Tình nguyện viên bệnh viện dã chiến thắc mắc chế độ hỗ trợ, phụ cấp

Duy Tính
Duy Tính
06/11/2021 06:34 GMT+7

Đội nhóm tình nguyện viên trực tiếp tham gia chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 (F0) tại Bệnh viện dã chiến số 2 (Q.12, TP.HCM) có nhiều thắc mắc xoay quanh chế độ hỗ trợ, phụ cấp.

Báo Thanh Niên vừa nhận được phản ánh về các bất cập trong việc đánh giá, phân loại mức hỗ trợ phù hợp cho lực lượng y tế tuyến đầu và đội nhóm tình nguyện viên trực tiếp tham gia chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 (F0) tại Bệnh viện dã chiến số 2 (Q.12, TP.HCM).

Người phản ánh là anh Trương Phú Thịnh, tình nguyện viên (TNV) do Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.HCM điều động đến hỗ trợ Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 2.

Lực lượng y tế tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến

số 2 TP.HCM

DUY TÍNH

Tình nguyện viên chăm sóc F0 nhưng không nhận được hỗ trợ

Theo anh Thịnh, lúc dịch ở giai đoạn cao điểm, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.HCM, anh cùng một số người đăng ký làm TNV và được phân công đến BVDC số 2. Trong quá trình hỗ trợ tại BVDC số 2, lực lượng TNV được phân thành các nhóm và có ký hợp đồng lao động với BVDC số 2.

Các TNV được chia làm các nhóm: Nhóm 1 là hồi sức cấp cứu, làm công việc chăm sóc F0 nặng khi cần, dọn vệ sinh, rác sinh hoạt, xử lý khử khuẩn trong phòng cấp cứu, tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 trong công việc nhưng không liên quan tới việc điều trị, chẩn đoán cho F0. Nhóm trực và cung cấp ô xy: tham gia vận chuyển thuốc, ô xy cho F0 trên các tầng của chung cư. Nhóm công tác theo dõi, quản lý y tế: phục vụ gián tiếp hoạt động của BVDC về thuốc và hậu cần. Nhóm hậu cần: vận chuyển, sắp xếp và phân bổ thực phẩm hằng ngày cho cán bộ, công nhân viên và F0.

Ban đầu bộ phận kế toán, tổ chức BVDC số 2 nói mỗi TNV sẽ hưởng hỗ trợ 1 lần là 1,5 triệu đồng, sau đó nói miệng là 3,5 triệu đồng, nhưng cuối cùng nói lực lượng TNV này không có “quyết định điều động của thành phố”, nên không có mức hỗ trợ nào. Theo anh Thịnh, đáng lý ra nhóm TNV của anh phải được nhận hỗ trợ mức 4,5 triệu đồng theo Nghị quyết số 12/2021 của HĐND TP.HCM vì TNV trực tiếp chăm sóc F0.

Mặt khác, về phụ cấp chống dịch, theo hợp đồng lao động đầu tiên được ký kết với BVDC số 2, các TNV được thông báo phụ cấp sẽ là mức 300.000 đồng/ngày đối với các nhóm chăm sóc, tiếp xúc trực tiếp với F0 trong quá trình làm việc và mức 200.000 đồng/ngày đối với các nhóm làm việc gián tiếp theo Nghị quyết 16 của Chính phủ. Trong quá trình vận hành, do BV Hùng Vương chỉ nhận việc quản lý tài chính tới 31.8 và đã thực hiện xong việc chi trả đúng như cam kết thông báo lúc đầu là mức 300.000 đồng/ngày đối với các nhóm làm việc trực tiếp tiếp xúc F0, và mức 200.000 đồng/ngày đối với các nhóm làm việc gián tiếp tiếp xúc. Riêng phía BV Nguyễn Trãi phụ trách tài chính từ ngày 1.9 đến nay lại yêu cầu và thông báo áp mức chi trả 130.000 đồng/ngày cho tất cả bộ phận nhóm TNV, đồng thời tới nay khi thời hạn hợp đồng đã kết thúc vẫn chưa thanh toán phần này.

“Vậy tại sao lại có phần chênh lệch như vậy? Tại sao cùng 1 công việc, cùng 1 đối tượng thực hiện mà phía BV Nguyễn Trãi lại áp dụng mức hỗ trợ chênh lệch? Như vậy trong quá trình quản lý không có sự minh bạch trong công việc?”, anh Thịnh đặt vấn đề trong đơn thư. Theo anh Thịnh, tập thể các TNV từ ngày đầu tiên tham gia tình nguyện tới những ngày cuối đều không tâm niệm lên BV và ở lại hỗ trợ vì tiền. Tuy nhiên, trước những rắc rối trong quản lý của phía BV Nguyễn Trãi tại BVDC số 2 đã khiến TNV hỗ trợ thắc mắc liệu có sự dàn xếp, uẩn khúc trong việc chi tiền hỗ trợ từ nhà nước trong việc này không?

Covid-19 sáng 6.11: 953.547 ca nhiễm, 837.347 ca khỏi | F0 cộng đồng đang tiếp tục tăng cao

TP.HCM có hướng hỗ trợ bổ sung

Trả lời Thanh Niên, đại diện Phòng Tổ chức cán bộ tại BVDC số 2 cho biết lực lượng TNV do Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.HCM cử đến trên 20 người. Về mức hỗ trợ một lần theo Nghị quyết 12 của HĐND TP.HCM, BVDC số 2 đã trao đổi với Phòng Kế hoạch - tài chính Sở Y tế TP.HCM và Sở Y tế có công văn trả lời cho BVDC số 2.

Theo đó, đối với TNV không có chuyên môn y tế không được hưởng mức 4,5 triệu đồng, chỉ có mức 3 triệu đồng và 1,5 triệu đồng. Nhưng các TNV này vừa không có chuyên môn y tế, vừa không phải là lực lượng y tế tư nhân được Sở Y tế huy động mà là TNV tự do, nên các TNV này Sở Y tế trả lời cũng không nhận được các mức hỗ trợ nào theo Nghị quyết 12 của HĐND TP.HCM. BVDC số 2 cũng đã có góp ý thêm Sở Y tế để có hướng tham mưu cho thành phố bổ sung chế độ cho nhóm TNV này.

Nghị quyết 12 ngày 24.8.2021 của HĐND TP.HCM hỗ trợ lực lượng chống dịch như sau:

Lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp: 10 triệu đồng/người.

Lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp: 4,5 triệu đồng/người.

Tổ Covid-19 cộng đồng: 2 triệu đồng/người.

Lực lượng TNV được thành phố huy động tham gia phòng chống dịch có 2 mức: 3 triệu đồng và 1,5 triệu đồng.

Nghị quyết 16 của Chính phủ ngày 8.2.2021 quy định về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, quy định chế độ phụ cấp chống dịch cao nhất là 300.000 đồng, tiếp theo là 200.000 đồng, 150.000 đồng, 130.000 đồng và 80.000 đồng, tùy vị trí công việc mà mức trợ cấp cao thấp khác nhau.

“Mức phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ và Công văn 5685 của Sở Y tế hướng dẫn thì TNV không có chuyên môn y tế chỉ được hưởng mức 130.000 đồng. Còn việc BV Hùng Vương chi 200.000 - 300.000 đồng thì chúng tôi không biết”, đại diện BVDC số 2 cho biết thêm.

Đại diện Phòng Kế hoạch - tài chính Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết về phụ cấp với TNV không có chuyên môn y tế chỉ được hưởng mức 130.000 đồng/ngày theo Nghị quyết 16 của Chính phủ, còn phía BV Hùng Vương chi như thế nào thì Sở sẽ đề nghị rà soát lại. Đối với việc thực hiện hỗ trợ một lần theo Nghị quyết 12 của HĐND TP.HCM, các TNV trên không được nhận là do lúc xây dựng chính sách chỉ nghĩ chỉ có nhân viên y tế mới chăm sóc F0, khi HĐND TP.HCM thông qua và triển khai theo Nghị quyết 12. Nhưng trong quá trình thực hiện thì có phát sinh các TNV này, họ tình nguyện vào các khu cách ly, BVDC để chăm sóc trực tiếp F0. Sở Y tế đã ghi nhận, có tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM. UBND TP.HCM có chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Y tế và Sở Tư pháp cùng có hướng giải quyết với các TNV mà chưa có quy định trong Nghị quyết 12.

“TP.HCM ghi nhận công việc của các TNV và sẽ bổ sung chi sau khi được thông qua”, đại diện Sở Y tế TP.HCM nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.