Hãy cứu lấy vườn trầu Bà Điểm

30/01/2004 21:17 GMT+7

Bà Điểm là một trong những xã trọng điểm của huyện Hóc Môn nổi tiếng với nghề trồng trầu. Địa danh Bà Điểm - Hóc Môn còn gắn với một tên gọi khác mà ai ai cũng biết: 18 thôn vườn trầu. Thế nhưng theo Hội Nông dân xã Bà Điểm, nếu như trước đây toàn xã có khoảng từ 15 đến 17 ha trồng trầu thì hiện nay chỉ còn khoảng 5 ha trầu được trồng rải rác trong các hộ gia đình. Nguyên nhân chính là do quá trình đô thị hóa ở xã vùng ven này hiện nay đang chuyển biến mạnh.

Nói về những khó khăn của người trồng trầu hiện nay, anh Đặng Văn Anh nhà ở số 3/3 ấp Tiền Lân (xã Bà Điểm), cho biết: "Để cho trầu được tốt thì hai tháng ta phải thay đất nền một lần. Thế nhưng hiện nay nguồn đất nền chủ yếu lấy ở các cánh đồng xã Bà Điểm hoặc xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) cũng đang cạn kiệt và thu hẹp dần do quỹ đất dành cho xây dựng nhà cửa ngày càng tăng. Vả lại, hiện nay số lượng người ăn trầu ngày càng ít dần nên người trồng trầu không có nơi tiêu thụ. Ngoài dùng để ăn và cúng kiến ra, cây trầu không có giá trị kinh tế nào khác. Nghề trồng trầu cứ bấp bênh như hiện nay thì gia đình tôi cũng sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác”.

Người trồng trầu ở xã Bà Điểm còn gặp rất nhiều khó khăn về phân bón (phân bò), nọc cho trầu leo và khâu tiêu thụ. Ông Đào Văn Khuyến nhà ở số 40/4 ấp Tây Lân nói: "Nhà tôi hiện có 1.500 gốc trầu, cho nên để kiếm nọc cho trầu leo và cây để làm dàn là rất khó khăn. Nọc chủ yếu là cây đước, le, chà... thu mua ở tận Cần Giờ hoặc ở các tỉnh xa nên chi phí cho khâu vận chuyển là rất lớn".

Về khâu tiêu thụ, giá trầu hiện nay cũng rất bấp bênh, chỉ khoảng từ 2.000 đồng đến 15.000 đồng/ký tùy theo loại. Nơi thu mua duy nhất là các thương lái ở chợ trầu cau Bà Điểm chứ chưa có doanh nghiệp nhà nước nào đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nên người bán thường bị tiểu thương ép giá. Theo các tiểu thương cho biết, trầu Bà Điểm thường được vận chuyển xuống các tỉnh miền Tây và xuất sang các nước có truyền thống ăn trầu như: Đài Loan, Malaysia... Điều này cho thấy giá trị kinh tế của cây trầu Bà Điểm vẫn còn rất cao. Để nghề trồng trầu tiếp tục được giữ vững, ông Mười Rê nhà ở ấp Tây Lân kiến nghị: "Nên chăng các cấp chính quyền nhanh chóng có chính sách hỗ trợ người trồng trầu về phân bón, cọc, bao tiêu khâu tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy người dân mới an tâm sản xuất giữ vững nghề truyền thống này được".

Chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt dự án thành lập Khu di tích lịch sử Vườn Trầu đặt tại xã Bà Điểm nhưng đến nay cũng chưa thấy khởi động. Những người có tâm huyết với nghề trồng trầu truyền thống tại đây mong rằng dự án này nhanh chóng được thực hiện. Bởi vì bảo vệ cây trầu không chỉ là bảo vệ một nghề truyền thống mà còn bảo vệ một địa danh lịch sử Bà Điểm - Hóc Môn, quê hương của 18 thôn vườn trầu.

Đức Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.