Tình người trong 'nhà chạy thận'

24/01/2015 09:25 GMT+7

Không bà con thân ruột, nhưng bệnh tật và nghèo khó đã kéo họ đến gần bên nhau dưới một ngôi nhà chung - ngôi nhà chạy thận. Đó cũng là cái tên mà những bệnh nhân chạy thận nhân tạo và người nhà của họ đặt cho Khu nhà nghỉ Bệnh viện Đà Nẵng.

Không bà con thân ruột, nhưng bệnh tật và nghèo khó đã kéo họ đến gần bên nhau dưới một ngôi nhà chung - ngôi nhà chạy thận. Đó cũng là cái tên mà những bệnh nhân chạy thận nhân tạo và người nhà của họ đặt cho Khu nhà nghỉ Bệnh viện Đà Nẵng.

Tình người trong 'nhà chạy thận'Những thành viên trong “nhà chạy thận” coi nhau như người thân trong nhà - Ảnh: An Dy
Nằm ở tầng 4, ngay phía trên Khoa ung bướu, Khu nhà nghỉ Bệnh viện Đà Nẵng là nơi tá túc của hơn 30 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Những BN này đã được xuất viện, nhưng cứ 2 ngày phải đến chạy thận 1 lần. Vì nhà xa đi lại khó khăn (đa số là BN đến từ các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam), nên họ đành chấp nhận thuê trọ ở đây với giá 25.000 đồng/người/ngày để thuận tiện điều trị.
Phận người cùng khổ
Cách đây vài tháng, có 2 thanh niên đến “nhà chạy thận” xưng là người đi làm từ thiện, muốn tìm trường hợp giúp đỡ. Trong khi những bệnh nhân thấp thỏm mong chờ thì sau đó, một trong hai thanh niên gọi lại bảo họ sẽ tặng số tiền 85 triệu đồng cho ông Phan Văn Anh để chữa bệnh. Nhưng để được nhận số tiền nói trên thì bà Tuấn, vợ ông Anh phải chuyển 6,5 triệu đồng vào tài khoản của họ để làm thủ tục. Thấy bà Tuấn định đi vay mượn mọi người số tiền lớn để chuyển khoản, những người chung phòng đã kịp thời can ngăn, nếu không bà đã dính quả lừa của những kẻ bất nhân.
Ở đây, người chạy thận lâu năm nhất cũng hơn 11 năm, người mới nhất cũng đã hơn 3 năm. Sức khỏe của họ ngày một suy kiệt, kinh tế gia đình thì ngày càng túng bấn và không lối thoát.
“Dính vào bệnh này thì cứ ngắc ngoải vậy thôi, cầm cự được ngày nào hay ngày ấy, trong khi tiền bạc thì cứ lần lượt đội nón mà đi”, bà Trần Thị Tuấn (xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình, Quảng Nam), chăm sóc chồng chạy thận nhân tạo gần 10 năm trời ở BV Đà Nẵng vừa nói vừa thở dài thườn thượt.
Một mình bà Tuấn làm nông, chăm chồng bệnh tật và nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn học nên nhà đã nghèo lại càng thêm ngặt. Khi ông Phan Văn Anh, chồng bà Tuấn còn sức thì hai vợ chồng dắt díu đi, về để chạy thận. Nhưng 3 năm trở lại đây, ông Anh yếu dần, không thể đi lại nên ông ở hẳn trong khu nhà nghỉ này vừa tiết kiệm tiền xe, vừa sống nhờ vào những suất cơm từ thiện mang đến BV mỗi ngày.
"Suốt Ba năm nay, vợ chồng tôi coi nơi đây là nhà vì ổng yếu lắm. Vừa chạy thận, vừa nhiễm trùng phổi không thể đi lại. Ở luôn BV cho chắc chớ về nhà ổng mệt đưa đi lại không kịp”, bà Tuấn cho biết. Vì vậy, việc đồng áng, kinh tế gia đình một tay bà Tuấn lo toan thu xếp, chật vật lắm nhưng bà vẫn quyết định để ông ở lại khu nhà nghỉ. Bà nói, nằm đây mất 25.000 đồng mỗi ngày, một tháng mất 750.000 đồng, chưa kể thuốc men ngoài bảo hiểm, nhưng được ở trong BV cũng yên tâm hơn, và ông cũng có được hộp cơm từ thiện qua bữa khi bà bận việc không thể chăm sóc.
Cũng chạy thận gần 10 năm trời như ông Anh là trường hợp của bà Nguyễn Thị Dừng (67 tuổi), người Hội An. Hơn 10 năm trời ốm đau, vất vả nhưng bà Dừng chỉ có một mình thui thủi. Bà đi thanh niên xung phong từ hồi mới 17 tuổi. Sức trẻ bà gửi lại dãy Trường Sơn (dọc các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Quế Sơn…) với những ngày phá đá mở đường, băng rừng gùi đạn, cõng hàng qua núi, và là niềm tự hào của Tiểu đoàn nữ TNXP D2 một thời. Giờ đây, bệnh tật lại một thân một mình, bà Dừng coi “nhà chạy thận” như chốn gửi phận cuối cùng của đời mình. “Bệnh ni là bệnh cuối đời mà. Cứ sống được ngày nào hay ngày ấy. Cũng bởi gần đất xa trời nên những người cùng sống ở đây trọn tình, tử tế với nhau lắm”, bà Dừng ngậm ngùi...
Tình người trong khốn khó
Khu nhà nghỉ của BV Đà Nẵng đưa vào hoạt động hơn 3 năm nay thì cũng bằng ấy thời gian những bệnh nhân chạy thận ở đây nương tựa vào nhau mà sống. Hơn 30 bệnh nhân chạy thận, nhưng thường chỉ có 2-3 người nhà thay phiên nhau ở lại chăm nên họ cũng xem nhau như những người thân ruột thịt.
Ba năm qua, chị Võ Thị Nhung (xã Duy Vinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) bỏ nhà cửa, bỏ đồng ruộng ra Đà Nẵng nuôi con chạy thận nên cũng chẳng làm lụng được gì, chỉ còn mình chồng làm nông nuôi đến 5 miệng ăn. Vừa chăm sóc con, chị Nhung vừa lo cơm nước, dọn bữa ăn cho những người bệnh cùng phòng với con.
“Toàn là những người bệnh nghèo, neo người nên giúp nhau. Đa phần mọi người ở đây sống nhờ cơm từ thiện, nên cứ nghe có đoàn nào đến là tôi lại chạy đi xin cơm, rồi lại chạy mua thuốc thang, đồ dùng… cho mọi người. Khi có người lên cơn cấp cứu thì chung sức vác chạy cho kịp. Cũng hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật như nhau, không thương nhau thì ai thương”, chị Nhung cho biết.
Sống trong cảnh “nuôi bệnh tập thể” nên hoàn cảnh ai thế nào, bệnh tình ra sao, thời gian chạy thận bao lâu... bà Tuấn, chị Nhung đều nắm rõ. Thậm chí ai không được ăn cháo, không được uống nước, trời lạnh mà thèm nước phải ngậm đá ra sao, không thể tiểu tiện thế nào… các bà, các chị biết hết. Như người thân ruột thịt, họ vừa chăm sóc, vừa sẻ chia cả nỗi đau thể xác, tinh thần lẫn nỗi niềm chật vật áo cơm với những bệnh nhân đang chạy thận ở đây.
Cần lắm sự giúp đỡ
Bệnh tật và nghèo khó, những bệnh nhân chạy thận ở khu nhà nghỉ này cần lắm sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội, nhưng khổ nỗi người không cần thì đến mà người cần lại chẳng thấy đâu”, một nhân viên ở khu nhà nghỉ than thở. Trong khi đó, mỗi ngày, những người bệnh này lại ngóng chờ các đoàn thể làm công tác xã hội thì lại chẳng thấy.
“Hồi còn điều trị ở Khoa Thận nhân tạo, hàng tuần, nhất là vào các dịp lễ tết đều có đoàn từ thiện đến tặng tiền, tặng quà cũng đỡ chật vật, nhưng ở đây thì không ai tìm đến nữa. Chắc họ nghĩ ở nơi này phải là những người có tiền. Họ đâu biết vì để tiết kiệm chi phí đi lại, để ăn nhờ những suất ăn từ thiện mà những bệnh nhân chạy thận tá túc ở đây với chi phí 750 ngàn đồng mỗi tháng. Cũng không ai dám về nhà, sợ nửa đêm lên cơn lại chạy đi không kịp”, bà Tuấn vừa nói vừa ứa nước mắt tủi thân.
“Chúng tôi giờ còn đây, nhưng cũng không biết nay mai sống chết thế nào. Có người mới nhìn còn khỏe đó mà đi chạy thận, tự nhiên vỡ mạch máu là đi luôn. Đói no, bệnh tật có nhau mỗi ngày, vậy mà ra đi cũng không kịp tạm biệt”, ông Trần Phước Hội (H.Quế Sơn, Quảng Nam) tâm tư. Có lẽ ông chạnh lòng khi nghĩ đến cảnh ông một mình thui thủi chạy thận nhân tạo ở đây suốt 5 năm qua...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.