Tản mạn "Đường dây nóng"

22/01/2009 00:05 GMT+7

Thông thường một năm chỉ có 365 ngày, nhưng vì năm Mậu Tý 2008 có tháng 2 âm lịch 29 ngày nên thành 366 - một năm nhiều biến động, nhiều nỗi vui và sự buồn lẫn lộn đối với Đường dây nóng Báo Thanh Niên.

Những chuyện nóng

Cuối tháng 4 đầu tháng 5, giá gạo trên toàn quốc đột nhiên tăng gấp đôi, gấp ba lần một cách bất thường, người lao động choáng váng, xây xẩm mặt mày. Đó cũng là lúc Đường dây nóng bị "cháy máy" vì bạn đọc gọi đến liên tục, từ sáng cho đến tận đêm khuya, kêu cứu cho đến khi nào giá gạo xuống lại mới thôi.

Chuyện này Chính phủ đã rút kinh nghiệm, nhưng không chỉ có vấn đề hạt gạo, giá xăng dầu trồi sụt theo tình hình chiến sự trên thế giới và vấn nạn các cây xăng không lương thiện ăn gian người tiêu dùng cũng nóng hổi không kém, khiến cơ quan hữu trách phải vào cuộc, kéo giá xăng xuống ở mức khá dễ chịu nhân dịp xuân về.

Một trong những phản ảnh của bà con khiến báo giới phải tốn khá nhiều giấy mực chính là "lô cốt" và hệ lụy của nó là tình trạng kẹt xe triền miên ở TP.HCM.

Năm hết Tết đến, hàng loạt "lô cốt" được tháo bỏ, những hộ có nhà mặt tiền thở phào nhẹ nhõm vì công việc kinh doanh không còn gặp trở ngại do đường phố thông thoáng hơn. Nói đến chuyện thông thoáng tôi lại chợt nghĩ đến những ngày trước và sau Tết ở đất Sài thành, đường phố vắng bóng người và xe cộ qua lại, mùng 6 Tết rồi mà vẫn còn vắng như chùa Bà Đanh, buồn thiu, chẳng giống với cảnh thường thấy.

Trong không gian thoáng đãng ấy, chợt nhớ đến cái không khí... kẹt xe vô cùng náo nhiệt. Tức cảnh sinh tình, có người thốt lên: giá mà ngày nào TP.HCM cũng giống mùng 6 Tết (!).

Nói vậy thôi chứ Sài Gòn này mà thưa thớt người giống như một thị trấn vùng sâu, vùng xa thì sẽ chẳng còn là Sài Gòn nữa. Trở lại với chuyện kẹt xe - một "đặc sản" của TP.HCM -  phải công tâm mà nói thì có phần lỗi do chính chúng ta tạo ra. Ý tôi muốn nói đến ý thức chấp hành đèn tín hiệu giao thông.

Nhiều người tỏ ra khá nôn nóng, đèn chưa bật qua màu xanh mà vẫn vô tư rồ ga vọt tới, còn đường bên kia đã bật đỏ rồi mà vẫn không chịu dừng lại, cứ tranh thủ băng luôn, thế là dính chùm giữa giao lộ, thoát ra được là cả một kỳ công, về đến nhà trông bèo nhèo, xơ xác tàn tạ, có người bần thần, ngơ ngác giống như mới vừa từ... sao Hỏa rơi xuống.

Nhiều bạn đọc than phiền rằng tại sao đến giờ cao điểm, có cảnh sát giao thông (CSGT) đứng chốt thì mọi chuyện suôn sẻ, còn nếu không có thì y như rằng kẹt xe. Một thành phố ngót nghét 10 triệu dân, đường sá chật hẹp, nếu không chấp hành tín hiệu giao thông thì đúng là tai họa. Những "điểm đen" kẹt xe sẽ vẫn còn tồn tại cho đến khi nào chúng ta cải thiện được ý thức lưu thông trên đường phố.

Chuyện CSGT cũng là một đề tài nóng hôi hổi, được báo chí đề cập khá nhiều trong năm con chuột vừa qua. Trong bài viết này, chỉ xin nhắc lại cuộc đàm thoại thường gặp giữa Đường dây nóng với người phản ảnh, đại loại như sau:

- Đường dây nóng Báo Thanh Niên phải không anh?
- Dạ phải.
- Anh cho tôi phản ảnh mấy anh CSGT.
- Anh bị thổi phạt vì lý do gì?
- Dạ... vượt đèn đỏ, mấy ảnh đòi thu giấy tờ, giam xe 1 tháng.
- CSGT làm như vậy là đúng rồi, anh còn thắc mắc làm chi?
- Nhưng tại sao mấy ảnh ăn hối lộ, tôi tức là tức cái đó.
- Ai đưa hối lộ cho mấy ổng?
- Dạ, tôi đưa chứ ai, một trăm ngàn đồng!
- Chắc anh không muốn bị giam xe, nên muốn hối lộ cho xong, phải không? Anh biết anh can tội gì không?
- Tội gì?
- Tội đưa hối lộ. 
- Ủa... thiệt dzậy sao?

Không chỉ có chuyện vượt đèn đỏ, những cảnh thường thấy như xe chở quá số người quy định, chở quá tải, chạy lấn tuyến, chạy vào đường cấm, đua xe lạng lách, không đội nón bảo hiểm... diễn ra như cơm bữa trên các nẻo đường quê hương, từ thành thị đến nông thôn, từ đường làng ra quốc lộ, nhan nhản khắp nơi khiến cho lực lượng CSGT làm việc không ngơi nghỉ.

Và, chuyện thổi phạt là không tránh khỏi. Điều này khác xa với thực tế giao thông ở các nước trên thế giới. Có nhiều nước, di chuyển trên xa lộ suốt cả ngày mà vẫn không bắt gặp một anh CSGT nào. Trước hết, người tài xế ở các nước ấy có ý thức rất cao khi lái xe ra đường, tuân thủ nghiêm ngặt luật giao thông, chẳng may bị phạt thì đó là tai họa vì bạn sẽ chẳng có cơ may nào hối lộ được CSGT để cho qua chuyện.

Vậy ở Việt Nam thì sao? Nếu tất cả chúng ta đều chấp hành đúng luật giao thông và khi bị thổi hãy sẵn sàng cầm giấy phạt đi đóng tiền thì sẽ không có tình trạng hối lộ. 

Những chuyện không nóng và nghe thấy... lạnh

Ai cũng biết Đường dây nóng Báo Thanh Niên hoạt động 24/24 giờ, điều này đã giúp cho chúng tôi tiếp nhận được nhiều thông tin nóng bỏng, kịp thời đem đến những tin, bài hay, bổ ích, đáp ứng được sự tin cậy của độc giả.

Một chuyện vui khác, có liên quan đến người viết bài, cũng nên nói ra để... thông cảm nhân dịp năm hết Tết đến. Đó là chuyện xưng hô. Rất nhiều bạn đọc nữ gọi đến đường dây nóng, sau phần chào hỏi là ngay lập tức: "Chị nói cho em nghe cái này", "Cô muốn phản ảnh cái này, con ghi nhận dùm cô"... Xưng hô rất thân mật, nhưng nghe giọng nói thì đoán rằng bạn đọc ấy... chưa già, trong khi tôi đã ngoài 50 tuổi!

Tôi thăm dò ý kiến của phóng viên, biên tập viên trong phòng Đường dây nóng thì mọi người đều cho rằng tại giọng phát âm của tôi nghe thấy... trẻ, nên dễ gây ngộ nhận. Những khi đi công tác nước ngoài, tôi giao máy lại cho anh biên tập viên (lớn hơn tôi 3 tuổi), anh này cũng "được" gọi "em" ngọt xớt!

Đó là chuyện vui, còn chuyện buồn thì cũng nhiều không kém. Trong đó phải kể đến chuyện gọi điện thoại cho Đường dây nóng không phải bức xúc gì ráo mà là để... quậy. Quậy thường xuyên là bằng cách nhá máy bất kể giờ giấc, hễ rảnh là nhá, không biết để làm gì, gọi lại thì không nghe. Dạng thứ hai là nhờ Đường dây nóng làm... trọng tài.

Dạng này thường rơi vào các cuộc nhậu ở đâu đó, đại loại hai phe tranh cãi với nhau về tác giả của một bản nhạc, bất phân thắng bại, các đệ tử Lưu Linh nhất trí gọi cho Đường dây nóng Báo Thanh Niên yêu cầu chỉ cần cho biết ai là tác giả của nhạc phẩm ấy là độ nhậu sẽ được giải quyết. Chưa hết, đại diện bàn nhậu còn nói một cách nghiêm túc "mời anh ra nhậu với tụi em cho vui!". Đồng hồ lúc đó chỉ 2 giờ sáng.

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.