Phi văn hóa ở khu phố văn hóa

30/08/2011 00:02 GMT+7

Chỉ vì bệnh thành tích mà hàng loạt khu phố văn hóa (KPVH), phường VH “mọc” lên, trong khi chính ở những nơi đó, tệ nạn xã hội vẫn còn đầy rẫy.

Sau 15 năm phát động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tại TP.HCM, ngày nay ra đường, mọi người dễ dàng bắt gặp những khẩu hiệu khá mỹ miều: “KPVH”, “phường VH”, đến “quyết tâm giữ vững”… Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực, thì nhiều KPVH còn những tồn tại mà ai cũng biết. Dễ thấy nhất là tại nhiều KPVH, phường VH vẫn diễn ra tình trạng xả rác, nước thải, các hộ kinh doanh vô tư lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán, đậu xe tràn lan…

 
Hàng quán lấn chiếm hẻm KPVH 4 (P.6, Q.10) - Ảnh: Thanh Thùy

Trộm cướp, tệ nạn nhan nhản

Tại một số KPVH, người dân thật sự ngán ngẩm trước tình trạng cướp giật lộng hành. Bà L., chủ quán cà phê trong con hẻm trên đường Thạch Lam (KPVH 5, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú), kể: “Tui đang ở trong quán, có hai thanh niên khoảng 15, 16 tuổi đi trên chiếc xe Nouvo kêu ly nước mang đi. Khi tui vừa mang nước ra, bất ngờ 2 thằng nhảy đến giật sợi dây chuyền vàng tui đeo ở cổ và phóng xe vọt mất”. Biết chúng tôi tìm hiểu về KPVH, bà L. ngao ngán: “Trộm cắp đầy mà KPVH gì!”.

Từ sáng tới tối, gái mại dâm chạy xe gắn máy đón khách rồi kéo vô mấy khách sạn gần đây mà chẳng thấy địa phương dẹp gì ráo!

Một người dân ở KPVH 1, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Theo lời bà L., chúng tôi tìm gặp hàng xóm của bà vừa bị trộm viếng. Đó là nhà số 307/43 Thạch Lam, vừa bị trộm cạy cửa nhà lấy đi số tài sản gần 300 triệu đồng. Theo bà L. và một số người khác, vụ việc xảy ra đã gần 2 tháng, dù đã báo công an nhưng đến nay vụ việc vẫn bặt vô âm tín. Khi chúng tôi đến Công an P.Phú Thạnh để tìm hiểu về vụ việc này thì liên tiếp bị từ chối, với lý do phải có ý kiến của Công an quận. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, P. Phú Thạnh đang xây dựng để được xét công nhận là phường VH trong năm nay.

Khoảng 12 giờ ngày 2.8, vừa bước vào KPVH 6, P.1, Q.5, chúng tôi tình cờ thấy một thanh niên đi xe gắn máy giật sợi dây chuyền vàng của chị Trần Ngọc Thu (ngụ ở H.Củ Chi), khi chị vừa đi vào hiệu thuốc số 6 Huỳnh Mẫn Đạt. Một số người dân địa phương cho biết, dù là KPVH nhưng tình trạng cướp giật ban ngày là chuyện bình thường…

Không chỉ có cướp giật, tình trạng gái mại dâm chèo kéo khách hoạt động ngày đêm vẫn ngang nhiên diễn ra tại một số KPVH. Hằng ngày, trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ cầu Thị Nghè đến Nguyễn Cửu Vân), người dân ở KPVH 1, P.17, Q.Bình Thạnh bức xúc vì nạn mại dâm di động tại đây từ nhiều năm qua. Bà T. - một người dân KP1, cho biết: “Từ sáng tới tối, gái mại dâm chạy xe gắn máy đón khách rồi kéo khách vô mấy khách sạn gần đây mà chẳng thấy địa phương dẹp gì ráo!”.

Theo ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, nếu dựa vào các tiêu chí của KPVH một cách đúng đắn thì rất ít KP đạt chuẩn. Chỉ riêng chuyện người dân lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, xả rác bừa bãi, KP cũng rơi vào điểm liệt, chứ chưa nói tới việc KP còn người nghiện ma túy, tệ nạn xã hội khác.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ P.17, Q.Bình Thạnh, trình bày, KP1 được công nhận KPVH vào các năm 2009, 2010 và tiếp tục được đề xuất công nhận là KPVH trong năm 2011. Hiện nay, P.17 đang phấn đấu xây dựng phường VH. Khi chúng tôi chất vấn về nạn mại dâm ở KP1, gây bức xúc trong dân, ông Bảy trần tình: “Gái mại dâm chạy xe chèo kéo khách khó dẹp do nằm trên tuyến đường liên phường”. Khi chúng tôi hỏi phường đã làm gì để dẹp tệ nạn này để xứng đáng là KPVH, phường VH, thì ông Bảy chỉ trả lời chung chung: “Phường đang ra sức phấn đấu, tăng cường kiểm tra và sẽ sớm dẹp các tệ nạn”.

“Mê” thành tích!

Đến KPVH 3 đường Nguyễn Thị Tần, P.2, Q.8, ngay bên trong tấm bảng “Quyết tâm giữ vững khu phố văn hóa…” là những dãy chợ tự phát nằm hai bên đường, nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Rác, nước thải của các hộ buôn bán thịt, cá, rau… cứ vô tư đổ thẳng ra đường, trông nhếch nhác. Càng đi sâu vào KP3, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán càng nhiều hơn. Ông Phùng Văn Thạch, Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố KP3, trần tình: “Chúng tôi mất ăn, mất ngủ với chợ tự phát ở đây. Làm căng thì tội nghiệp bà con nghèo, còn cứ để chợ tồn tại thì bị phường, quận khiển trách. KP3 đã được 3 năm công nhận là KPVH rồi”.

Nhiều KPVH còn gây “choáng” với cảnh đám ma mở nhạc ì xèo, hát hò ầm ĩ suốt đêm, khiến người dân bức xúc. Nhà ông H. (nằm trong một KPVH của P.22, Q. Bình Thạnh), có tang. Buổi tối, người dân đi làm về chuẩn bị nghỉ ngơi thì bắt đầu bị “tra tấn” bởi đủ loại nhạc… Chị T., sống gần đó nhăn mặt: “Mấy ông trong ban điều hành KP biết hết nhưng vẫn làm ngơ vì sợ lớn chuyện, mất thành tích!”.

Một cán bộ phường ở Q.10 thừa nhận có bệnh “thành tích” trong việc công nhận KPVH, vì câu chuyện dắt dây: Có KPVH thì mới có phường VH, chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh. Vì vậy, chuyện các địa phương ém nhẹm những tệ nạn, cái xấu trên địa bàn là điều dễ hiểu.

Mỗi năm có 65 khu phố bị rút danh hiệu

Theo Ủy ban MTTQ TP.HCM, sau 15 năm thực hiện “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đến nay, toàn TP có 1.295 KP, ấp đạt chuẩn KPVH trên tổng số 1.981 khu dân cư. Tuy nhiên, qua kiểm tra, phúc tra hằng năm của quận và TP, bình quân mỗi năm có 65 KP, ấp văn hóa bị rút danh hiệu KPVH, chủ yếu do vi phạm vào những điều cấm, như: KP có 3 trường hợp sinh con thứ ba trở lên; để phát sinh tụ điểm phức tạp về tội phạm, trọng án (chết người)... 

M.Nam

Minh Nam - Lê Nga - Thanh Thùy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.