Tổ ấm 'khuyết' và những định kiến về gia đình cần gỡ bỏ

28/06/2022 09:11 GMT+7

Có thể trong suy nghĩ của mỗi người khi nhắc đến hai chữ gia đình sẽ bao gồm người bố, người mẹ và một hoặc nhiều đứa trẻ. Song, cuộc sống hiện đại ngày nay đã cho chúng ta thêm một góc nhìn khác về gia đình.

Có những nhóm người mà trước đây chúng ta lãng quên họ, thậm chí cho rằng nó là cái gì đó thuộc về “sự cố vô tình” của tạo hóa để không giống ai về hình hài hoặc về mặt giới tính. Họ khác nhau về hoàn cảnh, nhưng lại giống nhau ở một điểm chung là tổ ấm của họ đều bị “khuyết” về một điều gì đó. Vậy nên, họ luôn là tâm điểm kỳ thị của một số bộ phận trong xã hội. Họ bị soi mói và mỉa mai, thậm chí cả sự hoài nghi về tương lai của những đứa trẻ do họ sinh ra.

Gia đình cũng giống như sự an toàn, được sinh ra từ tình yêu thương chứ không phải từ các định kiến xưa cũ (ảnh minh họa)

NVCC

Có một phim ngắn tôi đã từng xem với những câu thoại rất cay nghiệt như: “Làm sao chăm được con?” “Hai thằng đực rựa thì ai là cha ai là mẹ?” “Rồi chơi với con được không?” “Sao lại sinh con một mình?”... Đó là những câu nói mà không ít người đã và đang dành cho những gia đình đang bị khuyết đi một điều gì đó.

Tôi chơi với nhiều bạn thuộc cộng đồng LGBT+ , họ kể tôi nghe những câu chuyện về sự kỳ thị của một số người trong xã hội và sự ép buộc của những người thân trong gia đình không cho phép họ được sống thật với giới tính của mình. Trong đó, đã có một số bạn đã từng nhiều lần có ý định tự vẫn, bởi không chịu đựng được sự miệt thị của người đời. Cũng có những bạn cố gắng che đậy thân phận của mình bằng tờ giấy hôn thú với người họ chẳng bao giờ có chút cảm xúc. Một mái ấm chỉ có sự hạnh phúc giả tạo để che mắt người đời mà thôi.

Hay như chính bản thân tôi cũng không ít lần phải nghe những câu nói đầy bỡn cợt khi nghe tôi chia sẻ mơ ước xây dựng một tổ ấm hạnh phúc cho riêng mình. Đại loại như: “Người như vậy mà cũng đòi lập gia đình gì cho khổ”. Hay sẽ là: “Bộ nghĩ có ai dám cưới một người như vậy chắc?” Thật ra trong số đó cũng có những lời khuyên lo lắng cho sức khỏe của tôi nếu như tôi mang thai. Song bên cạnh đó, sẽ có không ít người tỏ vẻ hoài nghi về vai trò trách nhiệm của người phụ nữ như tôi khi làm vợ, làm mẹ và làm dâu.

Đâu đó, việc bình đẳng giới trong gia đình vẫn còn là gánh nặng dành cho người phụ nữ thay vì họ xứng đáng được hưởng sự yêu thương chia sẻ từ người chồng. Tuy nhiên, xét về góc độ tích cực thì thật may mắn khi truyền thông hiện nay đang cố gắng kiếm tìm các câu chuyện về những gia đình “khuyết” và tạo ra câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn, nhằm mục đích truyền tải thông điệp đầy yêu thương đến cộng đồng. Để khái niệm về hai chữ gia đình thiêng liêng có thêm nhiều góc nhìn mới hơn. Đón nhận, chấp nhận những nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt để họ có được các quyền làm người cơ bản nhất.

Xét cho cùng thì gia đình cũng giống như sự an toàn, được sinh ra từ tình yêu thương chứ không phải từ các định kiến xưa cũ. Với bối cảnh ngày nay, gia đình không nhất thiết phải có cả bố lẫn mẹ hay những đứa trẻ. Nhưng gia đình chính là môi trường đầu tiên tạo ra nhiều cá nhân tử tế, cho một xã hội mà ở đó tất cả chúng ta ai ai cũng được hưởng sự yêu thương như nhau, dù cho đấy là những cá thể khác biệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.