Tình thế ngàn cân treo sợi tóc với Thủ tướng Anh Boris Johnson

07/07/2022 10:32 GMT+7

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đối mặt sức ép phải kết thúc sớm nhiệm kỳ sau khi hàng loạt bộ trưởng từ chức và chính ông cũng sa thải một thành viên nội các.

Thủ tướng Anh Boris Johnson

reuters

Thủ tướng Johnson đã rơi vào tình thế đối đầu với chính nội các của ông ngày 6.7, cố gắng bám trụ ở Số 10 Phố Downing (văn phòng thủ tướng) bất chấp những bê bối cũng như sự chống đối ngày càng gia tăng trong đảng Bảo thủ với hơn 40 đơn từ chức cho đến nay, truyền thông Anh cho hay.

Các nguồn tin của Reuters và The Guardian cho biết một số bộ trưởng nội các đã tới văn phòng ông Johnson để đề nghị ông từ chức. Một trong số đó cho rằng ông Johnson nên ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu bằng cách tự đề xuất mốc thời gian, thay vì phải đối mặt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, theo Reuters. Nhiều nhà lập pháp nói vấn đề lúc này là khi nào ông Johnson ra đi, chứ không phải là ông có ra đi hay không.

Thủ tướng Anh tuyên bố đấu tranh chống lại lời kêu gọi từ chức

Vào tối 6.7, Tổng chưởng lý Anh (England) và xứ Wales, bà Suella Braverman, đã kêu gọi ông Johnson từ chức, và bà cũng trở thành bộ trưởng nội các đầu tiên tuyên bố sẽ tranh cử để thay thế ông trong bất kỳ cuộc bầu cử lãnh đạo nào của đảng Bảo thủ sau đó.

"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc thủ tướng phải từ chức", bà Braverman nói trên ITV. Bà cho biết bà không muốn từ bỏ vị trí hiện tại của mình và nói: "Nếu có một cuộc đấu để giành ghế lãnh đạo, tôi sẽ ghi tên mình vào võ đài".

Hàng chục người đã công khai chỉ trích sự liêm chính của ông Johnson sau khi ông buộc phải xin lỗi vì đã bổ nhiệm một nhà lập pháp vào văn phòng kỷ luật đảng cầm quyền, dù người này từng là đối tượng bị tố cáo về hành vi tình dục sai trái.

Đây là khủng hoảng mới nhất ập đến với chính quyền của ông sau nhiều tháng liên tiếp vướng bê bối, bao gồm cáo buộc ông vi phạm quy định phòng chống Covid-19 khi tổ chức tiệc tại tư dinh và văn phòng ở Phố Downing. Vụ bê bối này được truyền thông Anh gọi là "Partygate", với liên hệ đến sự kiện "Watergate" chấn động chính trường Mỹ thời Chiến tranh Lạnh buộc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

The The Guardian, những người đã kêu gọi ông Johnson từ chức, trong các cuộc trò chuyện riêng tư, bao gồm các bộ trưởng nội các cấp cao như Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel và Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps.

Song bất chấp những lời kêu gọi từ chức, thủ tướng Anh vẫn "đang lạc quan và sẵn sàng chiến đấu", theo nghị sĩ James Duddridge, một người thân cận với ông Johnson. Ông Duddridge cho biết ông Johnson và bộ trưởng tài chính mới được bổ nhiệm Nadhim Zahawi sẽ đệ trình một kế hoạch chung mới cho nền kinh tế vào tuần tới, bao gồm cắt giảm thuế, theo Sky News.

Đòn choáng váng cho thủ tướng Anh khi hai bộ trưởng thân tín từ chức

Thay vì từ chức, ông Johnson đã phản ứng bằng cách sa thải Bộ trưởng Michael Gove, người phụ trách cơ quan chính phủ về nhà ở, cộng đồng và chính sách "levelling-up" của đảng Bảo thủ (chính sách nhằm giảm thiếu sự bất cân xứng, chủ yếu là về kinh tế, giữa các khu vực và các nhóm trong xã hội Anh).

Sau khi ông Gove bị sa thải, các đồng minh của ông Johnson được cho đã nói ông Gove là một “con rắn”. Họ nói thủ tướng Anh không có kế hoạch ra đi. "Ông ấy muốn ở lại và chiến đấu. Sự lựa chọn là một mùa hè căng thẳng và bất ổn hoặc một mối quan hệ đối tác mới cuối cùng sẽ tiến lên phía trước và giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và phát triển nền kinh tế", một nguồn tin chính phủ nói với The Guardian.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.