Tỏa sáng vì cộng đồng: Chàng trai trở thành người thân bệnh nhân suy thận

Nguyên Trang
Nguyên Trang
30/06/2019 09:09 GMT+7

Anh Mai Quyết Thắng không thể đếm hết số lần đến thăm bệnh nhi chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM trong suốt 9 năm qua (2010 - 2019). Có bệnh nhân cũ, mới, người lạ, người quen, nhưng ai cũng coi anh như người thân.

 
Kể từ chương trình đầu tiên “Cuộc sống ý nghĩa bao nhiêu”, do anh Mai Quyết Thắng, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen, thực hiện cho đến nay, có hàng triệu người được tiếp cận thông tin về căn bệnh suy thận nguy hiểm.

Từ chăm sóc bà nội bị bệnh

Anh Thắng kể: “Mình biết đến bệnh suy thận là do bà nội của mình bị bệnh này. Trong suốt thời gian chăm sóc bà, thấy bà bị những cơn đau hành hạ, mình tìm hiểu thêm về căn nguyên của bệnh. Cũng vì thế biết được rằng đây là căn bệnh không chừa một ai. Khi phát hiện bệnh, thường người ta ở giai đoạn cuối phải chạy thận rất đau đớn. Tuy nhiên, đây là bệnh rất dễ phòng chống. Chỉ cần thay đổi lối sống, không thức khuya, tập thể dục, ăn uống điều độ không có chất hóa học, phụ gia thực phẩm... là có thể ngừa được phần lớn nguy cơ dẫn đến suy thận. Chính vì thế, mình muốn lan tỏa thật nhiều thông tin đến cộng đồng, để mọi người khỏe mạnh, có thể làm được điều mình muốn. Đừng để bệnh rồi mới chạy chữa thì đã muộn”.

Đến đưa thành một dự án trong chương trình giảng dạy

Bắt đầu từ năm 2018, anh Mai Quyết Thắng đưa câu chuyện về bệnh nhân suy thận vào ứng dụng trong môn học quản lý dự án dành cho sinh viên.

“Năm ngoái là lần đầu tiên tôi đưa câu chuyện của các bệnh nhân vào môn học tại trường. Các sinh viên lập dự án làm sao để truyền tải thông tin phòng ngừa bệnh đến cộng đồng. Đồng thời có hoạt động hỗ trợ đối với bệnh nhân. Lúc tham gia sự kiện dạy vẽ của sinh viên cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi đồng 2, mình vô cùng xúc động trước những nét vẽ ngây ngô trên đôi bàn tay chi chít vết chạy thận. Nhiều em vẽ tranh ước mơ về ngôi nhà, bởi nhà các em ở quá xa, hành lang bệnh viện trở thành nhà nên các em ước có ngôi nhà nhỏ có không gian để chạy nhảy… Từ quá trình đi dạy vẽ cho bệnh nhân, các em sinh viên cũng thay đổi góc nhìn của bản thân. Mọi người hiểu thêm về những mảnh đời bất hạnh, có thái độ tích cực hơn khi làm thiện nguyện”, anh Thắng cho hay.
Hỷ Minh Khánh, sinh viên ngành thiết kế đồ họa vừa tốt nghiệp, chia sẻ: “Năm ngoái mình may mắn được học môn này. Đề tài thầy giáo đưa ra thực sự thử thách đối với lớp mình. Tụi mình có tổ chức một sự kiện triển lãm ảnh trong trường, đưa ý tưởng thành hiện thực. Qua đó góp phần cho các bạn khác biết rõ hơn về bệnh suy thận. Chương trình cũng gây được khoản quỹ đóng góp cho hoạt động giúp đỡ các bệnh nhân suy thận tại bệnh viện. Không chỉ hiểu hơn về căn bệnh này, tụi mình cũng có ý thức hơn về sức khỏe, đi kiểm tra thường xuyên hơn, có lối sống lành mạnh để ngừa bệnh cho bản thân và gia đình”.
Học kỳ đầu tiên của năm 2019, anh Thắng tiếp tục đưa đề tài này vào môn học cho sinh viên mới. “Mình cũng mong muốn thật nhiều người chung tay với mình, để góp phần lan tỏa thông điệp tốt đến cộng đồng. Để không còn cảnh những em nhỏ mặt phờ phạc bước ra từ căn phòng chạy thận không nói nổi một câu. Không còn cảnh người còn người mất bởi căn bệnh có thể phòng tránh được”, anh Thắng tâm sự.
Từ năm 2010 - 2014, thực hiện chương trình “15 giây chia sẻ yêu thương”, anh Mai Quyết Thắng và các đồng nghiệp đã lan tỏa câu chuyện đến hơn 3 triệu người. Nhóm của anh đã quyên được 100 triệu đồng (tương đương 330 suất chạy thận nhân tạo cho những bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện đa khoa Thủ Đức, TP.HCM).
Năm 2014 cũng là năm đầu tiên nhóm của anh thực hiện “Chợ phiên”. Ngoài quyên góp đồ cũ, vật dụng cũ, nhóm của anh tạo không gian để mọi người tiếp cận thông tin về bệnh suy thận thông qua các poster đặt tại chợ phiên.
3 năm gần đây, nhiều hoạt động thiện nguyện do anh tổ chức nhằm giúp đỡ bệnh nhân suy thận và đưa những thông điệp về phòng chống bệnh suy thận đến mọi người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.