Tổ công tác đặc biệt ở Quảng Nam 'gỡ khó' nhiều lĩnh vực cho doanh nghiệp

Mạnh Cường
Mạnh Cường
25/12/2023 18:18 GMT+7

Sau nhiều tháng thành lập, Tổ công tác đặc biệt của Quảng Nam đã gỡ khó, giải quyết một số vướng mắc cho doanh nghiệp ở các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, bất động sản…

Tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, tổ chức ngày 25.12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh có một số chia sẻ liên quan đến Tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho doanh nghiệp (DN).

Theo ông Thanh, Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, 2 Phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ phó cùng 11 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Tổ công tác đặc biệt ở Quảng Nam 'gỡ khó' nhiều lĩnh vực cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nói về Tổ công tác đặc biệt gỡ khó cho DN tại buổi họp báo

MẠNH CƯỜNG

Từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác đặc biệt đã giải quyết vướng mắc cho một số DN trên các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản và các dự án bất động sản, nhà ở, khu dân cư...

"Trước mắt, chúng tôi giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở một số nhóm như vậy. Trong thời gian đến, Tổ công tác đặc biệt sẽ tiếp tục thu thập thông tin, bố trí các cuộc họp tiếp theo để giải quyết vướng mắc cho các DN ở những lĩnh vực khác như nông nghiệp, du lịch, bất động sản…", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, trong quá trình triển khai gỡ khó cho DN, có nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền của tỉnh nên phải chờ thẩm quyền của cấp T.Ư xử lý.

Ngoài ra, đã có cuộc họp giải quyết liên quan đến những vướng mắc trong các dự án kinh doanh bất động sản, nhà ở. Đối với một số vấn đề mới phát sinh, UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy.

Tổ công tác đặc biệt ở Quảng Nam 'gỡ khó' nhiều lĩnh vực cho doanh nghiệp- Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra các dự án trọng điểm trên địa bàn H.Núi Thành

MẠNH CƯỜNG

Cũng theo ông Thanh, có những vụ việc cần phải báo cáo với các bộ, ngành T.Ư tổng hợp giải quyết chung trên phạm vi cả nước, nên nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ kịp thời, chưa đáp ứng ngay được mong muốn của cộng đồng DN.

"Có những dự án của DN chỉ còn vướng mắc rất ít, nhưng lại bị vướng về mặt kiểm tra, thanh tra… nên phải chờ kết luận chính thức thì mới có cơ sở để tháo gỡ từng bước", ông Thanh nói.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 16.5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác đặc biệt có chức năng, nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

Ngoài ra, Tổ công tác đặc biệt giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành và địa phương; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan...

Xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, 2023 là năm đầy khó khăn, thách thức đối với tỉnh. Những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành đã được tỉnh nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá để có giải pháp cho năm 2024.

2024 là năm có tính chất rất quan trọng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã đề ra.

Tỉnh xác định có 4 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt.

Thứ hai, củng cố lại tổ chức bộ máy. Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã chỉ ra một số sai phạm tại một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Việc này cần phải sớm được củng cố, kiện toàn để xốc lại tinh thần, nâng cao tinh thần làm việc cho cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khắc phục điểm nghẽn cố hữu để giảm thiểu sự phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong 2 năm 2022 - 2023, tốc độ giải ngân trên địa bàn còn chậm, nhất là năm 2023. Có nhiều vướng mắc đã được chỉ ra và phải tập trung tháo gỡ, có các giải pháp để chấn chỉnh và làm tốt hơn trong năm 2024.

Thứ tư, tập trung đầu tư xây dựng vùng núi, vùng sâu vùng xa, xây dựng nông thôn mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án trên các lĩnh vực từ bất động sản, du lịch, khoáng sản đến các dự án đầu tư khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.