Tòa không giải quyết, dân dễ... tự xử

07/02/2015 05:05 GMT+7

Nhiều chuyên gia luật cho rằng việc nhiều tòa án hiện nay từ chối giải quyết các vụ, việc dân sự trong trường hợp không có quy định pháp luật điều chỉnh, dẫn đến tình trạng dân “tự xử”, gây mất ổn định an ninh trật tự.

Nhiều chuyên gia luật cho rằng việc nhiều tòa án hiện nay từ chối giải quyết các vụ, việc dân sự trong trường hợp không có quy định pháp luật điều chỉnh, dẫn đến tình trạng dân “tự xử”, gây mất ổn định an ninh trật tự.

Luật sư Hoàng Văn Sơn trao đổi tại buổi tọa đàm

Luật sư Hoàng Văn Sơn trao đổi tại buổi tọa đàm - Ảnh: Phan Thương

Vấn đề trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự được đưa ra mổ xẻ tại tọa đàm về dự thảo bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi. Tọa đàm do Bộ Tư pháp và dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG, thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID) phối hợp tổ chức trong hai ngày 5 - 6.2, tại TP.HCM.

“Tôi đi tìm công lý, tòa từ chối tôi biết tìm đâu?”

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay, tòa án thường từ chối yêu cầu giải quyết các vụ, việc dân sự trong trường hợp không có quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề tranh chấp, dẫn đến quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên liên quan không được bảo vệ, can thiệp, giải quyết kịp thời. Vì vậy, phương án sửa đổi trong dự thảo được thay đổi theo hướng: tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, là cần thiết. Trong trường hợp này, tòa sẽ áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, lẽ công bằng hoặc án lệ để xem xét, giải quyết.

Trước nay, quan điểm của tôi vẫn không chấp nhận việc dân có tranh chấp đưa đến mà tòa không giải quyết. Nếu tòa án từ chối dẫn đến tình trạng dân sẽ tự giải quyết bằng cách nhờ xã hội đen, khi đó hậu quả càng nghiêm trọng hơn

Thẩm phán Nguyễn Công Phú, Phó chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM

Luật sư Hoàng Văn Sơn, Đoàn luật sư TP.HCM, đưa ra ba vụ án cụ thể mà văn phòng của ông bị tòa từ chối nhận đơn “không đáng”, từ đó quyền lợi người dân đã không được đảm bảo. Cụ thể, vụ ông Nguyễn Văn Bòn (TP.Huế), khi nộp đơn yêu cầu tòa hủy giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì nhận được câu trả lời “chứng cứ nộp cho tòa là bản phô tô nên tòa không thụ lý”. Năm 2014, bà Phan Thị Hải (tỉnh Nghệ An) nộp đơn yêu cầu xin ly hôn, thì tòa trả lời “chỉ thụ lý khi bà Hải cung cấp được chứng cứ địa chỉ và nơi công tác của chồng bà tại nước ngoài”. Hay một vụ đòi tiền đặt cọc mua xe tại Q.Tân Bình (TP.HCM), tòa lại yêu cầu đương sự phải có văn bản hòa giải tại địa phương thì mới thụ lý.

Đồng tình, luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM, nhận xét khi tất cả các quyền công dân, quyền con người bị xâm phạm và người dân có yêu cầu thì tòa án nên thụ lý giải quyết.

“Tôi đi tìm công lý nhưng đến tòa lại bị từ chối thì tôi biết tìm đâu. Anh cứ thụ lý cái đã, còn giải quyết ra sao cho phù hợp, cho đúng thì tòa hướng dẫn cho dân, đồng thời hỗ trợ dân”, ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, chia sẻ quan điểm.

Cần sửa cả bộ luật Tố tụng dân sự

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi bên lề với PV Thanh Niên, thẩm phán Quách Hữu Thái, Phó chánh tòa Dân sự TAND TP.HCM, cho rằng quy định “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là quá rộng, khó áp dụng. Quy định cần có một giới hạn chứ không thể thụ lý ở bất cứ lĩnh vực nào. “Nếu người dân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết các tranh chấp dân sự liên quan đến an ninh quốc phòng, hay kiện lãnh đạo Quốc hội vì cho rằng chính sách, luật ban hành của nhà nước ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ, chẳng lẽ tòa cũng thụ lý?”, ông Thái nêu ví dụ và đề xuất nên sửa lại theo hướng “Tòa án không được từ chối..., trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Thẩm phán Nguyễn Công Phú, Phó chánh tòa Kinh tế TAND TP.HCM, nói: “Quy định hiện tại về việc tòa từ chối thụ lý các tranh chấp khi không có quy định pháp luật điều chỉnh là không ổn. Trước nay, quan điểm của tôi vẫn không chấp nhận việc dân có tranh chấp đưa đến mà tòa không giải quyết. Nếu tòa án từ chối dẫn đến tình trạng dân sẽ tự giải quyết bằng cách nhờ xã hội đen, khi đó hậu quả càng nghiêm trọng hơn”.

Ông Phú cũng cho rằng liên quan đến tranh chấp dân sự mà tòa có thụ lý hay không thì phụ thuộc vào bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) chứ không phải BLDS. Trong khi đó, BLTTDS lại quy định theo hướng vừa đóng vừa mở. “Đóng tức là liệt kê một số tranh chấp cụ thể thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, mở là ghi thêm câu “và các tranh chấp khác mà pháp luật có quy định”. Nhưng cái mở này cũng không mở hoàn toàn mà kèm theo điều kiện pháp luật có quy định. Từ đây khiến tòa xem xét các trường hợp tranh chấp để thụ lý trở nên phức tạp, dẫn đến trường hợp có thể cùng sự việc tranh chấp nhưng có tòa thụ lý, tòa không”, ông Phú nhìn nhận và cho rằng nên sửa BLTTDS trước theo hướng, tòa án phải thụ lý giải quyết tất cả các tranh chấp, khi pháp luật không quy định thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác. “BLDS muốn sửa đổi theo bản dự thảo là tốt nhưng nên sửa cả BLTTDS để đồng bộ”, ông Phú đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.