Cải chính tên mẹ trong giấy khai sinh: Sao quá nhiêu khê!

22/02/2005 22:33 GMT+7

Vì có nhu cầu bổ túc hồ sơ để đi xuất cảnh, tháng 3/2004, ông Nguyễn Bắc Bản (1273 Hiệp Nhất, P.4, Q.Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đến UBND phường nộp hồ sơ xin cải chính hộ tịch tên mẹ ông từ giấy khai sinh của ông. Trước đây do sơ suất, cán bộ hộ tịch đã ghi sai tên mẹ của ông là Dương Thị Chà thành Dương Thị Chè, nay ông muốn được sửa lại là Dương Thị Chà cho khớp với những giấy tờ khác của ông và gia đình.

Tại UBND phường, cán bộ hộ tịch hướng dẫn ông: Nếu muốn cải chính, trước hết ông phải đi trích lục giấy khai sinh. Theo hướng dẫn, ông về nơi sinh cũ là Côn Nôn (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để xin sao lục. Sau khi rà soát, biết sổ gốc lập từ chế độ trước đã mất, cán bộ hộ tịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp cho ông một biên nhận đã mất sổ bộ (sổ gốc) đồng thời hướng dẫn ông đem giấy biên nhận này về UBND phường nơi có hộ khẩu thường trú để đăng ký lại việc khai sinh. Tại đây, cán bộ hộ tịch bê nguyên những dữ liệu có sẵn trong giấy khai sinh cũ của ông (giấy khai sinh này có ghi sai tên của mẹ ông) thành bản khai sinh mới và hướng dẫn ông đem giấy này đến Sở Tư pháp xin được cải chính hộ tịch. Bộ phận hộ tịch của Sở hướng dẫn ông cung cấp các loại: giấy chứng tử của bà Dương Thị Chà; tờ khai gia đình chế độ cũ; căn cước chế độ cũ; hộ khẩu NK4; khai sinh bản sao của bà Chà; trích lục hôn thú của bà Chà; bản sao khai sinh của những người con khác; hộ khẩu, chứng minh nhân dân của người con.

Sau khi đi khắp các cơ quan nhà nước để được sao lục và xin được cung cấp các loại giấy tờ, ông Bản đã cung cấp gần như cơ bản các loại giấy tờ trên cho bộ phận hộ tịch. Thế nhưng nguyện vọng của ông Bản không thực hiện được: Bởi Sở Tư pháp không thể giải quyết yêu cầu của ông vì không có cơ sở để xác định bà Dương Thị Chè và bà Dương Thị Chà (đã chết) là một người và là mẹ của ông... Nếu không đồng ý với ý kiến trên đây ông có thể liên hệ với TAND TP Hồ Chí Minh để được xem xét, giải quyết theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (Công văn số 7406/STP-HT ngày 27/12/2004 của Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh).

Và ông đã làm đơn yêu cầu TAND TP Hồ Chí Minh giải quyết. Sau khi chờ đợi một thời gian, ông Bản nhận được công văn trả lời như sau: "Sau khi nghiên cứu đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, TAND TP Hồ Chí Minh không thể thụ lý đơn khởi kiện của ông với lý do: Căn cứ vào điều 33, 34 Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ kiện trên không thuộc thẩm quyền của TAND TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, TAND trả lại đơn cho ông. Người khởi kiện được quyền khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu do tòa án trả lại".

Đến đây thì ông Bản không biết khiếu nại đi đến đâu nữa, và đến Tòa soạn báo Thanh Niên đề nghị được giúp đỡ.

Sau khi xem xét sự việc, chúng tôi thấy rằng: Tại Tờ khai gia đình của ông Bản vào năm 1974, do cha ông là Nguyễn Tiến Lộc - làm chủ hộ, trong đó ghi tên vợ là Dương Thị Chà cùng bảy người con trong đó có ông Nguyễn Bắc Bản là con ruột của hai người, tại bản khai hộ khẩu gia đình vào năm 1982 do ông Nguyễn Tiến Lộc làm chủ hộ cũng có tên vợ là bà Dương Thị Chà và các con trong đó có ông Nguyễn Bắc Bản, đồng thời tại sổ hộ khẩu gia đình vào năm 1994 do bà Dương Thị Chà đứng chủ hộ (lúc này chồng bà là Nguyễn Tiến Lộc đã chết) có ghi tên các con trong đó có tên ông Nguyễn Bắc Bản. Ngoài ra, có nhiều loại giấy khác có giá trị chứng cứ như bản khai sinh của ông Nguyễn Thế Gia, ông Nguyễn Trọng Vọng, bà Nguyễn Thị Kim Anh là anh em ruột của ông Bản... có cùng tên cha mẹ trong tờ khai gia đình, sổ hộ khẩu hay như giấy hôn thú của cha mẹ ông Bản, giấy chứng tử của bà Chà... Những chứng cứ này đều có giá trị để khẳng định bà Dương Thị Chè chính là Dương Thị Chà và là mẹ của ông Bản.

Thế nhưng hồ sơ của ông đã một năm nay không biết vì sao vẫn chưa có lối thoát.

Hoàng Tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.