Tình hình Myanmar căng như dây đàn

Bảo Vinh
Bảo Vinh
29/03/2021 07:22 GMT+7

Cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành động bạo lực sau khi Myanmar chứng kiến ngày đẫm máu nhất từ khi chính biến nổ ra vào đầu tháng 2.

Hôm qua 28.3, người dân tại nhiều nơi ở Myanmar làm lễ tưởng niệm cho các nạn nhân thiệt mạng trong cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự. Trang Myanmar Now đưa tin ít nhất 114 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ngày 27.3, ngày đẫm máu nhất từ khi chính biến nổ ra. Theo ước tính của các tổ chức quan sát, tổng số người thiệt mạng đến nay lên đến hơn 440 người.

Quân đội Myanmar không kích quân đối lập

Lực lượng thiểu số Liên đoàn Dân tộc Karen (KNU) kiểm soát khu vực tại bang Karen giáp giới Thái Lan hôm qua thông báo quân đội Myanmar đã cho máy bay quân sự không kích một ngôi làng trong địa phận của KNU vào cuối ngày 27.3, làm ít nhất 3 người thiệt mạng, theo AFP.
Cuộc không kích diễn ra sau khi lực lượng vũ trang của KNU chiếm được một căn cứ quân sự, làm 10 binh sĩ thiệt mạng. Quân đội Myanmar chưa bình luận gì về thông tin này.
Xung đột giữa quân đội và KNU làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát nội chiến. KNU là một trong những lực lượng vũ trang đối lập lớn nhất tại Myanmar và đã ký thỏa thuận ngừng bắn với chính quyền trung ương vào năm 2015.
Giới ngoại giao của Mỹ, Anh, EU lên tiếng về hành động bạo lực đối với người dân Myanmar. Hôm qua, Đại sứ quán Mỹ tại Yangon kêu gọi công dân Mỹ hạn chế ra ngoài và giữ cảnh giác, một ngày sau vụ nổ súng tại Trung tâm văn hóa Mỹ ở Yangon, theo AFP.

Biểu tình Myanmar có số thương vong kỷ lục trong ngày lễ quân đội

Trong khi đó, tổng tham mưu trưởng quân đội 12 nước (Anh, Canada, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hy Lạp, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Úc và Ý) ra tuyên bố chung lên án quân đội Myanmar và các lực lượng an ninh liên kết vì sử dụng bạo lực chết người đối với người dân.
“Một quân đội chuyên nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn ứng xử của quốc tế và có trách nhiệm bảo vệ chứ không phải gây hại đến người dân mà họ phục vụ. Chúng tôi hối thúc các lực lượng vũ trang Myanmar dừng bạo lực và hành động để khôi phục sự tôn trọng và tin tưởng mà họ đã đánh mất thông qua những hành động của họ với người dân Myanmar”, tuyên bố chung nêu.
Cùng ngày, báo cáo viên đặc biệt của LHQ Tom Andrews cho rằng sự lên án của cộng đồng quốc tế là chưa đủ và cần phải có hành động cứng rắn, có sự phối hợp. Ông Andrews đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế khẩn cấp nếu Hội đồng Bảo an LHQ không thể thông qua hành động. Đồng thời, ông Andrews cho rằng cần cắt đứt các nguồn tài chính và nguồn cung vũ khí cho quân đội Myanmar.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.