Bỏ hay không bỏ ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam?

17/02/2005 15:48 GMT+7

Câu hỏi "Có nên bỏ ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam?" đang được đông đảo bạn đọc trong nước cũng như kiều bào đặc biệt quan tâm. Sau khi Thanhnien Online đăng tải ý kiến của anh Nguyễn Quốc Trung và anh Lê Dũng về vấn đề này, chúng tôi đã nhận được thêm rất nhiều ý kiến khác nữa: đồng tình có, phản đối có.

* Bạn Quốc Thủy (Hà Nội) viết:

Tôi tuy chưa đọc bài của GS. Võ Tòng Xuân; nhưng rất tán thành ý kiến đóng góp của hai độc giả Nguyễn Quốc Trung và Lê Dũng.

Nhân đây, tôi xin góp ý thêm về việc tăng thêm ngày nghỉ, cụ thể là tăng thêm ngày nghỉ trong dịp Tết dương lịch. Vì xét về khía cạnh kinh tế, tăng thêm ngày nghỉ là kích cầu tiêu dùng, tức là tạo cho người dân cơ hội đi du lịch, đi mua sắm... Tôi đã có dịp sống một thời gian ở một nước phát triển. Tôi thấy số ngày nghỉ của họ trong năm cao hơn của ta rất nhiều. Cách đây vài năm khi Nhà nước ta đưa ra ý kiến tăng thêm ngày nghỉ thứ bảy (lúc ấy chỉ được nghỉ ngày chủ nhật), lúc đó cũng có ý kiến lo ngại là sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động và phát triển kinh tế. Nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy lo ngại trên là không đúng, việc tăng thêm ngày nghỉ thứ bảy là chủ trương đúng.

* Ý kiến của bạn Bùi Đông Thanh và Trần Anh Tuấn (TP HCM):

Đọc qua các bài viết của GS. Võ Tòng Xuân và ý kiến phản hồi của 2 bạn Nguyễn Quốc Trung và Lê Dũng, tôi rất tâm đắc và đồng tình với ý kiến của 2 bạn này. Tôi cho rằng Tết cổ truyền là một lễ hội rất thiêng liêng. Đó chính là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, nên không thể vì hội nhập mà xoá bỏ được.

* Nguyễn Thanh Hải (TP HCM):

Kính gửi Toà soạn Báo Thanh Niên, tôi hoàn toàn không nhất trí với ý kiến bỏ Tết cổ truyền, cho dù quý báo nêu lên cho rằng đây là một ý kiến táo bạo.

Ngày Tết cổ truyền Việt Nam ngoài việc ăn, uống thông thường còn kèm theo khí sắc xuân về làm xúc động lòng người mà không thể có thời khắc nào trong một năm có được, đây cũng là yếu tố mà không một người dân VN nào có thể dửng dưng mỗi độ xuân về và làm nao lòng những người con VN ở xa tổ quốc.

Mặt khác, xóa bỏ Tết cổ truyền với mục đích chống lãng phí có được hay không khi chính mỗi con người chúng ta thường cũng chỉ đề ra mục đích là làm lụng cả năm để Tết đến đi sắm sửa, tiêu xài. Nếu nhìn nhận việc lãng phí ngày Tết bằng cách bỏ nó đi thì dần dần chúng ta sẽ bỏ hết tất cả những cái gọi là cổ truyền.

Tôi cũng là một người con tha phương cầu thực, bỏ quê đi tìm sự nghiệp và cũng rất vất vả kiếm một tấm vé tàu, xe về quê ăn Tết mỗi độ xuân về, thế nhưng vượt qua tất cả là những ngày Tết quê thấm đẫm không khí xuân sang nơi quê nhà mà cho dù giàu có đến bao nhiêu đi nữa cũng không mua được vào những thời khắc khác trong năm.

* Không nên bỏ Tết cổ truyền. Đó là câu mở đầu thiết tha trong bức thư mà bạn Trần Việt Phương (Webster University Thailand) gửi cho chúng tôi, trong thư bạn viết: "Văn hóa là một phần quan trọng để tạo nên hình ảnh của một đất nước, nhất là một đất nước có bề dày về văn hóa và lịch sử như Việt Nam. Vậy thì tại sao lại bỏ Tết cổ truyền trong khi chúng ta đang cần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống? Khi ra nước ngoài rồi tôi mới thấy thực sự trân trọng văn hóa của mình và đó là một điều đáng tự hào. Càng hãnh diện hơn khi bạn bè quốc tế hỏi thăm về Tết cổ truyền của Việt Nam. Hơn nữa, chính lễ hội văn hóa truyền thống này là công cụ để quảng bá cũng như thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Tết là văn hóa và văn hóa là yếu tố cơ bản để tạo nên sự khác biệt giữa các nước trên thế giới".

* Ý kiến của bạn Nguyễn Văn Tết:

Mỗi quốc gia đều có một bản sắc văn hoá dân tộc riêng của mình và người dân luôn tự hào về điều đó. Đồng ý với Giáo sư là chúng ta nên hội nhập, nhưng hội nhập cách nào mà vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc thì mới gọi là hay. Theo Giáo sư thì chúng ta nên ăn Tết theo lịch của Tây u thì có thể nắm bắt được cơ hội làm ăn. Vậy những ngày họ nghỉ Tết tây và những dịp lễ lớn trong năm khác thì sao? Trong những thời gian đó mình có làm việc được với họ không? Tại sao lại phải lệ thuộc vào họ quá như vậy?

* Nguyễn Thanh Hiệp (Tiền Giang):

Kính chào Giáo sư, lâu nay qua báo chí, em có nghe nói nhiều về Giáo sư. Giáo sư có những quyết định chính chắn, mang tính tiên phong trong ngành giáo dục ở Việt Nam. Tuy nhiên, với ý kiến chuyển Tết âm lịch sang Tết dương lịch thì em xin mạn phép phản đối.

Tết âm lịch ở nước ta đã có từ lâu đời, có lẽ nó đã thuộc về truyền thống văn hóa của dân tộc, ăn sâu vào tiềm thức mỗi con người Việt Nam. Trên con đường tiến lên công nghiệp hóa & hiện đại hóa (mà vẫn giữ đậm đà bản sắc dân tộc), thì thiết nghĩ, Tết cổ truyền là thứ cần được bảo tồn và phát huy chứ không phải bỏ đi như giáo sư đã nói.

Tết cổ truyền, niềm tự hào, khoảnh khắc mong đợi riêng của con người Việt Nam. Nếu bỏ đi, theo Tết dương lịch, thì đã mang quốc hồn quốc túy của người Việt (hàng ngàn năm gìn giữ) mà quăng xuống sông.

Muốn thay đổi một cái gì thuộc về truyền thống thì thật là khó (đặc biệt là truyền thống tốt đẹp). Tết đến kéo theo nhiều lễ hội, điều kiện cho ngành du lịch phát triển, muốn thay đổi thời gian các lễ hội (có phần nghiêng về tôn giáo và sự linh thiêng) thì thật là khó nếu không muốn nói là không thể.

Nhưng chủ yếu ở đây, theo suy nghĩ của em, vấn đề không phải là những khó khăn nào vấp phải khi tiến hành thay đổi mà là nên thay đổi hay không. Bây giờ thì em đã hiểu thế nào là mặt trái của công nghiệp hóa, quả thật đáng sợ.

Chúc giáo sư nhiều sức khỏe.

* Bỏ Tết cổ truyền có nên không? Đó là câu hỏi mà bạn Nguyễn Viết Huy và bạn Nguyễn Văn Hà tự đặt ra cho mình và cả 2 bạn cũng đã có câu trả lời ngay lập tức, bạn Huy viết: "Đã nói đến cổ truyền là nói đến sự duy trì truyền thống của dân tộc, mọi dân tộc đều có một truyền thống riêng, truyền thống đó là một dấu chỉ của một dân tộc. Vậy thì mình có nên loại bỏ dấu chỉ của dân tộc mình hay không? Trong cơ chế hòa nhập nhưng cái gốc của người Việt phải được giữ gìn và tôn trọng để chúng ta không bị mất gốc".

Còn đây là những dòng tâm sự của bạn Hà: "Tôi không biết tại sao lại đòi bỏ Tết cổ truyền. Văn hóa Việt Nam dựa trên cơ sở văn hóa lúa nước nên phải lấy âm lịch để làm nông. Từ ngàn năm nay ông cha ta đã chiến đấu bảo vệ đất nước và giữ gìn bản sắc dân tộc, chống đồng hóa của phương bắc. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cứ chuyển tất cả lễ Tết âm lịch về dương lịch. Tôi nghĩ rằng chắc là bỏ hết ca dao, tục ngữ, truyền thống Việt Nam. Điều này chẳng khác gì văn hóa Việt Nam bị đồng hóa theo Tây phương. Sau này chúng ta giải thích thế nào cho con cháu chúng ta...".

* Lam Hoa Hoang (TP HCM):

Khi chúng ta đưa ra một vấn đề để xem xét thì là một điều tốt, nhưng phải cân nhắc xem tương lai nó sẽ đi về đâu. Tôi cho rằng Tết cổ truyền có một giá trị văn hóa lớn hơn những gì ta nghĩ, một Việt Nam hoàn toàn. Chúng ta có thể đưa ra 1 ví dụ rất gần gũi, đó là bất cứ ai, dù đi đâu làm xa, nhưng Tết là phải về quây quần bên gia đình, cúng ông bà tổ tiên. Nếu chúng ta bị hòa tan vào một xã hội không Việt Nam, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được. Vấn đề ở đây không phải là tiền bạc hay thời gian, mà là con người, nhân cách Việt Nam, truyền thống châu Á bị bào mòn.

* Nguyễn Thanh Thủy (Hà Nội):

Là một người Việt Nam tôi rất tự hào với cái Tết truyền thống của đất nước mình. Khi có ai hỏi lễ hội nào quan trọng nhất ở nước bạn, tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là dịp Tết cổ truyền. Tết chính là cơ hội để mọi người gặp mặt nhau, cùng nghỉ ngơi sum vầy và đầm ấm bên mâm cơm gia đình. Tết còn là dịp để mọi người bày tỏ yêu thương, tình cảm... thế nên không thể để Tết cổ truyền mất đi... Giữ Tết cổ truyền chính là giữ được nét đẹp văn hóa. Chúng ta vẫn hội nhập nhưng chúng ta có bản sắc và phong tục riêng...

* Nguyễn Văn Trường (TP HCM):

Phong tục tập quán của ông cha để lại là một điều quý báu. Tết là ngày văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tôi rất tự hào về điều đó. 

* Lê Trung Phú (Tân Phú Trung, Củ Chi): Tết cổ truyền, sao lại phải "hội nhập"?

Trong thời buổi hiện nay, muốn đất nước ngày càng phát triển thì chuyện hội nhập với quốc tế là điều bắt buộc hiển nhiên không phải chỉ riêng Việt Nam mà là đối với tất cả các quốc gia khác. Nhưng chuyện "hội nhập Tết", tôi không đồng tình!

... Tất cả người Việt Nam cho dù là đang sinh sống ở trong nước hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới thì ngày Tết Nguyên Đán (3 từ thiêng liêng) là ngày gợi nhớ đến tổ tiên, là ngày mà mọi trái tim Việt Nam điều hướng về quê cha đất tổ. Điều này được chứng minh qua số lượng bà con Việt kiều về đón Tết cổ truyền mỗi năm ngày càng tăng...

Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có một số ý kiến đồng tình với ý kiến của GS. Võ Tòng Xuân:

* Bạn Nguyễn Huỳnh Toại (TP HCM):

Tôi tán thành với đa số lập luận của GS. Võ Tòng Xuân trong bài viết "Tết "hội nhập", tại sao không?". Tôi có vài ý như thế này:

1. Tôi cho là các lập luận không đồng ý với bài viết của GS là không chắc vì: nghỉ ngơi, thăm hỏi, chúc phúc, lễ hội, mua sắm, kích cầu... rất nhiều lý do nữa thì vẫn có thể làm ở Tết dương lịch chứ đâu có mất đâu. Ở đây chúng ta chỉ ăn Tết sớm hơn độ 1-2 tháng, ngoài ra chẳng có điều gì khác có hại, nhưng nhiều điều có lợi thì có thể thấy được.

2. Việt kiều xa xứ lẽ ra phải ủng hộ ý kiến này, bởi vì tất cả chúng ta sẽ được nghỉ cùng thời gian (có thể từ Giáng sinh cho đến Tết dương lịch) thế thì Việt kiều về thăm người thân hoặc trong nước ra nước ngoài thăm thân nhân (tại sao không?) dễ hơn chứ và Việt kiều cũng ăn Tết chung với quê nhà chứ không buồn bã nhớ Tết quê vì những ngày xuân mình vẫn làm việc.

3. Cái cách chúng ta tổ chức lễ hội Tết mới là nét văn hóa (nhậu nhẹt ngày tết cũng là nét văn hóa), chứ không phải thời điểm. Bài viết của GS. Võ Tòng Xuân rõ ràng là đưa ra nhiều lập luận chủ yếu để thay đổi thời điểm chúng ta ăn Tết chứ không phải thay đổi cách tổ chức lễ hội Tết. Vì vậy ai có thể nói là mất bản sắc văn hóa, chưa nói đến Tết của chúng ta cũng cùng thời gian với một số nước khác, vậy bản sắc ở đâu? Ta không giống với Tây thì cũng giống Trung Quốc.

4. Rất nhiều sự kiện gắn chúng ta với ngày dương lịch, ngay cả chữ viết của ta cũng giống Tây. Sự kiện năm 2000 (Y2K) cũng được chờ đợi một cách hồi hộp cũng đâu có gắn với cái Tết của ta. Tôi còn nhớ, truyền hình lúc đó đưa tin rất nhiều quốc gia ăn Tết ra sao vào ngày đó, trong khi ta vẫn làm việc.

5. Điều cuối cùng: Thanhnien Online thử làm một cuộc điều tra xem bây giờ bao nhiêu phần trăm người trả lời đúng ngày âm lịch của hôm nay? (dĩ nhiên đừng làm gần ngày tết vì mới đó nên họ còn nhớ) và 10, 20 năm nữa thì sao?

* Dương Bình Luyện (TP Tuy Hòa): Tết Dương lịch tiện cả đôi đường!

Tôi rất tâm đắc và đồng tình với GS. Võ Tòng Xuân. Quả thật là Tết Nguyên Đán đã và đang lãng phí lớn về thời gian, tiền bac, sức khỏe, cơ hội... cho mọi người, mọi nhà và cả đất nước. Hãy về những vùng quê nghèo mà xem nhân dân chuẩn bị Tết: từ 23 tháng chạp đã chuẩn bị theo thói quen cả năm nhịn để 1 tháng ăn (chơi). Rồi thì cúng kính từ 29 tháng chạp (cúng mặn), 30 tháng chạp (cúng chay), Tất niên, cúng rước ông bà, cúng khai niên mùng 2, cúng Tạ mùng 3, Tết trâu bò mùng 4... Cá biệt có gia đình cúng đến mùng 7 hạ nêu. Mỗi lần cúng phải có này, có kia, có canh vài món, thịt vài món, cá vài món, xào vài món,... ăn uống thì không bao nhiêu nhưng chi tiêu quả là tốn kém. Nay, lối sống có nâng lên nhiều nhưng việc chi tiêu cho cúng kính như thế chiếm đáng kể ngân quỹ gia đình. Với suy nghĩ như vậy nên chuẩn bị Tết cũng tốn nhiều thời gian. Sau Tết còn lại rượu thịt quí ông lại bày ra "trút hũ". Thói quen như thế cần phải sửa thôi... Đã đến lúc hội nhập, Tết Nguyên Đán nghỉ một ngày như Tết tây hiện nay, chuyển sang nghỉ Tết dương lịch từ 24/12 hàng năm đến mùng 1 tháng giêng là xong. Như thế tiện cả đôi đường: vừa giữ Tết dân tộc, vừa hòa nhập thế giới...

* Nguyễn Ngọc Minh Trí (TP HCM):

GS hoàn toàn đúng khi đặt vấn đề Tết cổ truyền của chúng ta có thực sự là "bản sắc dân tộc" hay không khi hoàn toàn theo lịch Trung Quốc? Tôi đã có dịp sang Trung Quốc và tôi cũng đã có ý nghĩ như vậy, và không chỉ có Tết cổ truyền mà cả Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu... Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của GS về việc rất cần thiết phải điều chỉnh thời gian ăn Tết của VN sang thời điểm Tết Dương lịch của thế giới, điều đó tạo rất nhiều lợi thế cho chúng ta trong việc hòa nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế-văn hóa thế giới.

Tuy nhiên, theo tôi điều này chỉ có thể làm được một khi trình độ dân trí được nâng lên. Phong tục ăn Tết theo lịch cổ truyền của chúng ta đã ăn quá sâu vào tâm thức của mọi người. Việc chuyển đổi lịch ăn Tết có thể dễ được chấp nhận ở những người trẻ tuổi, có trình độ nhận thức, khả năng thích nghi, hòa nhập với các nền văn hóa cao nhưng sẽ rất khó đối với phần lớn những người còn lại. Sẽ cần có một lộ trình để thực hiện việc chuyển đổi này, trong đó việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân là cần thiết; phải được làm bài bản, bắt đầu ngay đối với các em học sinh trong các trường học...

Còn rất nhiều ý kiến khác, chúng tôi sẽ cho đăng tải trên Thanhnien Online trong thời gian sớm nhất. Bạn đọc nào quan tâm đến vấn đề này có thể bấm vào đây để đóng góp ý kiến của mình.

TNO

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.