Gia cảnh ngặt nghèo của người nữ thương binh

16/08/2010 23:21 GMT+7

Chồng tai biến nằm liệt giường đã hơn 10 năm, con gái lại bị bệnh tim chưa có tiền mổ, người phụ nữ thương binh còn mang mảnh bom trong người chỉ biết khóc thầm bên hành lang bệnh viện.

Chị là Trần Thị Ư, thương binh 3/4 ở xã Vinh Quang (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị). Trong kháng chiến chống Mỹ, chị Ư là dân quân du kích thuộc đơn vị Phòng không - Không quân xã Vĩnh Quang, huyện đội Vĩnh Linh (Quảng Trị). Ngày 13.3.1968, trong khi chiến đấu ở giới tuyến, chị bị trúng bom địch và bị thương. Chồng chị là Phan Văn Quyết, cùng đơn vị. Họ cưới nhau năm 1973. Sau khi cưới, anh Quyết chuyển vào bộ đội chính quy và tại ngũ cho đến năm 1977 mới xuất ngũ. Trở về quê hương sau chiến tranh, họ bắt tay xây dựng cuộc sống mới với nghề làm biển truyền thống. 

Cách đây 10 năm, anh Quyết đột ngột bị tai biến nặng. Từ đó đến nay anh nằm liệt giường. Chị một mình vừa phải nuôi con ăn học lại phải chăm sóc, chạy chữa cho chồng. Sau khi hai người con gái đầu đi lấy chồng, gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai chị.

Thế nhưng, họa vô đơn chí khi cô con gái thứ 3 là Phan Thị Nhạn, mới 13 tuổi bỗng phát hiện bệnh tim. Gia đình quá khó khăn nên dù bị bệnh rất nặng, em vẫn phải ở nhà uống thuốc cầm cự chứ không có tiền để mổ. Năm 2006, khi bệnh con trở nên quá nặng, chị Ư phải cầm sổ đỏ nhà đất thế chấp để vay tiền mổ tim cho Nhạn. Các bác sĩ ở Bệnh viện T.Ư Huế đã mổ thay van động mạch chủ và van hai lá cho em. Sau ca mổ Nhạn hồi phục tốt và năm 2009 em đã thi đỗ vào ngành Dược của trường CĐ Y tế Thừa Thiên - Huế. Đang học năm thứ hai, khi khoản nợ mổ tim chưa trả hết, thì Nhạn bỗng phát hiện mình có triệu chứng tức ngực và khó thở trở lại. Vào viện, các bác sĩ cho biết trong số 3 van đã thay, có một van (van hai lá) bị sự cố nghẹt không mở. Em phải nhập viện để điều trị nhưng cái van bị nghẹt vẫn không thể hoạt động. Các bác sĩ ở Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, em cần phải mổ lại để thay cái van này với chi phí lên tới 60 triệu đồng.

Cầm thông báo chi phí mổ tim, hai mẹ con muốn ngã quỵ. Nhưng để con yên tâm, trước mặt con gái, chị Ư tỏ ra bình tĩnh, nhưng tối nào cũng trốn ra hành lang ngồi khóc.

Khi chúng tôi vào viện, Nhạn vẫn đang chống cự với căn bệnh và hai mẹ con vẫn chưa biết xoay chạy đâu ra đủ số tiền cho ca mổ.                           

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.