Đừng để bị lừa qua chat

28/04/2012 03:41 GMT+7

Yahoo! Messenger (YM) là công cụ chat phổ biến. Nhiều kẻ lừa đảo tìm mọi cách ăn cắp mật khẩu, nick của người khác YM rồi sau đó “tung chiêu”. Tuy trò này không còn xa lạ nhưng rất nhiều bạn đọc vẫn bị “dính chưởng”.

Nhẹ dạ

Những kẻ lừa đảo sau khi ăn cắp nick, mật khẩu sẽ than vãn với tất cả mọi người trong danh sách bạn bè của người bị mất nick rằng đang kẹt tiền do đi du lịch mà bị móc túi, mất hết tiền và thẻ tín dụng, rồi nhờ chuyển tiền vào tài khoản. Hoặc tha thiết hơn là đang có người thân cấp cứu trong bệnh viện mà hết tiền, nhờ chuyển khoản, hay đang có việc gấp phải gọi điện thoại mà hết tiền, nhờ mua thẻ cào...

Do thiếu cảnh giác, lại nhẹ dạ, cả tin, vả lại, vì tình thân, không ai tiếc gì vài trăm ngàn đồng hay hai, ba triệu đồng để giúp bạn bè trong lúc hoạn nạn. Số tiền ấy cũng không quá lớn với họ. Thế là rất nhiều người sốt sắng chuyển tiền, mua thẻ cào...

Nhưng những “chiêu” trên đã cũ, nhờ báo chí từng lên tiếng cảnh giác, những kẻ lừa đảo tung trò khác đánh vào lòng tham của nạn nhân. Sau khi lấy cắp nick, kẻ lừa đảo chào hỏi những người trong danh sách bạn bè rất thân mật. Thấy nạn nhân không nghi ngờ, chúng sẽ chiêu dụ: “Muốn nạp tiền điện thoại 1 lời 10 không? Đang có chương trình khuyến mãi đặc biệt dành cho khách VIP, nạp tiền 300.000 đồng, có ngay 3 triệu trong tài khoản, chỉ áp dụng đến 5 giờ chiều, muốn nạp thì mua thẻ cào 300.000, cào lấy dãy số, nhắn tin qua đây mình sẽ kích hoạt cho vì chỉ có anh họ mình làm trong ngành viễn thông mới kích hoạt được”. Hay các dẫn dụ khác nhắm vào các chương trình khuyến mãi của các hãng viễn thông. Rất nhiều người đã dính bẫy.

Chưa hết, một khi con mồi đã cắn câu, kẻ lừa đảo tiếp tục tìm cách lấy thông tin khác của nạn nhân, chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp mật khẩu email, số điện thoại...

Đề cao cảnh giác

Sau hàng loạt vụ thông tin cá nhân bị ăn cắp mà nạn nhân chủ yếu là những người đã từng khai thông tin cá nhân trên internet cũng như nhiều vụ lừa đảo qua YM, bấy nhiêu đó đủ để chúng ta rút ra một bài học, thế giới mạng không phải là nơi để gửi gắm những gì riêng tư, nhất là các thông tin ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, điện thoại, số tài khoản...

Với những người thường xuyên sử dụng YM, tốt nhất nên đề cao cảnh giác khi một ai đó đề nghị mượn tiền, nhờ chuyển khoản, nạp card điện thoại hay bất kỳ điều gì liên quan đến tiền dù người chat là bạn bè thân thiết, anh chị em trong gia đình, thậm chí cả... sếp, tốt nhất là nên gọi điện để xác định lại người liên hệ. Kế đến, không click vào bất kỳ đường link nào được gửi đến qua chat bởi chỉ cần click, các thông tin bảo mật về YM của bạn sẽ có nguy cơ bị lấy cắp. Bên cạnh đó, đừng bao giờ khai thông tin và mật khẩu YM trên bất kỳ trang web nào. Và nữa, đừng bao giờ cho ai đó “mượn đỡ” YM của mình vì đơn giản, đó là chiêu của những kẻ lừa đảo nhằm ăn cắp mật khẩu YM để thực hiện các trò lừa như đã nói ở trên.

Khi hack được nick YM, kẻ lừa đảo có thể đọc được các đoạn chat của chủ nhân YM thông qua nhật ký chat (một tính năng vốn có của YM). Từ đó, kẻ lừa đảo có thể đoán được mối quan hệ của chủ YM và bạn chat. Vì thế khi chúng chat, đối tượng được chat sẽ không mảy may nghi ngờ. Trong danh sách bạn bè của một YM luôn có ít nhất vài chục người, chỉ cần 1 người trở thành nạn nhân là chúng đã đạt được mục đích của mình.

Thanh Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.