Tình người ấm áp, sẻ chia trong ‘Phía Tây thành phố’ của bác sĩ Lê Minh Khôi

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
06/12/2021 17:22 GMT+7

Tuy là bác sĩ nhưng Lê Minh Khôi lại rất quen thuộc với những người yêu sách qua bút danh Mạc Đại và nhất là tập tản văn Những sườn núi lấp lánh trước đây, cùng tác phẩm mới Phía Tây thành phố vừa ấn hành.

Tác giả Lê Minh Khôi (sinh năm 1973) tại Châu Tử, Bình Nguyên, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Anh tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế (1998); Bác sĩ Nội trú Đại học Picardie-Jules Verne, Pháp (2003); Tiến sĩ Y khoa Đại học Rostock, Đức (2007). Lê Minh Khôi từng có thơ, tản văn xuất hiện trên nhiều tờ báo và từng góp mặt trong các tập sách: Khúc Giêng hai (thơ), Về thương chim sẻ (tạp bút), Không gian tiệm nước (tạp bút).

Tác giả Lê Minh Khôi (phải) trong một lần ra mắt sách

T.L

Hiện anh là Giảng viên Bộ môn Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc, Đại học Y Dược TP.HCM và bác sĩ Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM); Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (2021).

Như những gì gởi gắm của tác giả ở đầu tập sách, rằng “Với tôi, ký ức không phải cái đã qua, nhất là ký ức về một giai đoạn đầy ắp những biến cố đau thương như vậy. Tôi vẫn đang sống với ký ức đó, không phải để bi lụy, mà để biết trân trọng hơn những gì giản dị nhất mà chúng ta có, như bầu trời xanh trên đầu, như làn gió từ sông Sài Gòn vẫn lồng lộng thổi vào thành phố mỗi chiều và như từng hơi thở này đây”, vì vậy mà những câu thơ mở đầu cuốn tạp bút của anh, (do NXB Trẻ vừa ấn hành) đã viết ra nhẹ nhàng như sự trải lòng:

"Rồi mình sẽ đi qua mùa bão giông

Rồi mình sẽ đi qua những con đường, những dãy nhà khép mắt,

Những hàng cây khát gió, những bãi xe im lìm nằm ngủ, những mặt người thao thức,

Rồi mình sẽ đi qua những đêm sâu, những lưng áo ướt đầm, những đớn đau, mất mát

Rồi mình sẽ đi qua những hoang mang, những nụ cười buồn và tiếng khóc thật,

Rồi mình sẽ đi qua những chiều thưa bóng nhân gian,

Phố sẽ xúng xính, xênh xang như chưa từng hoang vắng

Hạt bụi bay trên vỉa hè cũng long lanh màu nắng

Những môi cười sẽ biếc xanh như nụ mới

Nhất định ngày ấy sẽ tới…"

Đọc Phía Tây thành phố của bác sĩ Lê Minh Khôi, độc giả có thể nhận ra dẫu hai cụm nội dung độc lập nhau nhưng lại gắn kết nhau rất mật thiết, đó là Nhữngcâu chuyện dịu dàng trong mắt bão CovidNhững chiều thưa bóng nhân gian được anh viết đầy cảm động.

Dù tác giả Lê Minh Khôi trực tiếp tham gia điều hành một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid trong đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM, bận rộn với một khối lượng công việc khổng lồ - những ca cấp cứu chưa có tiền lệ trong suốt mấy chục năm làm việc trong ngành Y - nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian quan sát, gạn lọc và ghi chép lại những ngày tháng khốc liệt ấy với sự điềm tĩnh và sâu sắc, thể hiện cái nhìn thực tế, hết sức sống động về thời gian “cuộn sóng” này.

Bác sĩ Lê Minh Khôi người trực tiếp tham gia điều hành một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid trong đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM

Phía Tây thành phố của bác sĩ Lê Minh Khôi (phát hành ngày 8.12), tác giả sẽ dành toàn bộ nhuận bút (10% trên giá bán) và số tiền tài trợ..., đóng góp vào chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời do báo Thanh Niên phát động

NXB tRẺ

Phần Những chiều thưa bóng nhân gian trong tập tản văn chứa những chiêm nghiệm khác rút ra từ cuộc sống hằng ngày, những trăn trở và lời tâm huyết đối với ngành Y. Tác giả thể hiện cách nhìn đời nhẹ nhàng, vị tha của một người đi nhiều, biết nhiều, “tin vào cái lẽ huyền diệu của đất trời và cái thơm thảo của lòng người”; một bác sĩ đã từng chứng kiến nhiều cuộc sinh tử biệt ly và và do đó trân quý đến từng khoảnh khắc ngắm hạt bụi lấp lánh trong nắng, thấu rõ điều gì là đáng quý nhất trong đời người...

Theo đại diện NXB Trẻ: “Mỗi bạn đọc ủng hộ tập tản văn này cùng một số tác phẩm mới khác của chúng tôi là những nghĩa cử cao đẹp, góp phần cùng với NXB Trẻ chung tay ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Riêng cuốn sách Phía Tây thành phố của bác sĩ Lê Minh Khôi (phát hành ngày 8.12), tác giả sẽ dành toàn bộ nhuận bút (10% giá bán) và số tiền tài trợ..., đóng góp vào chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời do báo Thanh Niên phát động.

“Tôi không có bất cứ lập ngôn nào về việc viết văn. Viết, đối với tôi, là một nhu cầu thúc bách để sẻ chia, để diễn đạt bản thân và quan trọng nhất là để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống khá chênh vênh này. Là một thầy thuốc, được có cơ hội đối diện với những mong manh của kiếp người, những đớn đau về thể chất, những góc khuất của tâm hồn và cả cái chết, tôi chỉ muốn viết trước hết là để thuyết phục chính mình về cái thiện lương nguyên thủy của con người”, tác giả Lê Minh Khôi chia sẻ thêm về tác phẩm mới.

Mọi người trong trung tâm hồi hộp theo dõi hành trình của bệnh nhân đầu tiên như tổ không lưu theo dõi máy bay chuẩn bị hạ xuống đường băng mới mở. Cuối cùng thì bệnh nhân đầu tiên cũng đến. Cái khoảnh khắc khi cửa cầu thang mở ra, cô được chuyển vào khu Bạch Đằng, tim tôi gần như lỗi nhịp. Tôi biết, mình đã khai hỏa trận đánh mà chính mình còn chưa biết đích xác kẻ thù. Chỉ biết rằng trước mặt là khốc liệt, là đêm trắng, là mất mát, là hiểm nguy, là nước mắt lặng lẽ và nụ cười vùi sau lớp khẩu trang bịt bùng. Tôi đã khởi hoạt trận đánh bi tráng nhất đời mình. Tấm ảnh chụp vội chiếc băng ca đưa cô vào khu hồi sức vẫn còn nằm trong điện thoại. Mà không có chiếc điện thoại thông minh thì tâm khảm tôi cũng đã chụp lại, đã quay lại cái khoảnh khắc rưng rưng ấy rồi. Bệnh nhân đầu tiên được đưa vào trung tâm và thực sự cô cũng đã bước vào đời tôi, trong những ngày đau thương nhất của thành phố này. Sau khi cô đến, những bệnh nhân khác cũng được đưa vào với tốc độ chóng mặt. Khu điều trị nhanh chóng kín giường. Chúng tôi lại phải kê thêm giường, chia ống khí cho máy thở, chia ống ôxy. Điện thoại vẫn bỏng rát với những cuộc gọi gấp gáp từ khắp các nơi trong thành phố đổ về. Chưa đầy một tuần sau chúng tôi quá tải giường bệnh. Một tuần sau cô đi, nhường lại máy thở và chiếc giường hồi sức hiếm hoi trong lúc đó cho những người không may mắn khác. Tính từ thời điểm ấy đến thời điểm tôi viết những dòng này, ba tháng cũng đã trôi qua. Chúng tôi đã nhận gần một ngàn bệnh nhân nặng và nguy kịch. Nhiều người trở lại cuộc sống bình thường ngoài kia nhưng cũng có những người khác, giống như cô, đã vĩnh viễn xa rời cõi tạm. Chắc hẳn cô giờ đã mỉm cười ở một thế giới khác. Thành phố đã trở lại bình thường. Những đau buồn, hoảng loạn sẽ được gọi tên là ký ức. Với tôi, ký ức không phải cái đã qua, nhất là ký ức về một giai đoạn đầy ắp những biến cố đau thương như vậy. Tôi vẫn đang sống với ký ức đó, không phải để bi lụy, mà để biết trân trọng hơn những gì giản dị nhất mà chúng ta có, như bầu trời xanh trên đầu, như làn gió từ sông Sài Gòn vẫn lồng lộng thổi vào thành phố mỗi chiều và như từng hơi thở này đây”.

Trích Phía Tây thành phố của tác giả Lê Minh Khôi do NXB Trẻ ấn hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.