Tờ nhật báo đầu tiên trên thế giới được viết tay trên lụa

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
17/07/2021 13:22 GMT+7

Vào thời cổ đại, hình thức báo chí đầu tiên của La Mã là bản tin Acta Diurna (Sinh hoạt hàng ngày), do chính quyền La Mã thực hiện. Bản tin này được khắc trên đá hoặc kim loại, đặt ở những nơi công cộng.

Báo chí ở Trung Quốc, xuất hiện dạng công báo, đầu tiên gọi là “Để báo” (邸報), lưu hành trong giới quan chức triều đình vào cuối đời nhà Hán (thế kỷ 2 – 3 sau CN). Từ năm 713 đến 734 xuất hiện bản tin do triều đình nhà Đường thực hiện gọi là “Khai nguyên tạp báo” (開元雜報). Đây là tờ báo đầu tiên của Trung Hoa và cũng là tờ nhật báo đầu tiên trên thế giới, được viết tay trên lụa.
Ở Châu Âu, chính phủ Venice lần đầu thực hiện bản tin hàng tháng “notizie scritte” vào năm 1556. Những bản tin này cũng được viết bằng tay (gọi là avvisi), thường là những thông tin về chính trị, quân sự, kinh tế..., phát hành không chỉ ở nước Ý mà còn đi nhiều nơi khác ở châu Âu.

Bản tin viết tay avvisi của chính quyền Venice nước Ý (1663)

Ảnh: T.L

Dĩ nhiên, những bản tin hay công báo vào thời đó không đáp ứng đầy đủ tiêu chí mà ta gọi là “báo, tạp chí” như ngày nay.
Còn về cụm từ "báo lá cải". Hầu như ai cũng hiểu thuật ngữ này, song nguồn gốc của nó vẫn còn gây tranh luận. Nhiều người cho rằng báo lá cải là cách dịch từ thuật ngữ “Tabloid journalism” (*) hay “rag newspaper” trong tiếng Anh.
Nếu dùng trong định dạng báo thì "Tabloid" có nghĩa là "báo khổ nhỏ" hoặc "báo lá cải" (Tabloid journalism). Những tờ báo nổi tiếng về loại này tại Anh Quốc có thể kể tên là The Sun, Daily Mail, Daily Express, Daily Mirror, Daily Star, Daily Record hay Sunday Mail...
Xét về nghĩa thì “Tabloid journalism” hay “rag newspaper” đều tương ứng với khái niệm "báo lá cải" trong tiếng Việt nhưng không phải là nguồn gốc, vì chính xác thì "báo lá cải" là cách dịch từ cụm từ "feuille de chou" trong tiếng Pháp. "Feuille de chou" có nghĩa đen là "lá cải", nghĩa bóng dùng để chỉ loại báo kém chất lượng, ít gíá trị vì chủ yếu chỉ khai thác những chuyện giật gân, tầm phào.

Trang bìa báo "lá cải" The Sun (Anh)

Ảnh: T.L

Nhưng tại sao người Pháp lại sử dụng hình tượng lá cải để chỉ loại báo chí này mà không dùng những loại lá khác hay những hình ảnh khác? Xin thưa, đơn giản là vì vào cuối thế kỷ 19, người nông dân Pháp thường dùng rau trong bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là dùng bắp cải vì loại này rẻ tiền. Do bắp cải được xem là ít giá trị nên người ta có thói quen so sánh nó với những gì không đáng kể, tầm thường. Từ đó, "feuille de chou" được dùng để chỉ loại báo chí mà người Việt dịch là" báo lá cải".
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.