kết quả như vậy. Tuy nhiên, nếu bàn sâu vào vấn đề, ngoài vai trò của ngành giáo dục, chính các bậc phụ huynh, và kể cả xã hội nữa, cũng phải nhận một phần trách nhiệm. Đó là vai trò "tự nguyện" làm chất xúc tác, dẫn dụ cho ngành giáo dục chuyển hóa con em mình từ người có kiến thức chưa chuẩn thành chuẩn, tiếp tục tự ru ngủ mình bằng những kết quả phù phiếm trong học tập của con em mình. Hiểu được như thế, chắc chắn chúng ta phải có ngay cách để thay đổi. Để muộn hơn chút nữa, e rằng lại thêm một lần nữa chúng ta vuột mất cơ hội với thời đại trong bối cảnh sống phải hội nhập như hiện nay. (Vũ Thảo Nguyên -vu_thaonguyen@yahoo.com)

Buồn nhưng phải chấp nhận! Có thể nói tỷ lệ rớt tốt nghiệp THPT năm nay là cao nhất trong lịch sử thi tốt nghiệp THPT ở nước ta. Nhưng qua đó ta có thể đánh giá được thực tế chất lượng giáo dục. Buồn thì buồn thật, nhưng chúng ta hãy biết chấp nhận thực tế, không thể chạy theo thành tích như trước đây được. Tôi nghĩ thành công trong việc chống gian lận thi cử vừa rồi và kết quả tốt nghiệp này sẽ là sự cảnh tỉnh cho những ai vẫn quen trông đợi vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. (Phạm Ngọc Chí  -toilambao@gmail.com)

Sự thực phải dẫn đến hành động ! Kết quả thi năm nay, có thể nói phản ảnh rõ chất lượng công tác dạy và học ở một số trường hay địa phương. Các trường và địa phương có tỷ lệ đỗ thấp cần phải được Sở Giáo dục địa phương lên kế hoạch chấn chỉnh ngay. Chấn chỉnh từ công tác chuẩn bị giáo án, công tác bồi dưỡng văn hóa cho giáo viên cho đến cách quản lý học tập trong các giờ lên lớp của thầy cô, cách hướng dẫn các em phương pháp tự học ở nhà và cơ chế liên lạc, hỗ trợ giữa nhà trường và phụ huynh. Sự chấn chỉnh này, ngoài nhằm giúp cho việc dạy và học được tốt hơn còn phải thể hiện sự "trấn an" đối với phụ huynh, chứ không khéo lại làm dấy lên phong trào học ngoài giờ, luyện thi... để có đủ tự tin trong các kỳ "vượt vũ môn" tiếp theo. Và cũng đừng lấy sự thành bại ngày hôm nay làm một cái cớ để "nâng cao" chất lượng đầu vào, làm tình làm tội, khổ sở cả học sinh lẫn các bậc phụ huynh. (Huỳnh Ánh Thành -thanh571957@hotmail.com)

Môn Lịch sử - cần quan tâm hơn nữa! Qua kết quả thi tốt nghiệp chúng ta thấy điểm thi ở môn Lịch sử rất thấp, thậm chí có những bài cười ra nước mắt. Rất đáng để cho ngành Giáo dục, Đoàn Thanh niên, gia đình và cả xã hội quan tâm. Ngành giáo dục cần xem lại chương trình, phương pháp truyền đạt về Lịch sử dân tộc. Khi một bộ phận không nhỏ thanh niên không hiểu biết gì về lịch sử của đất nước, của dân tôc mình thì đó là một tai họa cho đất nước. Rất mong vấn đề này sẽ được quan tâm hơn. (Nguyễn Trường Thọ -thotuyet@vnn.vn)

Đau mà mừng - Mừng mà đau... Sau bao năm, những người tâm huyết với giáo dục mới có dịp thở phào: cái gì đến đã đến! Sự thật, dù đắng cay, cũng đáng giá gấp ngàn lần sự giả dối ngọt ngào! Những con số giả dối cao ngất ngưởng đã phải nhường chỗ cho sự thật: 1/3 học sinh lớp 12 trượt tú tài! Thế là một sự thật đã bị phơi bày: bao năm qua có đến khoảng 1/3 tú tài giả! Ai cũng phải thừa nhận: đề thi năm nay quá dễ! Thế mà trượt 1/3! Đau quá! Đau nhưng mừng vì giáo dục không thể có thứ phẩm! Nhưng có nhiều thứ phẩm đến thế là do đâu? Lại đau hơn vì lỗi không thuộc về học sinh! Chính quyền các cấp đã làm, đang làm và sẽ phải làm gì trước thực trạng đó? Và ngành Giáo dục- lực lượng chủ công của chất lượng giáo dục- đã làm ăn ra sao, đang làm những gì và sẽ phải làm thế nào để học sinh không bị thiệt thòi và cung cấp được hiệu quả nhất những chính phẩm cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước? (Lê Hoàng -lehoang141@yahoo.com)

Đồng tình với quan điểm cho rằng quy định bồi thường trường hợp chuyến bay bị chậm, bị hủy còn nhiều bất hợp lý, một số bạn đọc có thư:

Nguyễn Hà <hatuti2000@yahoo.com>: Phải sửa lại quy định bồi hoàn chậm/hủy chuyến bay. Tôi thấy quy định do Hàng không đưa ra nếu "vì lý do kỹ thuật" dẫn tới chậm hay hủy chuyến bay thì không phải bồi hoàn là chưa ổn và cần phải thay đổi. Vì sao? Thứ nhất: Chưa có một cơ chế độc lập để giám sát xem chuyến bay đó có chậm vì lý do kỹ thuật thật hay không ngoại trừ thiên tai, không tặc, hỏa hoạn mà ai cũng nhìn thấy. Chỉ mỗi Hàng không biết về lý do thực sự, còn hành khách ai có quyền và thời gian để truy hỏi họ thực sự vì lý do gì? Như thế chẳng hóa ra Hàng không vừa đá bóng vừa thổi còi à?  Thứ hai: Ngay cả khi có cơ chế giám sát độc lập các lý do chậm/hủy chuyến thì quy định này cũng vẫn mập mờ. Nếu Hàng không lơ là công tác bảo trì thiết bị máy bay dẫn tới liên tục "bị sự cố kỹ thuật" mà chậm/hủy chuyến bay thì công ty không có trách nhiệm bồi hoàn hay sao? Không nên đề ra một chính sách mà không có cơ chế giám sát và lại mở đường cho sự lạm dụng.

Trường Sanh <huongluakg@yahoo.com>: Những chuyến bay bị hủy luôn là điều làm hành khách bực mình và bức xúc, đặc biệt là chuyến bay bị chậm gần đây nhất của hãng hàng không Pacific Airlines (PA). Xét về mọi mặt thì trong chuyến bay này PA đều có lỗi, thế nhưng khi trả lời trước khách hàng PA luôn tìm cách biện minh rằng do máy móc, kỹ thuật mà không thấy có một câu xin lỗi xác đáng hay bồi thường thỏa đáng. Chuyện bồi thường cũng có nhiều điều bất cập mà tôi cho rằng luật của chúng ta chưa làm tới nơi tới chốn. Được biết mức bồi thường cao nhất cho một chuyến bay nội địa bị hủy là 300 ngàn/hành khách. Tôi cho rằng mức bồi thường như vậy là quá ít. Cần phải nâng lên, tối thiểu phải từ 500 ngàn trở lên, để nâng cao trách nhiệm của các hãng hàng không.

Quoc Tan <quoctan@gmail.com>: Trong một lần đi từ Kuala Lumpur về Hà Nội bằng máy bay của hãng Malaysia Airlines, tôi hỏi một người khách nước ngoài là tại sao không chọn VN Airlines, vị khách người Mã gốc Trung Quốc này không ngần ngại trả lời rằng: một số người ở Kuala Lumpur gọi hãng hàng không của các bạn là hãng Sorry Airlines. Rất mong VN Airlines làm việc thật chuyên nghiệp, chứ không phải chỉ trả lời báo chí một cách chuyên nghiệp mà thôi, để đất nước mình ngày càng đẹp hơn trong con mắt bè bạn nước ngoài.

Sau khi báo Thanh Niên có bài phản ánh việc một số bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM tự ý thu tiền đối với người đi nuôi người thân bị bệnh tại bệnh viện, Sở Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện, cơ sở y tế công lập yêu cầu không được thu tiền của người nuôi bệnh. Tuy nhiên, dư luận cho rằng mức độ giải quyết như vậy là chưa thỏa đáng:

Mai Hương <maihuongme@yahoo.com>: Tại sao gia đình bệnh nhân nhập viện lại phải đưa người đi thăm nuôi? Là bởi bệnh viện (BV) chưa có hộ lý chăm sóc chu đáo cho người bệnh cho nên người nhà bệnh nhân phải tự lo. Chuyện tự lo này chỉ có ở Việt Nam và nó đã xảy ra quá lâu rồi, nghiễm nhiên thành "đương nhiên". Tôi đi đến đâu cũng thấy đã là bệnh nhân nhập viện thì phải có người nhà đi theo chăm nuôi, nhà nào không có người thăm nuôi thì bệnh nhân vô cùng khốn khó. Công việc chăm sóc người bệnh lẽ ra là của BV, và chỉ có BV mới có hộ lý biết cách chăm sóc từng loại bệnh nhân. Từ lâu ở nước ta, khái niệm hộ lý chăm sóc cho bệnh nhân hình như đã không còn, nếu còn thì chỉ ở một phạm vi rất hẹp. Đáng lẽ BV phải cảm ơn gia đình đã giúp họ lo cho bệnh nhân thay cho hộ lý của BV. Thế mà họ còn đang tâm thu tiền người đến thăm nuôi thì thật là trái khoáy.

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ của Sở, Sở y tế đã ra văn bản chỉ đạo không được thu tiền người nuôi bệnh, nơi nào đã tổ chức thu thì phải ngưng ngay, vì hiện nay Nhà nước "chưa có chủ trương thu khoản tiền này". Bây giờ chưa có, phải chăng sau này có thể có? Nếu như Sở Y tế thấy đấy là việc làm sai trái thì văn bản phải thể hiện dứt khoát là không được thu chứ. Tôi đề nghị báo chí cần làm rõ vấn đề người nhà bệnh nhân làm hộ lý thay BV để rộng đường dư luận.
 
Vĩnh Châu <vinhchau1208@yahoo.com>: Việc một số bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM tự ý thu tiền đối với người đi nuôi bệnh nhân tại bệnh viện có lẽ đã xảy ra một thời gian dài, cho đến khi Báo Thanh Niên lên tiếng mới được ông bác sĩ Trưởng phòng Nghiệp vụ chỉ đạo chấm dứt và ông cho biết "hiện nay nhà nước chưa có chủ trương thu khoản tiền này". Vậy thì trước kia ai là người đã "ra lệnh" thu tiền trái phép này ? Ông Trưởng phòng Nghiệp vụ phải có trách nhiệm truy tìm nhân vật này, mong ông thi hành đúng chức năng của mình.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số thư phản ảnh những lỗi kỹ thuật và nội dung trên trang web từ các địa chỉ mail: HOANGLONG hoanglongbvn@yahoo.ca; nam <thanhnamese@gmail.com>; LE S ITHANG <thangidco@yahoo.com>; tuanpham platuan99@yahoo.com; huy hieu tinhyeuthuytinh1001@yahoo.com; Minh Tam ctmtam@yahoo.com; Đ.T.Phương phuongnheo@yahoo.com; Phuc harryphuc2006@yahoo.com.vn; Nguyen Tran Ho <nguyentranho@yahoo.com>.

TNO cảm ơn sự quan tâm, góp ý và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.