Tinh thần Huỳnh Thúc Kháng

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh thời được nhắc đến với tên gọi gần gũi: "Cụ Huỳnh". Ông là một trong Thập Ngũ Phụng Tề Phi của đất Quảng Nam xưa, đậu thủ khoa của kỳ thi Hương năm Canh Tý 1900.

Ông sinh ngày 1.10.1876, người làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, H.Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Đọc lại những gì liên quan đến cụ, chúng ta có thể thấy có một tinh thần Huỳnh Thúc Kháng, một tính chất Quảng Nam bàng bạc trong sự nghiệp của ông…
Còn nhớ trong Bài ca lưu biệt ông viết năm 1908, trước khi bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo, có một đoạn kết như dự báo về con đường dấn thân của ông: ...Ư bách niên trung tu hữu ngã/ Dẫu đến lúc núi sụp, biển lồi, trời nghiêng, đất ngả/ Tấm lòng vàng, tạc đá vẫn chưa mòn/ Trăng kia khuyết đó lại tròn! Và đúng 13 năm sau ông ra khỏi tù đã được bầu làm dân biểu, rồi trở thành Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ trong suốt 3 năm với những phen đấu tranh không mệt mỏi để đòi hỏi dân sinh, dân quyền cho người dân thuộc địa hèn mọn và sẵn sàng từ chức để chống lại các chính sách thực dân.


Khí khái trước bạo quyền, trách nhiệm với dân và nghĩa tình thủy chung với thầy học với đồng môn của cụ Huỳnh, cũng là những tính cách của một người Quảng. Đó cũng là một “tinh thần Huỳnh Thúc Kháng” mà những hậu thế chúng ta cần học tập và noi theo.


Trong 3 năm làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, có hai lần cụ Huỳnh phản kháng trực diện và dữ dội với các viên Khâm sứ Pháp tại Trung Kỳ ngay tại nghị trường. Lần thứ nhất là vào mùa đông năm 1926 dười thời Khâm sứ D'Elloy. Trong một thông tư phổ biến vào tháng 11.1926, D'Elloy đã viết "nhiều lời mạt sát chửi mắng" các vị dân cử bản xứ.
Ông thuật lại trong tự truyện: “Tôi lấy tư cách là Viện trưởng, họp với hơn bốn chục dân biểu, đồng thanh phản kháng, vạch từng đoạn trong thông tư, biện bác, cho đăng trên các báo Nam - Bắc, dư luận ồn lên, thành vụ “D'Elloy - Huỳnh Thúc Kháng”.
Tờ phản kháng gửi đi vào tháng 2.1927. Không bao lâu sau đó, D'Elloy bị điều về Pháp. Hai năm sau, dưới thời Khâm sứ Jabouille, thì: “Ngày 1 tháng 10 năm ấy (1928) tôi có bài diễn văn bế mạc, chỉ trích gắt gao chính sách của Chính phủ Pháp thi hành tại Trung Kỳ, cho là bất hợp tình thế, khiến nhân dân thêm ác cảm, buộc phải cải cách, như tài chính, học chính, hình luật...”...
“Khổ trạng nhân dân Trung Kỳ nói không hết. Một là học giới bó buộc... Xứ Trung Kỳ bây giờ học cũ đã bỏ hẳn, mà học mới trăm phần chưa được một, trường công không đủ dùng, mà trường tư thì không có, gia dĩ chương trình hạn chế, luật lệ ngăn ngừa; dân lấy sự học làm sinh mạng, mà quan xem sự học như một sự thù nghịch. Nhà nước nói khai hóa mà đường học giới không chịu châm chước thì ức vạn thiếu niên An Nam sẽ thất nghiệp... Cái dốt là cái họa của người An Nam”. (Theo Huỳnh Thúc Kháng tự truyện). Ngoài việc giáo dục, Huỳnh Viện trưởng còn lên án những chính sách hà khắc đối với người dân về thuế khóa, nạn cường hào, tham nhũng (tệ phù thu lạm bổ)... Những điều ấy đã làm Khâm sứ Jabouille bực tức. Khâm sứ Pháp còn cho đó là lời lẽ của một "người bất mãn, nóng nảy, mới tập làm chính trị". Ngày 2.10.1928, Huỳnh Thúc Kháng đưa đơn từ chức Viện trưởng.
*****
Từ chức, sau đó cụ Huỳnh đứng ra thành lập, làm chủ bút và điều hành tờ báo nổi tiếng mang tên Tiếng Dân tại Huế suốt 16 năm sau đó, cho đến khi bị thực dân bắt đình bản vào năm 1943 vì những nội dung yêu nước. Nhà báo Huỳnh Thúc Kháng từng công khai trên số ra mắt báo Tiếng Dân ngày 10.8.1927 như một tuyên ngôn: "Nếu không có quyền nói tất cả những điều mà mình muốn nói, thì ít ra giữ những quyền không nói những điều người ta ép buộc nói".
Xây dựng một tờ báo từ viết bài, định hướng nội dung đến trị sự, tổ chức khai thác quảng cáo và cả có nhà in riêng ở nước ta như Tiếng Dân cách nay hơn 80 năm, Huỳnh Thúc Kháng có lẽ là người đầu tiên! Nhưng những ai từng tìm hiểu lịch sử báo chí nước nhà sẽ không bao giờ quên những bài viết về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của nước ta của ông trong loạt bài: Dấu tích đảo Tây Sa (Parasels) trong lịch sử VN ta và giá trị bản Phủ biên tạp lục.
Nhà báo Huỳnh Thúc Kháng từng viết: “Theo các báo cáo ta gần đây sưu tập các tài liệu về đảo Tây Sa để chứng minh thì đảo ấy là phần sở hữu của nước Nam ta, vì chính người Nam đã chiếm trước hết và đã kinh dinh các công cuộc ở đảo ấy...”.
Ông cũng đã liệt kê các tài liệu phong phú như các sách: Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn, Ðại Nam Nhất Thống Chí cả bản trước và bản của Cao Xuân Dục soạn lại, Triều Chính Yếu Thực Lục của hai triều Gia Long và Minh Mạng, Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú hoặc các tác phẩm Cống Hạ Ký Văn của Dương Quốc Dung, Mán Hình Thi ThoạiÐông Hành Thi Thuyết của Lý Văn Thức, Biển Sử Cương Giám của Nguyễn Thông... đều có đề cập đến Hoàng Sa và chủ quyền của nước ta từ thời bấy giờ. Trong đó Huỳnh Thúc Kháng nhấn mạnh đến giá trị của Phủ biên tạp lục bởi sự khẳng định chuẩn xác các yếu tố hành chính, địa lý, kinh tế, quân sự của một nhà khoa học uyên thâm...
“Sử chép truyện chúa Nguyễn có đặt đội Hoàng Sa 70 suất thay phiên ra đảo lấy hải vật, đi ba ngày đêm đến đảo, mỗi năm tháng 3 đi, tháng 8 về. Cụ (tức Lê Quý Đôn) lại có chép sao biên bản của Thuyên Ðức Hầu là cai quản đội Hoàng Sa ấy, kể rõ mỗi năm nhặt được thiếc mấy cân, vàng mấy hốt, đồi mồi, yến sào mấy cân, lại có khi nhặt được đồng khí, súng, tiền...
Với phẩm chất một nhà báo-công dân, Huỳnh Thúc Kháng kết luận: Vấn đề “quốc tịch đảo Tây Sa” này, nếu trên sân khấu quốc tế, nhận chủ quyền sở hữu của những ai chiếm trước và có tài liệu làm chứng hẳn hoi, như luật điền thổ, khai tài, khai lập nghiệp ở xa, bằng theo lộ tịch và phân thư chúc từ của tiền nhân để lại, tưởng không có nước nào có chứng cứ đầy đủ như nước ta...
*****
Khí khái trước bạo quyền, trách nhiệm với dân và nghĩa tình thủy chung với thầy học với đồng môn của cụ Huỳnh, cũng là những tính cách của một người Quảng. Đó cũng là một “tinh thần Huỳnh Thúc Kháng” mà những hậu thế chúng ta cần học tập và noi theo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.