Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình

Cù Hiền
Cù Hiền
26/07/2022 17:12 GMT+7

Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm có tên là Ðường Thâm nằm ở bên hữu ngạn sông Ðồng Giang, làng này hình thành vào cuối thời Trần - Hồ (cách đây hơn 600 năm). Ngày nay, Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, H.Kiến Xương, tỉnh Thái Bình .

Nếu ai có dịp về du lịch quê hương chị Hai năm tấn Thái Bình, chắc chắn sẽ không thể bỏ qua làng nghề trăm năm tuổi.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, nơi gìn giữ tất cả những tinh hoa của làng nghề chạm bạc

c.h

Cách TP.Thái Bình chừng 20 km về phía đông, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm luôn mang một âm thanh đặc trưng của tiếng chạm khắc. Kết quả của những âm thanh đó là bao nhiêu sản phẩm hoa văn tinh xảo được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân nơi này.

Nghề chạm bạc đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và chỉn chu đến từng tiểu tiết một của người nghệ nhân. Do đó, người thợ luôn nhẫn nại, cần cù, tỉ mỉ chạm, khắc lên từng hoa văn trang trí từ những công cụ thô sơ như dùi, đinh, búa… Mỗi người một phần việc, người tạo hình tạo dáng, người tạo nét tạo hoa.

Một góc tại nhà trưng bày, những sản phẩm từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đều được trưng bày tại đây

c.h

Với nghề chạm bạc, chạm là công đoạn đòi hỏi sự tập trung nhất, đòi hỏi nghệ nhân phải hết sức khéo léo, không được phép cho mình sai dù chỉ một chi tiết nhỏ, nếu không, toàn bộ sản phẩm đó coi như phải bỏ, phải làm lại từ đầu.

Một công việc đòi hỏi cao nhưng xưa kia nhiều người chẳng thể sống được với nghề vì thu nhập hạn hẹp. Nhiều thế hệ dù rất yêu nghề, muốn lưu giữ nghề nhưng vẫn phải rời đi do bị cơm, áo, gạo tiền quấn lấy. Thời gian trôi đi, những sản phẩm chạm bạc ngày trở nên gần gũi hơn với đời thường, từ món quà lưu niệm như dây chuyền bạc, bức tranh đồng… đến những sản phẩm tinh xảo hơn, giá trị hơn như chiếc lư hương có giá trị đến vài trăm triệu. Sự phong phú ấy đã mở rộng đối tượng khách hàng.

Một thành phẩm được các bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân hoàn thành, trưng bày cho du khách đến chiêm ngưỡng

c.h

Dần dần, nghề chạm bạc đã giúp người dân nơi đây cải thiện đời sống. Ngày nay nghề chạm bạc vẫn lưu truyền và phát triển ngày một rộng rãi hơn. Các sản phẩm của Đồng Xâm ngày nay xoay quanh chất liệu đồng, mạ bạc sáng rất ưa nhìn và giá cả phải chăng.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Hoàn (thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi, H.Kiến Xương), cho biết: “Chúng tôi sinh ra, lớn lên ở làng nghề này, đôi bàn tay đã quen việc, nghe tiếng chạm, đục đã quen tai. Bây giờ, nếu một ngày ngưng tay là nhớ lắm. Từ những tấm đồng thô kệch, sau khi định hình thành bát, ấm, chén, chuôi dao… chúng được đặt lên xi (khuôn) để chạm. Các họa tiết khi khắc chìm chạm nổi, lúc giản đơn, tinh tế, nhẹ nhàng, lúc lại cầu kỳ, chi tiết”.

Ông Hoàn chia sẻ, sản phẩm của Đồng Xâm bao gồm 3 loại: đồ thờ cúng, mỹ nghệ và trang sức.

Bức tranh biểu đồ Việt Nam được chạm nổi trên bề mặt trống đồng Đông Sơn

c.h

Đồ trang sức gồm rất nhiều loại như: dây chuyền, xà tích, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng, trâm, khánh, thánh giá… bằng bạc. Đồ thờ cúng gồm các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, ngai, mũ thờ, long lân quy phụng…

Sau này, nguyên liệu làm các sản phẩm cũng trở nên phong phú hơn, không chỉ đơn thuần lấy nguyên liệu từ bạc hay đồng nữa, nhiều món đồ mỹ nghệ như lược, đũa, cốc, chén… còn kết hợp với các chất liệu khác như ngà, gốm, sứ, thủy tinh, và chỉ sử dụng đồng, bạc như họa tiết trang trí, tạo điểm nhấn cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, người được Chủ tịch nước phong tặng nghệ nhân ưu tú vì đã có nhiều thành tích trong việc đóng góp và gìn giữ truyền thống của làng nghề

c.h

“Dù thuộc dòng nguyên liệu nào thì các sản phẩm của Đồng Xâm vẫn luôn đảm bảo sự hoàn hảo và nổi bật với hoa văn trang trí cộng với thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc giúp thành phẩm luôn cân đối, hài hòa.

Chính nhờ vậy khách hàng đón nhận tinh hoa của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm ngày một nhiều hơn, từ khách hàng khó tính đến khách hàng có tầm am hiểu nghệ thuật”, ông Hoàn nói.

Mỗi năm, vào các ngày 1 - 5.4 âm lịch, nơi đây lại tổ chức lễ hội rất lớn tiếp đón du khách thập phương đến thăm quan. Người người, nhà nhà trong làng và những người làm nghề chạm bạc ở khắp nơi sẽ mang những sản phẩm đã chạm bạc đến bày bán.

Từ những tấm đồng thô kệch, sau khi định hình thành bát, ấm, chén, chuôi dao… chúng được đặt lên xi (khuôn) để chạm. Các họa tiết khi khắc chìm chạm nổi, lúc giản đơn, tinh tế, nhẹ nhàng, lúc lại cầu kỳ, chi tiết

c.h

Bên cạnh đó, vào ngày này, người ta còn tổ chức nghi lễ rước, tế linh đình, các trò chơi dân gian phong phú. Đây là dịp tưởng nhớ công ơn của ông tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu của những người thợ Đồng Xâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.