Cổ động bóng đá phong trào phải xin phép?

02/08/2013 11:35 GMT+7

Ngoài những quy định trong giao tiếp mà Thanh Niên đã phản ánh trong bài Trêu ghẹo cũng bị phạt tiền, dự thảo lần thứ 3 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình do Bộ Công an đề nghị còn rất nhiều điểm mới liên quan đến mọi mặt trong sinh hoạt của con người, của gia đình và xã hội.

Ngoài những quy định trong giao tiếp mà Thanh Niên đã phản ánh trong bài Trêu ghẹo cũng bị phạt tiền, dự thảo lần thứ 3 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình do Bộ Công an đề nghị còn rất nhiều điểm mới liên quan đến mọi mặt trong sinh hoạt của con người, của gia đình và xã hội. Thanh Niên sẽ lần lượt lấy ý kiến của các ngành, giới về một số nội dung có tác động sâu rộng trong đời sống xã hội; về tính khả thi của một số điều khoản nêu ra trong dự thảo nghị định.

Khoản 2, điều 7 của dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm về việc gây ảnh hưởng đến sự yên tĩnh chung: “Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sau đây: Dùng loa phóng thanh, chiêng trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền”.

Theo đại từ điển tiếng Việt, nơi công cộng bao gồm nhà ga tàu điện, xe buýt, sân thi đấu thể thao… Ông Nguyễn Tấn Lợi, Chủ nhiệm CLB thể thao Tao Đàn, Trung tâm thể dục thể thao Q.1, TP.HCM, đặt vấn đề: “Thử tưởng tượng trong thể thao mà không có cổ động viên thì sao? Đã cổ động thì phải la hét, gõ trống, thổi kèn… để “làm nóng” không khí. Tại câu lạc bộ của chúng tôi, khi một đơn vị nào đó thuê sân để tổ chức giải, tổ chức hội thao với quy mô vừa và nhỏ, họ đâu có xin phép tổ chức và cũng không ai bắt buộc phải xin phép. Đến tổ chức giải còn chưa bắt buộc xin phép thì làm sao có chuyện xin phép để cổ động được?”.

Còn ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng Tư pháp Q.2, TP.HCM, cho rằng: “Cổ động bóng đá phong trào, cổ động hội thao cấp cơ sở là hoạt động tự phát của một nhóm người nhằm động viên tinh thần những người đang tham gia vào cuộc tranh tài trong thể thao, cuộc thi. Thường hoạt động này chẳng ai xin phép và cũng không có nơi nào cấp phép nên câu từ trong quy định là chưa chính xác. Nên chăng quy định “Không được sử dụng các công cụ, phương tiện gây tiếng ồn quá mức khi tham gia cổ động”.

Cũng trong điều 7, ở điểm a, khoản 1 quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo trong khoảng thời gian từ 23 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau”. Một phó chủ tịch UBND P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM, góp ý: “Vi phạm tiếng ồn, nhất là tiếng ồn đô thị diễn ra cả ngày chứ không chỉ từ 23 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Những cơ sở kinh doanh thời trang, cà phê nhạc, hát với nhau, quán nhậu, cửa hàng điện thoại di động, kim khí điện máy, hát karaoke, kể cả hát trong khu dân cư... là những nơi thường xuyên gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng rất lớn đến thần kinh, sức khỏe người khác. Theo tôi, nên bỏ giới hạn về thời gian vi phạm, nếu cần phải giới hạn thời gian thì quy định thêm giờ nghỉ trưa. Ngoài ra, cũng phải quy định mức độ tiếng ồn như thế nào là vi phạm. Đồng thời, phải tăng mức xử phạt thật nặng đối với những trường hợp vi phạm này”.

Thanh Đông

>> Bất bình chuyện điều hành bóng đá
>> Quà cưới dành cho fan bóng đá
>> Xét xử đường dây cá độ bóng đá qua mạng
>> Phá đường dây cá độ bóng đá qua mạng
>> Tạm giữ 23 người cá độ bóng đá
>> Đánh sập 2 "lò" cá độ bóng đá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.